Tin tức

Tạo động lực để doanh nghiệp đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật

Nguyễn Hường 16/05/2025 17:17

(CLO) Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần xem xét nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.

Ngày 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Góp ý về việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách, hoạt động không vì lợi nhuận tại Điều 6 của dự thảo, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhận thấy, việc thành lập Quỹ này sẽ giúp đa dạng hoá nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính linh hoạt, hỗ trợ kịp thời cho những đề án, dự án không được nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí phù hợp.

22(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) phát biểu trước Quốc hội.

Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách.

“Thực tế cho thấy, chúng ta đã thành lập một số Quỹ ngoài ngân sách nhưng việc huy động nguồn lực rất khó khăn và công tác triển khai sử dụng nguồn kinh phí của một số Quỹ cũng chưa thực sự hiệu quả. Hơn nữa, việc vận động đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật thường khó cạnh tranh so với các lĩnh vực xã hội dễ thu hút tài trợ hơn như y tế, giáo dục, môi trường…”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Qua phân tích trên, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần xem xét nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.

Đồng thời, cần có quy định rõ ràng, hợp lý hơn về tỷ lệ và giới hạn sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ so với nguồn ngân sách Nhà nước trong một nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật để đảm bảo sự cân đối trong việc sử dụng và phân bổ các nguồn lực tài chính. Việc phân bổ tỷ lệ cần dựa trên nguyên tắc ưu tiên cho các nhiệm vụ chưa được ngân sách bố trí hoặc các nhiệm vụ cần hỗ trợ đột xuất, linh hoạt, nhanh chóng.

23.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đối với quy định ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tại điểm c, điểm d, khoản 1 Điều 4 có hai nội dung chi là “chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương” và “chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và thực hiện việc nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ, tháo gỡ những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật”.

Nữ ĐBQH cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa đề cập đến đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách này cũng như mức chi, đồng thời cũng không có điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện nội dung này.

Do đó, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.

24.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu rất cụ thể, gắn với thực tiễn công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở cả Trung ương và địa phương, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao của các ĐBQH. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung dự thảo Nghị quyết; đồng thời, phân tích, đánh giá sâu sắc thêm nhiều nội dung và góp ý thêm nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể vào các điều, khoản và phụ lục của Nghị quyết, đảm bảo thể chế đầy đủ Nghị quyết của Bộ Chính trị với yêu cầu công bằng, thỏa đáng, bao quát các đối tượng và các công việc cần có chế độ ưu đãi đặc biệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ và các cơ quan có liên quan và báo cáo lại ĐBQH. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về nội dung này vào chiều tối ngày 16/5 và Chính phủ sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17/5.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tạo động lực để doanh nghiệp đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO