Đời sống

Tây Nguyên căng mình bảo vệ rừng trước nguy cơ “giặc lửa”

Trần Hiền 11/04/2025 06:27

(CLO) Tây Nguyên đang bước vào đỉnh điểm mùa khô. Để bảo vệ rừng khỏi “giặc lửa”, các đơn vị chủ rừng đã huy động tối đa lực lượng ngày đêm tuần tra, bảo vệ. Ngoài ra, các công nghệ và thiết bị hiện đại cũng được sử dụng để phòng chống cháy rừng.

Thường trực nỗi lo cháy rừng

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 600.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng hơn 478.000 ha, rừng trồng 155.522 ha và rừng trồng chưa thành rừng 14.000 ha. Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang bước vào cao điểm nắng nóng, nhiều cánh rừng được đặt trong tình trạng báo động cấp V – cấp đặc biệt nguy hiểm rất dễ xảy ra cháy rừng, lây lan nhanh và khó kiểm soát.

Theo kết quả rà soát của Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) các địa phương và đơn vị chủ rừng, toàn tỉnh hiện có 286 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, với diện tích hơn 124.000 ha. Diện tích rừng dễ cháy tập trung chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên lá rộng, rừng khộp.

ảnh 2 (14)
Tây Nguyên căng mình bảo vệ rừng trước “giặc lửa”

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục xảy ra cháy cây trồng chưa thành rừng. Trong đó đáng chú ý là vụ cháy xảy ra ở huyện Ia Grai (Gia Lai) của Công ty Cổ phần Trần Quang Gia Lai, với tổng diện tích gần 36 ha.

Ghi nhận của PV tại huyện Ia Pa (Gia Lai) thời tiết hiện nay vẫn đang nắng nóng gay gắt, nhiều cánh rừng trên địa bàn có nguy cơ cháy cao. Để chủ động PCCCR, ngay từ đầu mùa khô Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu giúp UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai xây dựng phương án PCCCR và yêu cầu các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án PCCCR cụ thể, sát thực tế.

z6488338441322_41999cf42b2d45f85374227a53e31d3c.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng và người dân tuần tra, bảo vệ rừng trong đợt cao điểm mùa khô 2025

Xã Ia Tul và Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố được giao quản lý diện tích rừng lớn nhất huyện Ia Pa. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố được giao quản lý hơn 24.900 ha đất rừng tự nhiên tại các xã Chư Mố, Ia Kdăm (huyện Ia Pa) và xã Yang Nam (huyện Kông Chro).

Để đảm bảo các điều kiện và nguồn lực triển khai tốt công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố đã phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa và các xã có rừng thuộc đơn vị quản lý tăng cường công tác tuần tra kiểm soát địa bàn, xây dựng các hạng mục cần thiết như đường ranh cản lửa, tổ chức đốt thực bì có điều khiển ở những khu rừng có nguy cơ bị cháy cao.

z6478016320806_2639ab64192f42f65c1d6ebc0556e152.jpg
Người dân Gia Lai tham gia công tác phòng chống cháy rừng

Trao đổi với PV, ông Nông Văn Thiện – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố cho biết: “Từ đầu mùa khô, đơn vị đã triển khai các biện pháp PCCCR như: Phát đường ranh cản lửa, đốt thực bì chủ động, ký cam kết an toàn lửa rừng với các hộ dân… Bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác PCCCR vẫn còn nhiều khó khăn như: Địa bàn quản lý rộng, phân tán, xen kẽ nương rẫy của người dân, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR vào mùa hành khô.

Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu làm cho thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường cùng với nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao như việc sử dụng lửa trong mùa khô gây bất lợi cho công tác PCCCR. Trong lâm phần quản lý có nhiều rẫy cũ của người dân đang canh tác rải rác, manh mún gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ cháy rừng trên lâm phần quản lý”.

Áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại phòng chống cháy rừng

Vào mùa khô, huyện Đức Cơ (Gia Lai) cũng là một trong những địa phương có nguy cơ cháy cấp độ cảnh báo cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, có 6 trọng điểm nguy cơ cháy tập trung ở các xã biên giới như Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Din và Ia Kriêng.

Theo ông Trần Ngọc Phận - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, liên quan đến công tác PCCCR, huyện luôn quán triệt phương châm "4 tại chỗ" gồm: Lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ. Trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là Ban Chỉ huy PCCCR được củng cố, kiện toàn từ cấp huyện đến xã; lực lượng chữa cháy tại chỗ gồm 659 người được trang bị hơn 400 phương tiện (ô tô và xe máy), gần 900 dụng cụ đầy đủ để chữa cháy rừng…

z6488338441230_47e51254cd5d2630c73457595fe131ca.jpg
Để giữ rừng khỏi “giặc lửa”, các đơn vị chủ rừng đã huy động tối đa lực lượng ngày đêm tuần tra, bảo vệ

Ông Trương Thanh Hà - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: “Cùng với việc chấn chỉnh, nâng cao ý thức cảnh giác, hiệu quả hoạt động của các ban chỉ huy, tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR ở thôn, làng, Chi cục thường xuyên theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm, Hotspot GLA, Gia Lai FFW để phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đơn vị chủ rừng kiểm tra, xác minh báo cáo kết quả điểm cháy qua nhóm Zalo “Nhóm thực hiện công tác PCCCR” về Chi cục Kiểm lâm trước 16 giờ 15 phút hằng ngày. Qua đó, theo dõi, chỉ đạo chữa cháy kịp thời, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra...”.

Tương tự Gia Lai, tỉnh Kon Tum đang bước vào những tháng cao điểm mùa khô năm 2024 - 2025 với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp. Nhiệt độ trung bình năm nay tăng cao hơn mọi năm, các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài đang đe dọa nhiều cánh rừng tại nhiều địa phương.

ảnh 3 (10)
Lực lượng bảo vệ rừng Kon Tum tăng cường công tác tuần tra, phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng mùa khô

Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 600.000 ha đất có rừng (trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 87%). Các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Sa Thầy và Ia H'Drai hiện đang được cảnh báo có nguy cơ cháy rất cao, với diện tích lên đến hơn 148.000ha. Theo đó, tỉnh này cũng vừa ghi nhận 1 vụ cháy rừng trồng chưa thành rừng với diện tích thiệt hại khoảng 16,3ha.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay: “Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ cháy rừng và ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng đã, đang được các đơn vị đẩy mạnh. Để chủ động PCCCR, Chi cục đã thiết lập Trung tâm giám sát và điều hành để liên tục cập nhật, đưa ra những cảnh báo cháy nhanh chóng và kịp thời. Công tác PCCCR đạt hiệu quả tối ưu, không chỉ cần sự quyết liệt từ lực lượng chức năng mà còn cần sự chung tay, nâng cao ý thức trách nhiệm từ cộng đồng dân cư".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tây Nguyên căng mình bảo vệ rừng trước nguy cơ “giặc lửa”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO