Tạp chí Một Thế Giới tổ chức diễn đàn tìm giải pháp nhân lực cho ngân hàng thời đại số
(CLO) Ngày 16/7, Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Diễn đàn do Tạp chí Một Thế Giới phối hợp cùng Thời báo Ngân hàng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, và ngành ngân hàng Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và nhân lực để thích nghi với kỷ nguyên công nghệ mới.
Theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng và dùng chung các nền tảng số quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số.

Ngành ngân hàng đang hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái số thông minh, không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành mà còn là mô hình tích hợp toàn diện giữa ngân hàng với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, dịch vụ công. Mục tiêu cuối cùng là đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống tài chính số hiện đại, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain và điện toán đám mây đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng. AI và Big Data giúp ngân hàng hiểu rõ hơn hành vi khách hàng, đưa ra dự báo chính xác và thiết kế sản phẩm phù hợp. Blockchain thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí. Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng.
Từ đó, cấu trúc nhân sự trong các ngân hàng đang được tái định hình. Nhiều vị trí cũ dần biến mất, thay vào đó là nhu cầu cao về các chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ tài chính (FinTech), chuyên viên quản lý rủi ro số, chuyên gia về trải nghiệm người dùng.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng lớn như LPBank, Vietinbank… đã và đang thực hiện tái cơ cấu nhân sự, cắt giảm nhân sự ở những lĩnh vực có thể thay thế bằng tự động hóa, đồng thời gia tăng nhân sự ở các vị trí liên quan công nghệ, ra quyết định và tư vấn.

TS. Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận định rằng ngành ngân hàng trên toàn thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn về tổ chức lẫn nhân sự. Ông nhấn mạnh: “Nhiều vị trí công việc truyền thống trong ngân hàng sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho máy móc, cơ sở dữ liệu thông minh và AI đảm nhiệm. Đây là một thực tế mà ngành ngân hàng buộc phải đối mặt và thích nghi".
Trước thách thức này, TS. Tùng đưa ra giải pháp quan trọng là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Ông đề xuất cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI để có thể làm chủ và sử dụng hiệu quả các công cụ số.
Việc đào tạo này cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo như Học viện Ngân hàng, các trường đại học có chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đầu ngành đã tập trung thảo luận vào những nội dung cốt lõi, bao gồm việc đẩy mạnh đào tạo. Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo nội bộ kết hợp chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ để cập nhật kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ nhân sự ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình đào tạo linh hoạt cũng được đề xuất. Các mô hình đào tạo đa dạng như bằng cấp thứ hai, chứng chỉ ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, học trực tuyến, và đào tạo dựa trên năng lực cá nhân cũng như yêu cầu cụ thể của từng vị trí công việc sẽ giúp nhân sự dễ dàng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Một trong những ưu tiên hàng đầu được thảo luận là các giải pháp giữ chân nhân tài công nghệ, nhằm đảm bảo ngành ngân hàng có đủ nguồn lực chất lượng cao để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Phần hỏi đáp tại diễn đàn cũng tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ cùng chia sẻ, giải đáp thắc mắc và tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhất cho việc đào tạo nhân lực công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong tương lai.