Tây Bắc nâng cao giá trị nông sản bằng hợp tác và liên kết chuỗi
(CLO) Chiều 1/7 tại TP Sơn La, Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La... tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”.

Diễn đàn được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao sản lượng tiêu thụ nông lâm sản tại thị trường nội địa; định hướng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất - sơ chế - chế biến với tiêu thụ nông lâm sản; quảng bá sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương trên cả nước; đồng thời hưởng ứng, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tên cũ), Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, những năm gần đây, các địa phương ở Tây Bắc đã nỗ lực và chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất, tận dụng các cơ hội và lợi thế của vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Các sản phẩm như cà phê, chè, cây ăn quả đặc sản đã được phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật như diện tích trồng cà phê ở Tây Bắc tăng 54% và sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua.
Ông Lê Quốc Doanh lưu ý rằng, một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới như cây ăn quả, cây dược liệu đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống.

Do đó, các tỉnh Tây Bắc cần có thông tin khoa học, phổ biến kiến thức để nông dân tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật mới. “Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Cần có sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương để tháo gỡ các khó khăn”, ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo nông dân về các kỹ thuật canh tác mới. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường liên kết giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương để hỗ trợ nông dân.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: "Địa phương đã và đang tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững, với định hướng rõ ràng về nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, công nghiệp tái tạo và phát triển bền vững gắn với thị trường. Từ nền tảng điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng sự ủng hộ của Trung ương, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng nội lực để chuyển hóa thành động lực để tăng trưởng".

Ông Công cho biết thêm, Sơn La hiện là vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp lớn của cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu…nhờ triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU từ năm 2015 về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc không chỉ cải thiện sinh kế người dân miền núi mà còn góp phần chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với cây ăn quả, ngành mía đường của tỉnh cũng ghi dấu ấn khi có nhà máy duy nhất tại miền Bắc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh ngành này gặp nhiều khó khăn trên cả nước.
Về định hướng thời gian tới, ông Công cho rằng tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường.

Đối với tỉnh Lai Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Huy Phương chia sẻ, với địa hình đặc trưng, khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, Lai Châu là vùng đất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài dược liệu đặc hữu, quý hiếm.
“Sâm Lai Châu không chỉ là một sản phẩm dược liệu quý mà còn là biểu tượng cho khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân Lai Châu. Tỉnh Lai Châu kêu gọi và mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để cùng đưa sâm Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng vốn có, mang lại lợi ích chung và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.
Tây Bắc là vùng miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Đặc biệt với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, vùng Tây Bắc còn sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như xoài, nhãn, mận, chanh leo, cam, chuối, bưởi; cây lâu năm như cà phê, cao su; lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm có giá trị sinh học, dược liệu bản địa.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã có bước phát triển khá toàn diện, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nông sản ngày càng được tiêu thụ rộng rãi ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Xuyên suốt diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học,... xoay quanh các vấn đề then chốt như xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh chế biến sâu, ứng dụng chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống logistics, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của khu vực Tây Bắc, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm sản, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.