Tết cũ ở miệt Hậu Giang

Thứ hai, 27/01/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Rơm rạ, lúa trải vàng và vun vãi trên những cánh đồng vừa khô, nắng cũng trải lên đó cái màu vàng như mật, mấy ngọn gió xuân hây hẩy, bay nhảy trên đồng. Trên lưng trời xanh ngắt, chim én chao lượn dệt mùa xuân. Rồi xóm ấp bỗng chộn rộn lên bằng một sinh khí mới...

Thế là Tết về, nôn nao, dung dị và ngập ngụa làng quê miệt Hậu Giang.

Miệt Hậu Giang là tên gọi cũ vào thế kỷ 19 của vùng đất tính từ tả ngạn sông Cửu Long xuống Mũi Cà Mau. Đây cũng là vùng khai mở sau cùng trên bản đồ Việt Nam. Có lẽ vì thế nên dấu ấn thời khẩn hoang vẫn còn in đậm trong tính cách, nếp sống của người nông dân nơi này. Ngày xưa đa số những người từ mạn ngoài, từ miệt Hậu Giang... về đây là những người nghèo khổ, họ đến đất mới rồi tự trồng tỉa, đánh bắt mà sinh sống trước khi có chợ búa để mua sắm. Mặt khác, họ dựa vào thiên nhiên mà sống, gọi là “mùa nào thức ấy”, từ đó hình thành nếp sống mà dân ở đây gọi nôm na là “cây nhà lá vườn” và cái nếp sống ấy được thể hiện trong các ngày tết thật rõ. Thời gian càng lùi về quá khứ, không gian càng xa xôi hẻo lánh, làng xóm càng nghèo khó thì Tết “cây nhà lá vườn” càng đậm đặc.

2-cai-be-vinh-long

Nhiều gia đình nghèo, quanh năm thiếu trước hụt sau, nhà của họ là một căn nhà lá tạm bợ cất trên bờ kinh nhưng Tết là dịp quan trọng bậc nhất trong năm nên họ đã có ý thức chuẩn bị từ mấy tháng trước qua việc nuôi gà, vịt, trồng cây trái và cả việc chuẩn bị củi đuốc... Đến 23 tháng Chạp cúng đưa Ông Táo về trời, dù mùa vụ chưa xong, lúa còn “ngố” ngoài đồng thì người ta vẫn bỏ hết việc đồng áng mà quay vào nhà lo Tết. Đầu tiên là sửa sang, trang hoàng nhà cửa, người khá giả thì đánh bóng tủ, bàn, giường thờ, người nghèo thì mua báo cũ hay giấy ngũ sắc về dán phòng khách, cắt hoa đèn treo trên phòng khách, cắt màn cửa, dán liễng đỏ trên bàn thờ. Sau đó mùng mền, quần áo, vật dụng gia đình đều được giặt giũ, chùi rửa sạch sẽ, với quan niệm năm mới mà nhà cửa mới mẻ sẽ có sự đổi mới, thịnh vượng. Sau đó, người ta tát đìa (vùng Cà Mau thì chụp đìa), cá nhỏ thì làm khô nhậu Tết, cá to thì rọng lại ăn tết và nếu còn thừa thì mang ra chợ bán để góp phần tiền đi chợ Tết. Đi chợ Tết là để mua những thứ tối cần thiết mà trong quê không làm ra được như: quần áo, giày dép, nhang đèn... còn những thứ còn lại phục vụ cúng kiếng vui chơi thì đã có sẵn.

5-cai-rang

25 tháng Chạp làm mâm cơm cúng đưa Ông Bà xong là cánh phụ nữ đi chẻ dây, rọc lá chuối đem phơi rồi lựa đậu, nếp đem ngâm, đem xay bột để chuẩn bị làm bánh Tết. Mấy bà già thì rủ nhau  5 – 7 người đổi công luân phiên đến từng nhà mà gói bánh tét, làm bánh bò, bánh da lợn... Còn mấy cô gái thì cũng cách làm đổi công, họ mang dụng cụ đến nhà nhau mà làm mứt, nướng bánh, sinh khí rộn ràng, tiếng cười giòn tan trong chái bếp nhà quê. Các cô sên mứt dừa, mứt cà, mứt mãng cầu và nướng bánh bông lan, bánh kẹp, bánh thuẫn. Xưa nữa thì thời gian chuẩn bị Tết ở Hậu Giang còn dài hơn, vào Rằm tháng Chạp, trong trăng thanh gió mát, trai gái làng đốt lửa quết bánh phồng, tiếng chày vang rền theo xóm xen lẫn những câu hò giao duyên, đưa những cái làng nhỏ của đồng quê vào cõi mộng mơ trữ tình.

Chiều 30 Tết là cả làng đồng loạt nấu bánh tét. Trong cái đêm trừ tịch ấy ai có ra đồng mà ngó về làng mình sẽ thấy ánh lửa bập bùng đều khắp cả xóm. Quanh bếp lửa ngoài trời ấy có một bà già thức canh nồi bánh và một chiếc đệm có lũ trẻ con đói bánh trái nằm lăn lóc nghe mẹ kể chuyện đời xưa trong cái không gian có hương bánh tét nồng nàn đê mê, để rồi khi lớn lên, đi xa, chúng mang theo đến cuối cuộc hành trình của đời mình cái đêm giao thừa nằm chờ bánh chín.

Các loại bánh Tết của các má, các em miệt Hậu Giang làm rất phong phú về chủng loại và cũng rất ngon không thua bánh chợ, bởi vì cái sinh hoạt Tết được hình thành hàng trăm năm. Quá trình trăm năm ấy người ta học hỏi, đúc kết để thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Đó cũng là cách các bà mẹ quê dạy con gái về phẩm hạnh của phụ nữ mà không cần một lớp nữ công gia chánh nào cả.

Tình quân dân ngày tết

Đến 28 Tết thì nhà nào đó trong xóm làm heo “chia lúa” và láng giềng sẽ được mời ăn một bữa cháo lòng vào 3 giờ khuya để rồi hừng sáng 29 Tết là cùng nhau nhận thịt chia lúa. Thịt nào cũng vậy, cứ mỗi ký là bằng một giạ lúa được trả vào mùa lúa tới. Người ta mang thịt về để làm nhân gói bánh tét, chuẩn bị làm cỗ cúng rước Ông Bà 30 Tết và quan trọng là để kho một nồi thịt kho hột vịt không thể thiếu của mỗi gia đình.

Ngày 29 Tết cũng là ngày nông dân miệt Hậu Giang đồng loạt “chưng bàn thờ”. Khác hơn ngoài Trung, ngoài Bắc, vùng Hậu Giang không có nhà thờ họ, mà chủ yếu gia đình, dòng tộc nông dân phân công nhau thờ phụng những người đã khuất. Thế cho nên đa phần nhà nông dân đều có cái bàn thờ, việc này cũng có cái hay của nó, sự phân công chia nhỏ ra vừa cho mỗi gia đình có cái bàn thờ riêng mà thể hiện chữ hiếu, vừa có cái bàn thờ chung để anh em, dòng tộc có cớ mà lui tới với nhau mỗi khi giỗ chạp, lễ tết. Người nông dân Hậu Giang coi việc “chưng bàn thờ” vào dịp Tết là công việc quan trọng. Người khá giả thì chưng một cặp dưa to, người nghèo hơn thì chưng một cặp dưa nhỏ. Có người không tiền thì ra vườn nhà hái dừa tươi, mãng cầu, chuối... chưng lên và trên cái bàn thờ ấy họ cũng chưng rất nhiều các loại bánh trái do họ tự làm lấy, với quan niệm bánh trái càng nhiều thì gia chủ thể hiện được sự hiếu hạnh và gia đình sẽ sung túc trong năm mới.

Nấu bánh Tét ở vùng sông hậu

Mâm cỗ cúng ngày 30 Tết để rước Ông Bà được người Hậu Giang làm rất tươm tất, 100% gia đình đều cúng thực phẩm được làm chủ yếu từ nguồn tự cung tự cấp. Ngày 30 Tết có thể nói là một ngày sôi động nhất của năm cũ để đón rước năm mới. Rất nhiều xóm làng khi cúng thì gia chủ tự nấu nướng và hành lễ, nhưng khi cúng xong thì đó là bữa tiệc của làng xóm. Người ta đi thành đoàn dài dằng dặc, hết nhà này đến nhà khác, cứ nhậu mỗi nhà vài ly mà đi cho kỳ hết cả xóm, đi theo đoàn ấy có xóm thì có múa lân (đầu lân tự làm), có những người biết đàn, ca vọng cổ xóm làng cứ tưng bừng từ lúc sáng đến lúc giao thừa.

Đến giao thừa thì hoàn toàn chấm dứt để ai về nhà nấy mà lạy trả nghĩa Ông Bà vào cái giờ khắc thiêng liêng của năm cũ và năm mới chuyển giao. Đó là lúc toàn gia tắm gội sạch sẽ, thay quần áo mới, dọn bánh mứt trà rượu và lên nhang đèn rồi lạy mừng tuổi Ông Bà. Đây là một cổ lệ được duy trì gần như tuyệt đối ở các xóm làng miệt Hậu Giang. Sáng mồng Một Tết người ta ra đường đi thắp nhang mừng tuổi nhà dòng họ, láng giềng. Đây là một cuộc viếng thăm quy mô lớn, anh đến nhà tôi tôi đến nhà anh rồi nhậu nhẹt và chúc nhau “Năm mới an khang thịnh vượng”.

20130201144415_8

Giờ đây miệt Hậu Giang kinh tế đã phát triển, đời sống hiện đại ồ ạt xâm nhập vào, trong đó có cả những luồng văn hóa xa xôi. Thế nhưng mỗi khi tết về, làng quê vẫn lồ lộ cái phong vị Tết “cây nhà lá vườn”. Đó là nếp làm bánh, tục lạy Ông Bà, đi thăm viếng nhau... vẫn được duy trì cho đến hôm nay. Đây là sức mạnh của văn hóa và cái văn hóa Tết của miệt Hậu Giang, cũng có thể nói là một “đặc sản” trong văn hóa Tết vô cùng phong phú của người Việt.

Lâm Thế Hùng

Tin khác

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

(CLO) Nghề thủ công truyền thống làm Nón lá hai mê tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở đây.

Đời sống văn hóa
Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

(CLO) Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 sử dụng nghệ thuật nhạc kịch, kết hợp hài hòa với các yếu tố lịch sử, văn hóa để làm nổi lên các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Tối 24/4, lễ khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính thức diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và trình chiếu phim truyện "Đào phở và Piano".

Đời sống văn hóa
Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

(CLO) Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những ngày này, hoa lục bình ở những cánh đồng trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội đua nhau bung nở sắc tím biếc tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng thu hút giới trẻ Thủ đô tới check-in, chụp hình.

Đời sống văn hóa