Tăng trưởng toàn ngành nhựa, vì sao nhóm An Phát Holdings vẫn lao dốc?
(CLO) Bước vào quý I/2025 với bối cảnh thị trường thuận lợi, trong khi nhiều doanh nghiệp báo lãi ròng hàng trăm tỷ đồng, thì nhóm An Phát Holdings lại chìm sâu trong thua lỗ. Điều gì đang diễn ra bên trong “ông lớn” ngành nhựa này, giữa lúc toàn ngành tăng trưởng?
Nhựa xây dựng tiếp tục hưởng lợi từ giá nguyên liệu thấp và thị trường phục hồi
Theo VietstockFinance, tổng doanh thu của 23 doanh nghiệp nhựa niêm yết trên HOSE, HNX, UPCoM trong quý I/2025 đạt hơn 13.600 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng toàn ngành tăng 12%, lên 643 tỷ đồng – chủ yếu nhờ sự đóng góp của hai ông lớn Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP).

BMP ghi nhận doanh thu 1.380 tỷ đồng, tăng 38%, lợi nhuận sau thuế 287 tỷ đồng, tăng hơn 51%. Biên lợi nhuận gộp đạt 42,7%, chỉ thấp hơn mức đỉnh 43,8% của quý II/2024. Trong khi đó, NTP cũng đạt doanh thu 1.270 tỷ đồng, tăng 34%; lãi ròng 212 tỷ đồng, tăng 94% – quý có kết quả kinh doanh tốt thứ ba trong lịch sử. Biên lợi nhuận gộp lên đến 28,2%, mức cao nhất trong vòng 4 năm.
Theo báo cáo ngành của FPTS, nhóm nhựa xây dựng có thể tiếp tục giữ biên lợi nhuận trung bình khoảng 36% trong năm 2025, với điểm rơi lợi nhuận tập trung vào quý II.
Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan như Tân Phú Việt Nam (TPP) tăng lợi nhuận 86% nhờ cắt giảm chi phí hiệu quả; Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) tăng lãi 135% nhờ sản lượng bán tăng 20%; Nhựa Việt Nam (VNP) gây bất ngờ khi doanh thu giảm 41% nhưng lãi ròng vẫn tăng hơn 160% do có phần đóng góp lớn từ công ty liên doanh, liên kết.
Bao bì và An Phát Holdings phân hóa mạnh, lợi nhuận bị bào mòn vì chi phí và đầu tư
Ngược lại với nhóm nhựa xây dựng, các doanh nghiệp thuộc An Phát Holdings như AAA, HII, NHH đều sụt giảm sâu về lợi nhuận, dù doanh thu vẫn tăng. Nguyên nhân chính là khoản lỗ từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn.

Nhựa An Phát Xanh (AAA) ghi nhận doanh thu hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 30% nhưng lãi ròng chỉ còn 45 tỷ đồng, giảm tới 66% do hạch toán khoản lỗ đầu tư gần 119 tỷ đồng. An Tiến Industries (HII) báo lỗ 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 22 tỷ đồng. Nhựa Hà Nội (NHH) lãi 19 tỷ đồng, giảm một nửa dù doanh thu vẫn tăng gần 28%.
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp bao bì nhựa cũng ghi nhận kết quả trái chiều. Bao bì Dầu khí Việt Nam (PBP) lãi tăng gần 84% nhờ doanh thu tăng vọt 170%, trong khi Bao bì Bút Sơn (BBS) và Bình Sơn (PBT) giảm lãi do cạnh tranh và chi phí quản lý tăng. Công nghiệp Thương mại Sông Đà (STP) cũng giảm lợi nhuận do phải trích lập thêm dự phòng, dù doanh thu cải thiện.
Một số cái tên khác như TDP, HCD, PCH, SFN, DTT... ghi nhận kết quả sụt giảm do biến động giá nguyên liệu và chi phí vận hành gia tăng, phản ánh mức độ nhạy cảm lớn của ngành trước yếu tố đầu vào và dòng tiền đầu tư.