Tập đoàn, TCT thiệt hại nặng do dịch Covid-19: “Siêu ủy ban” làm gì để giải cứu “đoàn tàu” đang cạn nhiên liệu

Thứ sáu, 10/04/2020 11:44 AM - 0 Trả lời

(CLO) Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, thêm vào đó là tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa giữa một số quốc gia trên thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lí vốn nhà nước đang phải chịu tác động kép.

Lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. 07/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch; 08/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020 doanh thu hợp nhất của VNA ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong Quý IV, tổng doanh thu của VNA ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

VNA hiện đã triển khai dừng toàn bộ các đường bay Quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, VNA đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Vào đầu năm 2020, VNA có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt. VNA đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/03/2020 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Tổng doanh thu của ACV trong Quý I/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), việc hạn chế nhu cầu đi lại của người dân trong mùa dịch khiến lưu lượng xe lưu thông trên đường bộ từ đầu năm 2020 giảm mạnh, đặc biệt tại các tuyến Nội Bài- Lào Cai, tuyến Cầu Giẽ -Ninh Bình, tuyến TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong Quý I/2020, doanh thu của VEC ước giảm 15 tỷ đồng. Dự kiến nếu dịch kéo dài đến Quý IV/2020, doanh thu cả năm của VEC ước đạt 3.698,22 tỷ đồng, giảm 552,74 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; ước lỗ 140 tỷ đồng.

Tình trạng trên cũng xảy ra ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do không có khách đi tàu, từ đầu năm đến nay các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo việc hoàn thành kế hoạch đã được giao. Trong 03 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách dự kiến 527,88 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban QLVNN trình Thủ tướng Chính phủ, cập nhật ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có doanh thu hợp nhất 03 tháng đầu năm 2020 ước giảm 626 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ 572 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)... cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch Covid-19 trên toàn cầu cùng với cuộc chiến về thị phần dầu, giá dầu giữa Nga và các nước OPEC xảy ra từ ngày 06/3/2020 dẫn đến giá dầu suy giảm nhanh nằm ngoài dự báo. Tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay khiến thiệt hại về kinh tế là rất lớn, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp... Theo số liệu tài chính hợp nhất Tập đoàn, trong Quý I/2020, tổng doanh ước đạt 88.300 tỷ đồng, giảm 13.194 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; tổng  lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. 

Giải cứu như thế nào?

Theo Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh, trước các tác động của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban đã triển khai và tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty quán triệt và thực hiện các giải pháp cụ thể để đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty vừa chống dịch vừa phải tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, PVN, EVN, TKV, Petrolimex: Bảo đảm cung cấp đủ điện, xăng dầu cho nhân dân và phục vụ sản xuất. VNA, ACV, Đường sắt Việt Nam, VEC: đảm bảo hoạt động giao thông phục vụ công tác kiểm soát dịch hiệu quả, kịp thời theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ là tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. VNPT, Mobifone: giữ ổn định và thông suốt thông tin liên lạc.

Với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dược phẩm thuộc SCIC: Tăng công suất sản xuất và cung cấp dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, thuốc men, trang thiết bị y tế. Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam: Bảo đảm cung cấp đầy đủ gạo, lương thực thiết yếu khác- đại diện “Siêu ủy ban” cho biết.

Cũng theo vị đại diện “Siêu ủy ban” tại báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ cho biết, để giải quyết các khó khăn cấp bách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc Ủy ban ứng phó, duy trì được hoạt động trong thời gian dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc, Ủy ban đã kiến nghị một số vấn đề cụ thể để Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét nhằm hỗ trợ thuế, tài chính, thương mại, đầu tư và chế độ chính sách cho người lao động.

Như xem xét, phương án giảm thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón, xăng dầu; Xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng, dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải; Khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các bộ ngành cần có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 03 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động; xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp tiền thuế, tiền thuê đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản đóng góp ngân sách để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tiếp tục giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm đối với một số dự án yếu kém ngành công thương.

Xem xét việc miễn, giảm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các quỹ bảo hiểm liên quan đối với các doanh nghiệp (không chỉ là giãn, hoãn thời gian nộp); có chế độ hỗ trợ, trợ cấp đối với người lao động không có việc làm, giảm thu nhập do dịch, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, nông, lâm nghiệp, khai khoáng, vận tải... là những ngành có nhiều lao động, thu nhập thấp, hoạt động ở những địa bàn kinh tế khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

Sớm hướng dẫn cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (theo phương án chỉ định thầu với điều kiện giảm 5% giá trị dự toán xây dựng) để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm ách tách nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đã chuẩn bị, nhất là các dự án ngành điện, các dự án hạ tầng hàng không...

Ngày 7/4, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình hoạt động của Ủy ban.

Theo chỉ đạo tại Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, thời gian tới, Ủy ban cần thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật, các quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp khả thi trình cấp có thẩm quyền để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Đồng thời, tập trung đánh giá khó khăn, tính toán tổng thể để đối phó được ở các cấp độ tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, đường sắt… Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2020, hoàn thành việc kiện toàn, bổ sung đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ủy ban theo quy định; bảo đảm tuyển chọn được lãnh đạo, cán bộ, công chức có kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn giỏi để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới; kiện toàn đầy đủ các chức danh chủ chốt của các tập đoàn, tổng công ty.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc triển khai các Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt theo Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; tập trung cơ cấu lại toàn diện về sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, nhân sự và quản trị của tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 17/3/2020 để sớm có phương án xử lý đối với kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế đặc thù tuyển dụng kiểm soát viên tại doanh nghiệp nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, năng lực, học vấn, kinh nghiệm, ưu tiên tuyển chọn trong bộ máy nhà nước, được tuyển từ bên ngoài nếu đủ điều kiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn.

Tập trung triển khai nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực và Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị tốt các cuộc họp của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới. Ủy ban chủ trì cùng với các Bộ, ngành đánh giá kỹ từng dự án để xác định dự án tháo gỡ, khả thi, dự án nào còn bế tắc, dự án cần phá sản... để có phương án xử lý, báo cáo tổng thể với Ban Chỉ đạo.

Khẩn trương tổng hợp, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ gắn với thực hiện công tác sơ kết 1 năm hoạt động của Ủy ban, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đánh giá được chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, chức năng quản lý, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, việc phát hiện các dự án không hiệu quả, thua lỗ, dự án tham nhũng…

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý dứt điểm các tồn tại của doanh nghiệp trước khi bàn giao về Ủy ban, tạo điều kiện cho Ủy ban, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Về hoàn thiện thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường theo nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật 69/2014/QH13 để làm rõ thẩm quyền phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, tránh tình trạng nhiều cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật; sửa đổi các chính sách liên quan tới hoạt động đầu tư, đất đai, quản lý tài sản công, tài sản của doanh nghiệp nhà nước để không gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước.

Về công tác cán bộ, Ủy ban chủ động làm việc với các Bộ, ngành liên quan trong việc điều động nhân sự; thực hiện thi tuyển cán bộ, công chức vào Ủy ban và thi tuyển, bổ nhiệm kiểm soát viên theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

Về rà soát, sắp xếp phương án sử dụng đất và cổ phần hóa doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn và phê duyệt phương án sắp xếp đất đai và sử dụng các cơ sở nhà đất đúng thời gian quy định, không để ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Về phân cấp cho Ủy ban hoặc Hội đồng thành viên một số nhiệm vụ, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thực hiện theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu trước đây thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, Quyết định số 1515/QĐ-CP và các biên bản bàn giao, phối hợp với Ủy ban giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại của các doanh nghiệp từ năm 2017 trở về trước.

Trâm Anh

Tin khác

Quảng Nam xác minh tài sản của 86 người có chức vụ, quyền hạn

Quảng Nam xác minh tài sản của 86 người có chức vụ, quyền hạn

(CLO) Qua bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên, Thanh tra tỉnh Quảng Nam chọn ra 86 người tại 12 cơ quan, đơn vị để xác minh tài sản, thu nhập.

Tin tức
Phấn đấu hết năm 2025 Hà Nội có khoảng 439.130 doanh nghiệp

Phấn đấu hết năm 2025 Hà Nội có khoảng 439.130 doanh nghiệp

(CLO) Phấn đấu đến hết năm 2025 trên địa bàn Thành phố có khoảng 439.130 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn 2021-2025 số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 152.677 doanh nghiệp; đến hết năm 2030 có khoảng 600.000 doanh nghiệp.

Tin tức
Ông Vũ Quốc Nghị được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Ông Vũ Quốc Nghị được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

(CLO) Ngày 19/4, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị công bố Quyết định bổ nhiệm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn dự và chủ trì hội nghị.

Tin tức
Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

(CLO) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Tin tức
Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức