Tết trong tâm tưởng mỗi người dân Việt là những ngày đoàn viên bên nhau đón Giao thừa, cùng ăn bữa cơm tất niên mừng năm mới. Tết được nghỉ làm, du xuân và mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, ngày Tết nhà nào cũng cố gắng mua cho được mấy cân thịt bò, thịt lợn để “ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”, khi khách đến đón tiếp khách và cho con cháu cùng ăn Tết.

Đất nước đã qua bao thăng trầm biến cuộc, nhưng những phong vị Tết, những mỹ tục và cả những lo lắng khi Tết đến Xuân về thì vẫn thế. Người ta đã chả nói: “Tết đến sau lưng, con nít thì mừng, người lớn thì lo” đó sao?

Tết này, gọi là Tết đó thôi nhưng liệu ở nhiều miền quê đất nước mình... sau hạn mặn, sau bão lũ, rồi dịch bệnh…  Tết – có về không? Chắc chắn là có. Thế nhưng, Tết sẽ về trong bao nhiêu lo toan vất vả... Lúa nảy mầm, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác, tủ bàn xập xệ... gạo không còn, của cải bị cuốn trôi, cái quần cái áo nhuốm màu bùn đất...

Tết này, chắc chắn, sẽ không như Tết thuở nào… Những mất mát và nỗi đau do thiên tai gây ra chưa thể nguôi ngoai trong lòng của nhiều người. Nhiều gia đình - miếng ăn, tấm áo còn thiếu trước hụt sau, làm sao mơ đến một cái Tết đủ đầy. Nơi mà ở đó - nhiều cụ già, em nhỏ, những người cha, người mẹ... đau đáu, nghèn nghẹn trong thời khắc chuyển giao của năm mới...

Cơn lũ lịch sử đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn để lại âu lo và niềm thương cảm về những nếp nhà quê. Thế nên Tết này, đừng ai mong trở về ký ức với những cái Tết nghèo, mà hãy mong một cái Tết bình an, đủ đầy cho tất cả những nếp nhà trên mọi miền Tổ quốc.

Tài nguyên mà đất nước Việt Nam này dồi dào nhất, luôn có trữ lượng cao nhất, và mọi người cùng hân hoan khai mở nhất, chính là Tình Người. Chưa bao giờ tôi thấy “nghĩa đồng bào” được thể hiện trọn vẹn và đẹp đẽ nhất như những ngày tháng qua. Trong dịch bệnh, trong thiên tai, trong lũ dữ, đã không có ai bị bỏ lại phía sau. Thì nay, khi cái Tết cổ truyền đang cận kề, càng không có ai bị bỏ lại trong những ngày xuân mới. Chính trong tai ương, trong bất hạnh, dân tộc này đã cho thấy lòng nhân ái, tình nghĩa đồng bào có sức mạnh và hiệu quả ghê gớm như thế nào để vực dậy những cảnh đời khốn khó và bế tắc, để con người dù trong hoàn cảnh chịu khốn khổ vẫn còn niềm tin gây dựng lại cuộc đời từ những đổ nát.

Với mọi người Việt Nam dù đang ở đâu, Tết cổ truyền luôn là một cơ hội để sum vầy với gia đình, với người thân, đồng thời là một cơ hội để mở lòng đến với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, những mảnh đời khó khăn cần giúp đỡ được tháo gỡ, nhất là vào lúc xuân về tết đến với bao lo toan vất vả.

Cái Tết năm nay sẽ là một cái tết đặc biệt, khi cả nước phải vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vừa phải nỗ lực khắc phục khó khăn do dịch bệnh này gây ra. Bên cạnh đó, một năm bão lũ, tai ương ập xuống miền Trung gây ngập lụt, sạt lở, lũ quét... đã làm bà con miền Trung kiệt quệ. Những ngày này, doanh nghiệp đã bết bát cả năm vì dịch bệnh lại phải “bạc tóc” với chuyện xoay xở tìm nguồn để thưởng tết cho người lao động. Chưa kể hàng ngàn người lao động thất nghiệp do doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng đau đáu khi năm hết tết đến vẫn chưa có gì để sắm sửa...

Tết này, để đồng hành với người nghèo, góp thêm sự ấm áp và niềm vui cho những gia đình đang tìm cách vươn lên sau một năm đầy những tai ương chướng họa, rất nhiều tổ chức và xã hội chung tay giúp đỡ. Rất nhiều các bà mẹ nghèo, các em bé nhỏ đã âm thầm gửi tặng những đồng tiết kiệm nhỏ bé để giúp những người dân ở nơi xa, đang không may mắn bằng mình. Để ai cũng có tết, để niềm vui tuy khó nhọc nhưng có thể đến với mọi gia đình Việt còn vất vả.

Chưa bao giờ mà sự cho đi lại mang những ý nghĩa tốt đẹp, cần thiết như thế này, như khi chúng ta hưởng ứng cùng chăm lo tết cho người nghèo, những đồng bào của chúng ta, những người ở rất xa, những người ở quanh ta, để tết trở thành cơ hội thực sự sum họp an vui cho mọi gia đình Việt Nam. Nếu đón nhận sự ấm áp sẻ chia là hạnh phúc, thì lòng tốt khi được cho đi còn mang lại hạnh phúc nhiều lần hơn.

Người ta thường nói, mỗi khi năm mới cận kề, hương vị của nó bắt đầu lan tỏa từ rất sớm, và dư âm thì đọng lại rất lâu. Chỉ một luồng gió mang mưa phùn lất phất đọng trên đầu nụ hoa e ấp cũng đủ khiến người ta có cảm giác nặng lòng, chỉ một khoảnh khắc dừng lại trước tiếng loa phường phát ca khúc giao thừa là trái tim có thể dễ dàng lay động. Chỉ muốn thật nhanh hòa lẫn vào biển người mênh mông để tìm về gia đình ấm áp. Vì thế, nên Tết mang âm hưởng như tiếng gọi của sự trở về. Có ai chưa từng trải qua cảm giác mà bỗng dưng một khoảnh khắc nào đấy khi tết đến cận kề, người người thu xếp đồ lần lượt hồi hương, chỉ muốn đứng bật dậy chạy về ngay bên những người thân yêu nhất, ăn bữa cơm gia đình hay đơn thuần chỉ là cùng dọn dẹp nhà cửa, trang trí đào quất? Chỉ muốn giữ chặt những người thân yêu ở lại bên cạnh mình trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, thưởng thức những ca khúc mừng xuân, để âm thầm cầu chúc cho nhau mãi an lành?

Bởi vì cảm giác trở về cũng đã gợi cho người ta sự bình yên…

Bởi vì cảm giác trở về chính là được quay về mái ấm cho ta dựa dẫm suốt đời…

Bởi vì cảm giác trở về cho chúng ta thôi bận tâm về quá nhiều mối lo khác trong cuộc sống, để chỉ chú tâm vào gia đình, để cho bản thân chúng ta thời gian nuôi dưỡng tâm hồn lớn lên…

Tết đến rồi, bạn đã nghe thấy âm thanh ấy chưa? Âm thanh của gia đình, âm thanh của mái ấm luôn chờ đợi chúng ta trở về để chở che, ủ ấm? Mỗi ngày lịch đi qua là mỗi ngày âm thanh giục giã ấy càng lớn. Không trở về gia đình, thì còn có thể đi đâu?

Mặc cho năm tháng dần trôi, Tết Việt ngàn đời vẫn thế, vẫn náo nức, vẫn rộn ràng, vẫn có hoa và rượu, vẫn có nhớ và mong, vẫn có hoài niệm và hy vọng. Sau phút giây sum họp tất là đến những ngày tháng chia xa. Đó là quy luật của tình yêu và cuộc sống. Tết và mùa xuân là điểm hẹn để cho con người kết nối những yêu thương! Tết đang đến rất gần, hãy cùng nhau tìm về cội nguồn hạnh phúc để cùng nhau chia sẻ mọi yêu thương!

Khi chúng ta có tình yêu thương, ấy là khi chúng ta có hạnh phúc.

Tin khác

Ninh Bình dự kiến tổ chức Tuần lễ “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” năm 2025 trong 7 ngày

Ninh Bình dự kiến tổ chức Tuần lễ “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” năm 2025 trong 7 ngày

(CLO) UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND, chính thức khởi động công tác chuẩn bị cho Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”.

Phù điêu Kala Núi Bà ở Phú Yên là bảo vật quốc gia

Phù điêu Kala Núi Bà ở Phú Yên là bảo vật quốc gia

(CLO) Kala Núi Bà có niên đại khoảng thế kỷ XIV, là di vật đạt đỉnh cao kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật điêu khắc của văn hóa Chăm.

Phú Thọ chiếu phim miễn phí dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Phú Thọ chiếu phim miễn phí dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

(CLO) Đợt chiếu phim miễn phí dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức tại rạp Hòa Phong, thành phố Việt Trì và nhiều nơi khác trong tỉnh Phú Thọ.

Hàng ngàn du khách về dự Lễ hội Phủ Dầy năm Ất Tỵ 2025

Hàng ngàn du khách về dự Lễ hội Phủ Dầy năm Ất Tỵ 2025

(CLO) Tối 31/3 (mùng 3/3 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Lễ hội Phủ Dầy năm Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc, thu hút hàng nghìn du khách và tín đồ thập phương về chiêm bái và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống.

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch giao Cục PTTH&TTĐT tìm hiểu về vụ ồn ào tình ái của ViruSs

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch giao Cục PTTH&TTĐT tìm hiểu về vụ ồn ào tình ái của ViruSs

(CLO) Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, phía Bộ giao cho Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử tìm hiểu, kiểm tra thông tin liên quan đến vụ việc ồn ào của streamer, nhạc sĩ ViruSs.

Hành trình kết nối xanh: Lan tỏa thông điệp sống xanh trên VTV3

Hành trình kết nối xanh: Lan tỏa thông điệp sống xanh trên VTV3

(CLO) VTV3 sắp ra mắt chuỗi chương trình truyền hình thực tế "Hành Trình Kết Nối Xanh", gồm 60 tập, lan tỏa tinh thần sống xanh và kết nối con người với thiên nhiên.