Tạo hành lang pháp lý đột phá cho công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững, làm chủ công nghệ lõi
(CLO) Chiều 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phát triển ngành công nghiệp này theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với đổi mới sáng tạo và làm chủ công nghệ lõi. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi khởi nghiệp, tăng cường liên kết giữa các ngành công nghiệp công nghệ cao và xây dựng hệ sinh thái công nghệ số đồng bộ.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đánh giá dự thảo luật đã cơ bản hoàn thiện, thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội và các tổ chức liên quan. Theo đại biểu, dự thảo đã góp phần khắc phục những bất cập trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý vững chắc và các cơ chế ưu đãi cần thiết để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Liên quan đến chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (Điều 15), đại biểu Hương cho rằng, dự thảo đã kịp thời thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW với nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho dự án đặc biệt, khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chính sách ưu tiên thuê, mua sắm sản phẩm công nghệ số nhằm chuyển dịch từ gia công sang thiết kế, sản xuất ngay trong nước. Tuy nhiên, bà kiến nghị cần bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho cơ sở giáo dục, đào tạo công nghệ số để đảm bảo tính khả thi và thống nhất pháp luật hiện hành, đồng thời tăng cường đầu tư vào các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp.
Dự thảo Luật cũng dành riêng một mục trong Chương II quy định về phát triển bền vững công nghiệp công nghệ số, đặt trọng tâm vào tái chế, tiết kiệm tài nguyên, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải công nghiệp. Đại biểu Hương đề nghị hoàn thiện thêm các cơ chế đặc thù để thu hồi, xử lý sản phẩm công nghệ số sau khi hết hạn sử dụng, phù hợp với tiêu chuẩn xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) nhận định dự thảo luật đã xây dựng được khung pháp lý mang tính toàn diện. Tuy nhiên, ông đề xuất cần xây dựng chính sách thúc đẩy liên kết giữa công nghiệp bán dẫn và điện tử, coi đây là giải pháp nền tảng để giảm phụ thuộc nhập khẩu, phát triển hệ sinh thái công nghệ số trong nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá công nghiệp công nghệ số của Việt Nam tuy phát triển sau nhưng “không trễ”, vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội bứt phá. Ông đề nghị làm rõ chính sách thu hồi, xử lý thiết bị công nghệ sau sử dụng, đặc biệt với thiết bị bán dẫn có thể tái chế; đồng thời kiến nghị có cơ chế thuế ưu đãi cụ thể để doanh nghiệp phát triển công nghệ cao, tiến tới làm chủ công nghệ lõi.

Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Luật Công nghiệp công nghệ số là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa ngành này trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước. Luật đặt ra 4 mục tiêu lớn: hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số sáng tạo, tiến tới làm chủ công nghệ lõi; phát triển hạ tầng hiện đại, đồng bộ; thu hút nhân lực chất lượng cao và chuyển dịch từ gia công sang sản xuất có giá trị cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quá trình xây dựng luật đã cập nhật đầy đủ các tinh thần đổi mới của Đảng trong các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 66 về xây dựng pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo tuân thủ nguyên tắc quy định rõ chính sách lớn, phân cấp mạnh, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý minh bạch để kiến tạo phát triển.
“Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội thông qua với chất lượng cao nhất ngay tại kỳ họp này”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.