Dự án - Đầu tư

Tây Ninh 'bật đèn xanh' cho BAF xây “chung cư nuôi heo” đầu tiên tại Việt Nam: Mỗi năm nuôi 100.000 con chỉ với 95 nhân công

Gia Nguyên 08/07/2025 06:09

(CLO) Dự án chăn nuôi heo cao tầng đầu tiên tại Việt Nam vừa được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư, mở đường cho mô hình “chung cư nuôi heo” với hiệu suất vượt trội và diện tích đất sử dụng chỉ bằng 1/10 so với trang trại truyền thống.

Mô hình mới tiết kiệm đất, nhân công và gia tăng hiệu quả

UBND tỉnh Tây Ninh đã chính thức đồng ý cho BAF Việt Nam triển khai chuỗi dự án chiến lược, bao gồm: nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm thịt heo rộng 25ha, cùng hai trang trại chăn nuôi heo cao tầng áp dụng công nghệ lọc khí – khử mùi, mỗi trang trại có quy mô 65ha.

Trước đó, vào tháng 9/2024, mô hình “chung cư nuôi heo” từng được Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam giới thiệu trong lễ ký kết chuyển giao công nghệ với đối tác Muyuan (Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên mô hình chuồng trại cao tầng được áp dụng tại Việt Nam, với thiết kế 6 tầng hoạt động riêng biệt: tầng 5 và 6 nuôi heo nái; tầng 3 và 4 dành cho heo con và cai sữa; tầng 1 và 2 để nuôi heo thịt.

Dự án tổng thể có diện tích lên tới 1.550ha, gồm 4 tòa nhà, trại nái, trại heo thương phẩm và nhà máy sản xuất thức ăn công suất 600.000 tấn/năm. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt 450.000 heo nái và 10 triệu heo thương phẩm, nâng cấp quy mô chăn nuôi đáng kể so với mục tiêu năm 2024 là 75.000 heo nái và 800.000 heo thương phẩm.

Theo đại diện BAF, với thiết kế hiện đại và hệ thống tự động hóa, một trang trại quy mô 4.000 nái và 100.000 heo thịt mỗi năm chỉ cần khoảng 95 – 100 nhân công, giảm 27% so với mô hình truyền thống. Đồng thời, diện tích sử dụng chỉ 6,7ha – tiết kiệm gần 10 lần so với mức gần 60ha của các trại cũ.

Tại Trung Quốc, một trang trại với 2,1 triệu con chỉ sử dụng 85ha nhờ ứng dụng mô hình cao tầng, trong khi cách làm cũ cần tới 450ha. Những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt về tiết kiệm đất đai và nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất chăn nuôi ngày càng thu hẹp, nhất là ở các khu vực có địa hình đồi núi như miền Bắc.

Hạn chế dịch bệnh, tối ưu an toàn sinh học và logistics

Không chỉ tiết kiệm chi phí nhân công, mô hình trại cao tầng còn cho phép rút ngắn chu kỳ sản xuất, tăng năng suất heo xuất chuồng và giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh – vốn là vấn đề nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi hiện nay.

Theo BAF, hệ thống tầng được thiết kế tách biệt theo từng giai đoạn sinh trưởng của heo, giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Không khí lưu thông giữa các tầng đều được lọc và khử trùng, hạn chế tối đa phát tán mầm bệnh – đặc biệt trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn đang gây thiệt hại lớn tại nhiều địa phương phía Nam.

Dữ liệu từ Muyuan cho thấy các trại cao tầng có thể đưa heo đạt trọng lượng 120–135kg chỉ trong 170–175 ngày, với năng suất cai sữa lên tới 30 con/nái/năm. Các chỉ số này được đánh giá phù hợp với chiến lược tăng trưởng năng suất mà BAF đang theo đuổi.

Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao hơn khoảng 45–50% so với mô hình truyền thống, nhưng BAF kỳ vọng sẽ nhanh chóng thu hồi vốn nhờ tiết kiệm chi phí dài hạn như logistics, nhân công và giảm tổn thất do dịch bệnh. Thời gian khấu hao công trình cũng được kéo dài hơn, giúp tối ưu hiệu quả đầu tư.

Ngoài cụm dự án tại Tây Ninh, BAF đang khảo sát thêm các khu vực tại miền Nam, Tây Nguyên và miền Bắc để triển khai mô hình “chung cư nuôi heo” diện rộng, tận dụng thế mạnh công nghệ để chuẩn hóa quy trình chăn nuôi hiện đại tại Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tây Ninh 'bật đèn xanh' cho BAF xây “chung cư nuôi heo” đầu tiên tại Việt Nam: Mỗi năm nuôi 100.000 con chỉ với 95 nhân công
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO