Tàu cao tốc bị cưỡng chế, lộ bức tranh tài chính 'phập phù' của hệ sinh thái Mai Linh
(CLO) Tàu cao tốc Mai Linh Express – một trong những tài sản chiến lược từng được ví như “con gà đẻ trứng vàng” của Tập đoàn Mai Linh vừa bị cưỡng chế thi hành án tại TP Cần Thơ. Sự kiện này phơi bày những khó khăn tài chính kéo dài của doanh nghiệp vận tải kỳ cựu này, trong bối cảnh hệ sinh thái kinh doanh mở rộng nhưng lợi nhuận vẫn bấp bênh.
Bị cưỡng chế tài sản vì khoản vay chưa trả chỉ có... 1 tỷ đồng , tàu cao tốc 5 sao thành vật đảm bảo thi hành án
Chi cục Thi hành án dân sự quận Cái Răng (TP Cần Thơ) mới đây đã ra quyết định cưỡng chế, kê biên một tàu cao tốc thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Mai Linh Tây Đô (một đơn vị thành viên thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Mai Linh) để đảm bảo thi hành bản án dân sự được TAND quận Cái Răng tuyên hồi tháng 5/2024.

Tài sản bị kê biên là tàu Mai Linh Express – phương tiện có chiều dài 40 mét, rộng hơn 10 mét, tổng công suất máy chính lên đến 3.220 KW. Tàu được đóng vào năm 2019 bởi Nhà máy Z189 thuộc Bộ Quốc phòng, và đã được Mai Linh Tây Đô đưa vào khai thác từ năm 2021, phục vụ tuyến du lịch Cần Thơ – Côn Đảo.
Với 338 chỗ ngồi và mức giá vé dao động từ 690.000 đến 1.300.000 đồng mỗi lượt, tàu Mai Linh Express từng được xem là kỳ vọng tăng trưởng mới của Mai Linh trong bối cảnh lĩnh vực taxi truyền thống bị cạnh tranh gay gắt từ các hãng công nghệ.
Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ việc, công ty này bị ông Huỳnh Ngọc Minh T. (cư trú tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) khởi kiện do không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng vay 1 tỷ đồng, ký từ tháng 8/2023 và đáo hạn vào cuối năm. Dù lãi suất được thống nhất ở mức 12%/năm, đến nay Mai Linh Tây Đô chỉ mới trả được 220 triệu đồng. Phía bị đơn cũng không tham dự các phiên hòa giải theo yêu cầu của tòa án.
Dấu hiệu mất cân đối tài chính, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu
Công ty cổ phần Mai Linh Tây Đô có trụ sở tại số 30 Lý Thường Kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, là một trong nhiều thành viên cấu thành hệ sinh thái Tập đoàn Mai Linh, bên cạnh các công ty hoạt động tại ba miền Bắc – Trung – Nam.
Không chỉ khai thác vận tải taxi và tàu cao tốc, Tập đoàn Mai Linh dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT Hồ Huy còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục quốc tế và bảo hiểm. Tuy vậy, sự đa dạng hóa này không đồng nghĩa với tăng trưởng tài chính ổn định.
Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần của Mai Linh đạt 1.589 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức xấp xỉ 4 tỷ đồng – một con số khá khiêm tốn so với quy mô hoạt động của tập đoàn.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng lỗ lũy kế của Mai Linh lên đến 1.306 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu (1.246,6 tỷ đồng). Đồng thời, tổng nợ phải trả ghi nhận ở mức 4.076 tỷ đồng, tăng 70 tỷ so với năm 2022. Những số liệu này phần nào phản ánh sự mất cân đối tài chính đang hiện hữu, đòi hỏi tập đoàn phải có giải pháp tái cơ cấu toàn diện nếu muốn tiếp tục giữ vai trò trên thị trường vận tải.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị phần taxi bị thu hẹp đáng kể và hoạt động tàu cao tốc chịu nhiều biến động từ ngành du lịch, việc một tài sản chiến lược như Mai Linh Express bị kê biên để thi hành án là tín hiệu rõ nét cho thấy những rủi ro tài chính đang bao trùm hệ sinh thái Mai Linh.