Tết trong lòng Phố Hội

Chủ nhật, 18/02/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2017, việc chuyên trang du lịch trực tuyến nổi tiếng TripAdvisor đánh giá Hội An là 1 trong 25 điểm đến tốt nhất thế giới đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của địa danh này trên con đường di sản miền Trung. Hội An mang đậm trong mình những nét văn hóa bản địa độc đáo. Trong đó Tết trong lòng phố Hội có những nét đặc thù và khác biệt…

Tết của người Hội An thực ra đã khởi đi từ… rằm tháng Giêng của Tết trước, khi người dân bắt đầu trồng cây quất cảnh và chăm sóc ròng rã suốt 11 tháng trong năm. Vào tháng 10 âm lịch, hoa và rau để phục vụ Tết cũng rầm rộ xuống giống nhân tiết trời thuận hòa lúc giao mùa, khi mưa bão đã lùi xa, cùng lúc với các đợt thu hoạch quất để làm mứt, biến nó thành sản vật địa phương đặc biệt do mùi vị, màu sắc và cách chế biến khác lạ. 

Cùng với mứt quất, các món ăn dưa kiệu, dưa món, thịt cuốn bánh tráng, chả bò, bánh tét, các loại mứt khác… cũng được các gia đình hối hả chế biến mà hầu như không nghĩ đến việc phải đi mua ngoài chợ. Bởi đặc thù người dân ở đây đều bận bịu quanh năm với hoạt động thương mại - du lịch nên “ngày Tết” là âm hưởng gợi nên trong tâm tưởng thẳm sâu của họ về hai từ “sum họp”. Cô Nguyễn Tâm Văn, Giám đốc Kinh doanh của Little Hoian Group – một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực lưu trú và du lịch, cho biết: “Mình sinh ra và lớn lên ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, nhưng đã có 11 mùa xuân cùng Hội An đón cái Tết cổ truyền và mình say đắm không khí đó biết bao: Đường ngập hoa, phố ngập ngời màu sắc và khuôn mặt người dân nơi này cũng ngập tràn niềm hân hoan đón chào một năm mới”.

Báo Công luận
 
Bên cạnh không khí đoàn viên, hoạt động lễ hội cộng đồng tại Hội An nhân dịp năm mới cũng mở ra một không gian sống động và rực rỡ màu sắc, nổi bật nhất là ca hát giao duyên Bài Chòi thấm đẫm hồn dân gian thu hút người chơi rất đông từ mọi vùng miền. Bên cạnh Bài Chòi nức tiếng là Lễ hội cầu Bông vào ngày mùng 7 Tết ở Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) có lịch sử 500 năm tuổi. Đây là dịp người dân tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai phá nên làng rau, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa để có những mùa bội thu. Lễ hội bắt đầu khi các bậc cao niên đứng ra cúng tế với đoàn nghinh thần là hai hàng cờ, theo sau kiệu thần là trống chiêng và đồ gia lễ. Không chỉ tập trung cúng tế tại đình, mà mọi nhà trong làng đều sắm một mâm lễ vật. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, 5 đĩa xôi hồng cắm 5 cái bông rực rỡ và 1 ly rượu trắng. Ngày này, mọi người đều cảm thấy mình được xác nhận là thành viên quan trọng, không thể thiếu của làng. 

Chính vì thế, hàng ngàn người Trà Quế và người dân của những vùng lân cận đều tụ họp về để tham gia phần hội hè sống động và vui nhộn. Hội, thường mở màn bằng hội thi cuốc đất trồng rau. Xóm trên, làng dưới chọn những nông dân giỏi để thi thố kỹ thuật cuốc đất, vun luống, chăm tỉa và trồng các loại rau thơm. Xóm nào đoạt giải sẽ được bà con đãi đằng, tiệc tùng linh đình. Trong những năm sau này, lễ thả hoa đăng cầu may mắn vào rằm tháng giêng cũng thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tham gia, không chỉ để tỏ lòng thành kính với tiền nhân mà còn là dịp cầu mong năm mới an khang thịnh vượng. Khi các công trình chiếu sáng công cộng tại các tuyến phố đi bộ được tắt đi, Hội An chìm đắm trong ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng và người ta nô nức bước ra đôi bờ sông Hoài để thả hoa đăng, biến dòng sông thành một khối màu huyền diệu và ấm áp.

Báo Công luận
 
Giống như đồng bào ở miền Nam, các gia đình Hội An cũng chưng mâm ngũ quả gồm mãng cầu - dừa - đu đủ - xoài - thơm (hoặc bưởi). Theo cô Thùy Trâm, Giám đốc Sự kiện của Phố Hội Riverside Resort, thì mâm cúng giao thừa của người Hội An nói chung sẽ có trái cây, bánh kẹo và mứt. Sau giao thừa, người Hội An sẽ đi viếng chùa, đặc biệt là ghé đến Hội quán cổ Phúc Kiến, rồi đi hái lộc, sau đó về nhà dùng bữa cơm “ngon nhất trong năm” với đại gia đình. 

Chị Lệ Huyền, đang làm việc tại Cty Du lịch Ấn Tượng, người đã từng “đón chục cái Tết với Tây ở Hội An”, nói rằng “lịch trình Tết” của tôi cũng như nhiều người ở đây: Mùng một: Đi chùa xin lộc, về nhà chúc Tết cha mẹ, thắp hương cho ông bà, viếng mộ thắp hương tổ tiên; Mùng hai: Chúc Tết sếp, đồng nghiệp cơ quan, bà con nội ngoại; Mùng ba: Thăm bạn bè, bà con gần xa, họp mặt thầy cô... Huyền cũng hòa vào niềm vui với du khách khi thấy họ rất háo hức với ngày Tết tại Hội An, thích diện áo dài khăn đóng, thích cầm cành mai để du xuân, tham gia đón Tết ngay tại khách sạn hay cơ sở home-stay và thưởng thức các món ngon truyền thống. Huyền cho biết cô đã chứng kiến có những gia đình khách Đức, Mỹ, Hàn, Nhật… năm nào cũng đến ăn Tết ở đây và lưu lại từ cuối tháng Chạp cho tới hết Nguyên tiêu. Họ đều cho rằng, Hội An là “một cái gì đó trường tồn của một thế giới đã mất lâu rồi”.

Không chỉ có những công trình kiến trúc, không chỉ có sông Hoài thơ mộng, Hội An còn dung nạp vào nó bản sắc văn hóa đã qua tiếp thu, chắt lọc và được con người hồn hậu nơi này tận tâm nâng niu, gìn giữ. Tự bao giờ, tâm hồn của người đã hòa tan trong khí phách của xứ sở và tạo nên một Hội An làm say đắm lòng người.

Lưu Phước Dũng

Tin khác

Phú Yên: Đơn vị tổ chức 'Đại hội nhạc thiêng' bị xử phạt hành chính 33 triệu đồng

Phú Yên: Đơn vị tổ chức 'Đại hội nhạc thiêng' bị xử phạt hành chính 33 triệu đồng

(CLO) Ban tổ chức "Đại hội nhạc thiêng đặc biệt" ở Phú Yên đã vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo với hai hành vi, chịu mức phạt hành chính số tiền 33 triệu đồng.

Giải trí
'Chuyện của Pao' được trình chiếu tại Liên hoan phim ASEAN 2024

'Chuyện của Pao' được trình chiếu tại Liên hoan phim ASEAN 2024

(CLO) Tại Liên hoan phim ASEAN 2024, diễn ra ở Trường nghiên cứu về Mỹ và phương Đông (SOAS) thuộc Đại học London, Vương quốc Anh, bộ phim "Chuyện của Pao" đại diện cho Việt Nam sẽ được trình chiếu vào ngày 26/4.

Giải trí
Nhiều phim nội có doanh thu ảm đạm tại các phòng vé Việt

Nhiều phim nội có doanh thu ảm đạm tại các phòng vé Việt

(CLO) Nhiều bộ phim Việt được ra rạp trong tháng 4 đều có số phận khác nhau nhưng tựu chung lại đều chưa bùng nổ thực sự về doanh thu trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Giải trí
Midu công khai ảnh cưới, hé lộ thời gian tổ chức hôn lễ

Midu công khai ảnh cưới, hé lộ thời gian tổ chức hôn lễ

(CLO) Lễ cưới của nữ diễn viên Midu (tên thật: Đặng Thị Mỹ Dung) và bạn trai doanh nhân kín tiếng sẽ chính thức diễn ra vào ngày 29/6 tới.

Giải trí
Hà Tĩnh: Khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề 'Thanh âm ngày nắng mới'

Hà Tĩnh: Khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề 'Thanh âm ngày nắng mới'

(CLO) Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh - Thanh âm ngày nắng mới”.

Giải trí