Họ là những mắt xích quan trọng từng góp phần làm nên thương hiệu Petrovietnam và nay, lại tiếp tục vun đắp cho thương hiệu ấy được bền vững.
Phương châm hành động “Tam đồng”
Nói đến sự vượt qua khó khăn phải nhắc đến Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Đây là đơn vị trụ cột, thực hiện các hoạt động cốt lõi của ngành - tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổng thể hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị dịch vụ dầu khí. Có thể nói, năm 2017 là một năm vô cùng khó khăn của PVEP, nhưng với phương châm hành động “Tam đồng” - “Đồng lòng vượt khó, Đồng thuận tầm nhìn, Đồng hành đích đến”, ban lãnh đạo PVEP đã chủ động đề xuất với lãnh đạo các cấp hàng loạt các giải pháp cả về trước mắt và dài hạn nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, song song với việc chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp tự thân của PVEP.
Theo đó, những vấn đề trong công tác đầu tư, quản lý sản xuất, công tác điều hành, mô hình tổ chức hoạt động, công tác quản lý tài chính... đã được lãnh đạo PVEP và từng đơn vị thành viên rà soát, bàn bạc và có những biện pháp quyết liệt, tích cực để khắc phục. PVEP đã ban hành, chỉnh sửa trên 150 quy trình, hướng dẫn quản lý; tiếp tục vận hành có hiệu quả hệ thống các chỉ tiêu đánh giá KPI và các công cụ quản trị doanh nghiệp, đặc biệt bằng nguồn nhân lực nội bộ đã tự xây dựng các công cụ như hệ thống báo cáo quản trị iBoard…; thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp PVEP theo hướng tới xây dựng môi trường lao động minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và giàu bản sắc.
Bên cạnh đó, trước sức ép lớn về cân đối dòng tiền do tác động xấu từ giá dầu duy trì thấp, PVEP đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó đầu tiên là việc tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh theo các kịch bản giá dầu khác nhau phù hợp với thực tế và thay đổi tư duy quản trị, coi công tác tài chính làm trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, kế đến lần lượt là công tác khai thác và thăm dò. Với mục tiêu phấn đấu giảm giá thành sản xuất, PVEP đã tiến hành đàm phán và làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để giảm chi phí các dịch vụ phù hợp với điều kiện thị trường và giá dầu. Bên cạnh đó là việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp cải tiến và sáng kiến, sáng chế, triển khai hoạt động văn phòng xanh trong hoạt động của bộ máy hành chính ở tổng công ty và các đơn vị. Kết quả đã tối ưu và tiết giảm được hàng trăm triệu USD chi phí cho tổng công ty.
Với quyết tâm cao và nỗ lực không ngừng, triển khai đồng loạt, đồng bộ nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật, bám sát kế hoạch triển khai tối ưu, PVEP đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu sản lượng khai thác được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao. Để đảm bảo cho việc phát triển trong giai đoạn tới, PVEP đang tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể danh mục dự án của PVEP làm cơ sở xếp hạng ưu tiên đầu tư, thực hiện farm out hoặc dừng hẳn dự án. Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu cả trong các lĩnh vực hoạt động cũng như về tổ chức bộ máy, PVEP cũng tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới phương thức quản trị, phát huy mạnh mẽ công tác sáng kiến sáng chế…
Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như cạnh tranh với phân bón nhập khẩu ngày càng gay gắt, chính sách thuế, giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng PVFCCo đã có nhiều giải pháp để ổn định và tiếp tục phát triển. Để trụ vững và phát triển trong hoàn cảnh đó, không có gì khác ngoài tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) thông qua nâng cao năng suất lao động, quản lý chi phí hiệu quả để giảm giá thành...
Đặc biệt, PVECCo coi trọng công tác quản trị, tiếp tục xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của PVFCCo. Duy trì áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý hiện hành như mô hình quản lý sản xuất, sửa chữa bảo dưỡng, quản trị tiên tiến trên thế giới (ISO, OSHAS, ERP, KPI, 3P…) nhằm giảm thiểu rủi ro, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, phân quyền đồng thời gắn với công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro.
PVFCCo tập trung nguồn lực thực hiện Đề án tái cấu trúc giai đoạn 2016-2020, tiếp tục đổi mới công tác quản trị, hoàn thiện chiến lược phát triển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Chủ tịch HĐQT Lê Cự Tân khẳng định: Từ năm 2016-2020, duy trì vị thế của PVFCCo là doanh nghiệp SXKD phân bón số 1 trong nước, đồng thời phát triển lĩnh vực hóa chất, tập trung vào lĩnh vực hóa dầu.
Mục tiêu đến năm 2020 doanh thu từ lĩnh vực hóa chất chiếm 50% tổng doanh thu. Đến năm 2025, tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất có công nghệ hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường phân bón, hóa chất ra các nước trong khu vực cũng như trên thế giới nhằm phát triển đưa PVFCCo trở thành một trong những doanh nghiệp SXKD phân bón, hóa chất với công nghệ cao trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2035, phấn đấu trở thành doanh nghiệp có quy mô nằm trong top 10 ở khu vực châu Á trong ngành phân bón, hóa chất.
Đổi mới quản trị để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới chính là “phác đồ” mà Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas) đưa ra trong thời điểm này. Cùng với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã có những bước phát triển vượt bậc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, luôn là 1 trong những đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn. Ban lãnh đạo PV GAS xác định việc đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả, thành công, phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hiện tại, PV GAS đang triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường hiệu quả trong quản trị chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản trị tài chính và quản trị nguồn nhân lực, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thành đội ngũ lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của tổng công ty trong giai đoạn mới - hội nhập và hợp tác sâu rộng với các tập đoàn dầu khí lớn trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo PV GAS luôn khuyến khích các đơn vị trực thuộc và thành viên triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nhân rộng các mô hình quản lý tiên tiến để góp phần tạo lợi thế cạnh tranh; Tổng công ty cũng tích cực thực hiện tái cấu trúc theo kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phê duyệt và không ngừng rà soát, hoàn thiện bộ máy tổ chức theo hướng gọn nhẹ, kinh doanh có hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của tổng công ty trong quá trình hội nhập.
Có thể nói rằng từ chủ trương, định hướng của Tập đoàn, các đơn vị đi đầu như PVEP, PVFCCo, PVGas... đã nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao. “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” chắc chắn sẽ hun đúc lên sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng góp phần vào sự ổn định, phát triển của Petrovietnam trong thời gian tới. ❏
Hà Vân