Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Đẩy nhanh tiến độ Dự án đường dây 500 kv Lào Cai-Vĩnh Yên
Dự án đường dây 500 kv Lào Cai-Vĩnh Yên có chiều dài gần 300km, là công trình trọng điểm quốc gia, được chọn là một trong 80 công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ nâng cao năng lực truyền tải điện, giải tỏa công xuất cho các nhà máy điện khu vực Tây Bắc và phục vụ cung ứng điện từ Trung Quốc về Việt Nam.
Đồng chí Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói: “Đây là dự án được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu ngày càng tăng cho sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.
Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ngay sau thành công của mạch 3 đường dây 500kv Quảng Trạch (Quảng Bình) – Phố Nối ( Hưng Yên) hoàn thành và đóng điện tháng 8/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Ban quản lý dự án điện I triển khai ngay các bước, các công tác chuẩn bị cho đường dây 500 kv từ biên giới xuống khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Theo ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án điện I: “Khi có thêm đường trục tải điện từ trên Lào Cai xuống sẽ nâng cao năng lực cung ứng điện cho các ngành kinh tế - bảo đảm ngành điện luôn luôn trong tư thế chủ động khi bị gián đoạn hay thiếu nguồn khi phụ tải ngày càng tăng cao”. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định QĐ 1274 ngày 26/10/2024. Và chỉ sau 3 tháng EVN đã quyết định đầu tư với tổng mức 7.410 tỷ đồng. Đây có thể nói là kỷ lục của ngành điện, từ khảo sát, lập thiết kế, dự toán, thẩm định, lựa chọn nhà thầu…
Đồng chí Bùi Quang Cảnh, Giám đốc Công ty Xây lắp điện 4 cho biết: “Đơn vị thi công 20 vị trí cột, cột thấp nhất 120m, cột cao nhất 180m, mỗi cột nặng trung bình 100 tấn sắt thép. Thi công trong điều kiện nắng nóng nên anh em bố trí làm việc ca kíp từ 4,5 giờ sáng. Trưa nắng nóng thì nghỉ. Tối lại làm thêm 2, 3 tiếng đồng hồ nữa”.
Ông Cảnh chia sẻ thêm: Ở vị trí xã Lục Yên đường lên vị trí móng đúc cột rất khó khăn. Đây là khu rừng nguyên sinh, có độ cao trung bình 100m. Cái khó ở đây là kết cấu địa chất ở thể dạng đơn giản, bề mặt toàn đất set. Chỉ một cơn mưa là kéo theo từng mảng cả 100 m2 xuống chân núi. Để hỗ trợ làm đường lên núi, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã huy động gần 400 cán bộ chiến sĩ tăng cường cho công tác làm đường, duy tu, bảo dưỡng các con đường lên núi.
.jpg)
Trao đổi với Thượng úy Đỗ Đức Sơn trung đoàn 174, (Sư đoàn 316 ) Quân khu 2, anh cho biết: “Ngay khi đường lên núi bị sụt lún, xe công trình không thể lên được vị trí dựng cột điện; đơn vị đã hành quân đóng quân tại nhà dân dưới chân núi, triển khai ngay đội hình chiến đấu vận chuyển hàng chục m3 đất đá san lấp các đoạn đường hư hỏng. Giúp cho đơn vị thi công có điều kiện vận chuyển hơn 100 tấn sắt thép và 50 tấn xi măng lên vị trí dựng cột”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông cho biết: “Mặc dù đang tập trung cho việc sáp nhập và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp nhưng tỉnh xác định: Công tác đền bù giải phóng mặt bằng là công tác trọng tâm, đột xuất của cả tỉnh, của cả hệ thống chính trị. Không có câu chuyện chây ỳ, chậm chễ bàn giao mặt bằng cho ban quản lý dự án và các nhà thầu. Tỉnh phấn đấu ngày 15/7 bàn giao 100% mặt bằng để các đơn vị vào thi công.
Có thể thấy cách làm quyết liệt của tỉnh Phú Thọ, nhà đầu tư, nhà thầu cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh từ lãnh đạo đến các địa phương. Từ trước khi sáp nhập các địa phương đã rao riết xuống huyện, xuống xã xây dựng các kịch bản sao cho công tác giải phóng mặt bằng thông suốt. Còn từ ngày 1/7 sau khi sáp nhập tỉnh, tỉnh Phú Thọ đã duy trì 2 ngày giao ban 1 lần với phương châm “ tắc đâu thông ở đó” , “ vướng ở đâu gỡ ở đó”.
Từ phương châm “tắc đâu thông ở đó”, “vướng ở đâu gỡ ở đó”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử tổ công tác do đồng chí Trương Hữu Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện Quốc gia, làm đặc phái viên của đồng chí Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nhằm giải quyết nhanh và thông thoáng các khúc mắc về chế độ chính sách trong đền bù, thu hồi đất ở các chân công trình.
Đẩy nhanh tiến độ
Trong thực hiện các dự án đầu tư, cái khó nhất là công tác giải phóng mặt bằng, cái khó đó đã được hóa giải bằng quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị của cả 2 tỉnh Lào Cai, Phú Thọ. Ngoài Lào Cai đã bàn giao toàn bộ mặt bằng, cho đến hôm nay các diện tích phải thu hồi đã hoàn thành 100%. Đáp ứng yêu cầu của Ban quản lý dự án.
.jpg)
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Phương Nam Giám đốc Ban quản lý dự án điện I cho biết: “Đây là giai đoạn quyết liệt nhất để đưa dự án về đích. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi đã đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu. Tức là đáp ứng đủ 100% vật tư, nguyên vật liệu đến chân công trình. 50% số cột trên đường dây đã được xây dựng xong. Đã tiến hành treo sứ, kéo dây 2 khoảng néo. Nếu thời tiết thuận lợi thì cuối tháng 7 cơ bản đã dựng xong cột.
Xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám, và Quốc khánh 2/9, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã phát động thi đua ngay trên công trường.
Theo đó, các cơ quan đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chia hàng trăm lượt đoàn công tác đến từng vị trí cột để tặng quà, biểu diễn văn nghệ, động viên cổ vũ cán bộ - công nhân viên trên công trường. Hiện đoàn thanh niên đã có hàng chục tổ “xung kích” xuống hiện trường làm công tác phát quang an toàn hành lang phục vụ kéo điện… Ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê vì dòng điện cho Tổ quốc đã và đang thắp lên niềm tin ý chí phấn đấu của lớp trẻ, của cán bộ - công nhân viên ngành điện hôm nay.