Tết, thèm một tiếng… quê!

Thứ hai, 08/02/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 25 tháng Chạp, một người anh tôi đăng dòng Status lên trang cá nhân: “Buồn thật, mình chẳng có quê để về… haizz…”, kèm theo hình ảnh minh họa là một cây rơm.

Tết là để về quê

Tết là để về quê

Anh sinh ra lớn lên ở thành phố. Đi học ở Thủ đô, lấy vợ thị xã, công tác ở… tỉnh lỵ, sinh sống ở khu đô thị mới. Bố mẹ, anh em, gia đình, tất cả đều là cư dân thành thị.

Nhà anh ở khu đô thị thông minh. Chỉ cần ngồi một chỗ bấm Smartphone, mươi phút sau có dịch vụ ship bánh chưng, dưa hành tới tận cửa.

Con cái anh, tuổi thơ bị “đánh cắp” trong bốn bức tường bê tông khô khốc dan díu với tủ lạnh, điều hòa và những trò chơi điện tử. Cuộc sống của chúng, gần như không có khái niệm… quê. Tương lai của chúng là những công dân toàn cầu nhìn ra thế giới phẳng.

Là giáo viên dạy văn, thức giấc, anh thèm một giọt sương ban mai, thèm một tiếng chim hót, để bài giảng mỗi sáng lên lớp lảnh lót, trong veo như tiếng mùa xuân gọi. Nhưng khi còn đang mơ màng, tỉnh dậy đã thấy ngập trong khói bụi mù mịt và còi xe inh ỏi.

Hơn 40 tuổi, quê – nông thôn – làng… với anh chỉ là những chuyến du ngoạn để hít thở bầu không khí trong lành.

Ngồi trong tiệm cà phê ở khu đô thị mới có tên là Làng, anh bảo: đấy là cái làng giả, tựa như cách người ta xén hoa, trồng cỏ trong vườn bách thảo. Tết về, hằng trăm cái bồn hoa rực rỡ không thể bằng một cánh hoa nhỏ e ấp giữa vườn quê. Chục cái công viên sao bằng một góc cánh đồng chiều. Nơi đó có mái rạ, bờ tre, triền đê, cồn cát, bãi nghêu. 

“Ước gì tao cũng có quê để về”! Anh bảo hồi giảng ca dao cho học sinh thành phố, anh không biết phải bắt đầu từ đâu, dù đã đọc cả chục cuốn sách nghiên cứu về nó. Anh gắng giải thích câu: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” mà học sinh không thể hiểu. Chúng thắc mắc sao lại là “cơm búng” mà không phải là “bún”, là “cơm tám” (cơm nấu từ gạo tám xoan). Rồi anh tự trả lời với mình rằng, học trò của anh, đứa nào cũng lớn lên bằng phương pháp… nuôi con trên mạng. Thế thì làm sao để chúng biết đến cảnh mẹ nhai cơm mớm cho trẻ từ khi còn chưa mọc răng.

Cậu út nhà anh, học lớp 4, một lần đi dã ngoại về quê đã hét toáng lên khi nhìn thấy cục phân trâu. Về nhà, cháu kể lại với các bạn thành phố như một chiến tích huy hoàng, rằng mình đã nhìn thấy phân trâu thật ngoài đời.

Cuối năm, anh chán ngấy những tiếng cụng ly thành phố, thèm một tiếng gà trưa cục tác.

Giáp Tết, bạn tôi từ phương Nam gọi điện về cho mẹ. Giọng nó nấc lên nghẹn ngào bởi lại một năm nữa không được về quê đánh đu tiên, chơi bài điếm, chếnh choáng men rượu quê.

Năm nay dịch giã, mẹ nó bảo các con đừng về. Hy sinh một cái tết để đón thêm nhiều mùa xuân. Dẫu rằng, lòng mẹ đang văng vẳng câu hát: “năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về”.

Hai mươi năm bôn ba chốn thị thành, nó bảo: phố xá chỉ là chốn mưu sinh còn Tết là phải về quê. Càng đến gần tết, nỗi nhớ quê càng cồn cào. Chức quyền, địa vị, lợi danh, tranh đoạt như trùng xuống, chỉ có xúc cảm nguồn cội là sục sôi dữ dội. Nó muốn toan chạy về quê, ra triền đê hóng gió, xem bọn trẻ trâu đánh trận cỏ gà, ngắm cánh đàn ông tát ao bắt cá, nhìn những bà hàng xén bớt một thêm hai ngoài chợ chiều.

Giờ này, mẹ nó, dù cuộc sống đã dư dả, vẫn chắt bóp từng đồng tiền lẻ chạy chợ, giấu vào tay nải, đặng chờ cháu con về mừng tuổi lấy may.

Cha nó, vẫn tự tay mình gói những chiếc bánh chưng xanh bên bếp lửa hồng ngồi ngóng con cái quây quần chờ đón tất niên.

Người yêu cũ của nó, giờ đã sắp lên bà nhưng năm nào cũng qua chúc tết, rồi buông thõng một câu hờn trách: giá như ngày ấy đò đầy vẫn sang.

Làng nó, giờ đã nửa phố nửa làng nhưng vẫn không quên dựng cây nêu, trưng câu đối.

Đêm giao thừa, từng đoàn người quàng vai nhau, loạng choạng hơi men, rủ nhau gõ cửa chúc tết. Tiếng nói cười râm ran, vui ngút tràn cung mây.

Tôi, ngày càng thấy mình là gã cầm bút nửa mùa. Viết bao nhiêu điều lớn lao về thế giới nhưng vẫn nợ làng một nét quê nguệch ngoạc.

Bao lần cầm bút là bấy lần run run không cất thành lời.

Quê, gần gũi, dân dã, yêu thương mà thiêng liêng là thế!

Quang Duy

Tin khác

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

(CLO) Du khách có cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của một chợ phiên vùng cao ngay tại thủ đô Hà Nội trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay.

Đời sống văn hóa
Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

(CLO) Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

(CLO) Triển lãm ảnh “Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới” trưng bày 70 hình ảnh, tư liệu quý hiếm về 2 sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Đời sống văn hóa
Hơn 300 hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Hơn 300 hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

(CLO) Chiều 26/4, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội đã diễn ra triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt", với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày giúp công chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của của cuộc chiến 56 ngày đêm của ông cha ta.

Đời sống văn hóa
Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa