Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo mở lối cho kinh tế tuần hoàn, định hình tương lai xanh
(CLO) Ngày 22/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường”.
Sự kiện thu hút gần 200 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia môi trường, nhà khoa học, doanh nhân, đại diện doanh nghiệp OCOP, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan báo chí truyền thông.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường - nhấn mạnh vai trò trung tâm của kinh tế tuần hoàn trong tiến trình phát triển xanh của Việt Nam. Ông khẳng định báo chí đóng vai trò dẫn dắt trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động trong cộng đồng doanh nghiệp.
TS. Hưng cho biết, hội thảo lần này nhằm góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là nội dung khuyến khích phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư vào mô hình tuần hoàn và các dự án áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Trước thực trạng môi trường toàn cầu đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học và gia tăng ô nhiễm, TS. Đào Xuân Hưng cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số và đặc biệt là kinh tế tuần hoàn.
Ông dẫn chứng việc Việt Nam phát sinh khoảng 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, phần lớn vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm. Nếu được phân loại và tái chế hiệu quả, lượng chất thải này sẽ trở thành nguồn tài nguyên quý giá.
Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường cũng đánh giá cao các chính sách gần đây của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc cụ thể hóa nội dung kinh tế tuần hoàn, như thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình tăng trưởng xanh và triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Theo ông, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và cải thiện hình ảnh thương hiệu.
Là cơ quan lý luận, khoa học của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường không chỉ đẩy mạnh truyền thông qua các ấn phẩm in, điện tử, tiếng Việt và tiếng Anh, mà còn tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo chuyên đề để kết nối nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, cùng thúc đẩy triển khai thực tế các mô hình kinh tế tuần hoàn.
TS. Đào Xuân Hưng kỳ vọng hội thảo sẽ là dịp quan trọng để các bên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh. Ông kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ từ ba trụ cột: Nhà nước – Doanh nghiệp – Xã hội, bởi chỉ khi có sự đồng hành và tương hỗ lẫn nhau thì mô hình tuần hoàn mới có thể được triển khai đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Tại hội thảo, các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi từ đại biểu, doanh nghiệp, sinh viên và phóng viên liên quan đến tài chính xanh, công nghệ, chính sách ưu đãi, trách nhiệm xã hội và vai trò truyền thông của báo chí.
Thông điệp thống nhất của hội thảo là việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính xanh, ứng dụng công nghệ sạch và thực hiện trách nhiệm xã hội. Việc xây dựng các chuỗi giá trị tuần hoàn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.