"Tết quê ơi, hẹn năm sau nhé!"

Thứ hai, 08/02/2021 08:41 AM - 0 Trả lời

(CLO) Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, nhà nhà chộn rộn sắm sửa, trang hoàng đón xuân. Thế nhưng, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi được hỏi “lúc nào về quê?”. Bởi, trong bối cảnh phòng, chống đại dịch Covid-19, họ đành chọn cái Tết xa nhà…

Mua vé máy bay về Quảng Ninh cách đây khoảng 1 tháng, chị Trịnh Bảo Trang (28 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) háo hức chờ kỳ nghỉ Tết dài bên người thân. Vậy mà hồi đầu tuần này chị và chồng phải ngậm ngùi đưa ra quyết định: Ở lại TPHCM đón Tết.

“Do ảnh hưởng của dịch, tôi sợ về quê bị cách ly thì lại mất Tết. Thêm vào đó tôi có con nhỏ nên lo bé bị ốm. Đây cũng là năm đầu tiên vợ chồng tôi ra riêng, tôi sẽ dành thời gian này để chăm chút, tận hưởng những phút giây bên gia đình nhỏ của mình”, chị Trang nói.

Không thể gọi cho tổng đài chăm sóc khách hàng, Trang phải gửi email cho hãng máy bay xin đổi lại vé. Đến đúng ngày đi, hãng này mới trả lời lại đồng ý cho bảo lưu vé 365 ngày.

Không được về quê, nhiều người thấy trân quý hơn dịp đoàn viên ngày Tết

Không được về quê, nhiều người thấy trân quý hơn dịp đoàn viên ngày Tết

Cũng chọn ở lại TPHCM, chị Nguyễn Gia Linh (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) rướm nước mắt khi nghĩ đến cảnh 3 đứa con gái nhỏ đang ở Hà Nội phải vắng mẹ ngày Tết.

“Suốt cả năm tất bật, tôi trông mong đến Tết để được về với các con. Vậy mà chẳng may dịch lại tái bùng phát, tôi sợ về bị cách ly lại dở dang công việc. Đêm qua tôi gọi về, ở đầu dây bên kia con tôi nói ‘mẹ an tâm, tụi con có ngoại rồi’. Lời động viên của con khiến tôi không cầm được nước mắt”, chị Linh xúc động nói.   

Cùng tâm trạng lo lắng đó, anh Nguyễn Hoàng Dũng (30 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) cho biết mấy ngày qua không chỉ theo dõi diễn biến dịch Covid-19 trên báo đài, anh còn hỏi thăm cả bạn bè và người thân.

“Nhớ nhà quá, lúc đầu tôi nghĩ mình cứ về quê rồi ở nhà với ba mẹ, tránh tụ tập nơi đông người là được. Nhưng nghĩ kỹ hơn một chút, tôi thấy những người thuộc diện F1 khi đi tàu, xe... chính họ cũng không nghĩ mình sẽ rơi vào xác suất rủi ro như vậy. Nên tạm thời tôi nghĩ nên đặt sự lạc quan của mình sang một bên, để đặt mình vào tình huống rủi ro mà thận trọng hơn hết”, anh Dũng nói.

Hơn thế, anh Dũng chỉ ra việc bản thân rất có khả năng sẽ lây bệnh cho cả gia đình nếu trường hợp anh chẳng may nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển. Anh Dũng cho rằng: “Tôi là người trẻ và không có bệnh lý nền, nên có thể sẽ ổn nhưng ba mẹ tôi hay người lớn tuổi khác mà tôi tiếp xúc sẽ như thế nào? Lúc đó sẽ thêm gánh nặng cho y tế nước nhà, trong khi họ đang hy sinh cái Tết của mình để kiểm soát dịch bệnh cho chúng ta đón Tết”. 

Nhiều gia đình chọn ở lại Sài Gòn đón Tết để phòng chống dịch Covid-19

Nhiều gia đình chọn ở lại Sài Gòn đón Tết để phòng chống dịch Covid-19

Có thể thấy, ngày nay cuộc sống hiện đại đủ đầy, cần gì có nấy, nhanh, tiện lợi. Thích đi đâu thì đi, xe, tàu, máy bay có sẵn. Đi xa lập nghiệp, có người một năm về quê cả chục lần, thèm bánh chưng, bánh tét thì đặt hàng, thiếu gì mua đó.

“Hồi đó di chuyển dễ dàng, nhiều khi tôi còn bực bội nghĩ ‘đang yên đang lành tự nhiên Tết’, tùm lum thứ phải lo. Giờ không về được mới thấy quý ngày đoàn viên biết bao…”, chị Lê Nguyệt Hồng (32 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) chợt thở dài.

Hơn bao giờ hết, chị Hồng thèm về nhà để đi lễ chùa, để kiêng kỵ, để thắp hương cho ông bà ngày Tết. Còn để chị có cơ hội lăng xăng phụ mẹ làm việc nhà, giúp ba mang quà đi biếu... thay vì cả năm tất bật chạy việc cho sếp ở cơ quan.

Về nhà, để chị lại được ăn củ cải muối, cắn miếng thịt kho hột vịt, húp xì xụp canh khổ qua nhồi thịt hay chiên chiếc bánh chưng… dẫu cho ngày thường chỉ cần một cú click chuột là có ngay mọi thứ.

“Mình nhớ nhà, người ta cũng nhớ nhà. Cả nước đang cùng Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… gồng mình chống dịch. Phải chống dịch xong mới được về nhà. Tết quê ơi, hẹn năm sau nhé!. Nén chút nhớ nhà, ráng đợi…”, chị Hồng nói, lấy tay gạt nước mắt rồi nhoẻn miệng cười.

Kỳ Hoa

Tin khác

Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

(CLO) Đờn ca tài tử là nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ và Long An là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam Bộ.

Đời sống văn hóa
Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

(CLO) Chặng đường lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập, thống nhất.

Đời sống văn hóa
Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

(CLO) Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vừa mới tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn - 2024, kỷ niệm 1014 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa mới tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

(CLO) Triển lãm nhiếp ảnh Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024) sẽ được tổ chức vào ngày mai (24/4). Hiện, các công việc chuẩn bị cho Triển lãm đã cơ bản hoàn tất.

Đời sống văn hóa