Tết Trung thu không chỉ là một ngày đặc biệt riêng của Việt Nam mà với rất nhiều nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Triều Tiên… Nhưng ở mỗi nước đều có một loại bánh và phong tục rất riêng. Tết Trung Thu được tính theo Âm lịch là vào ngày Rằm tháng 8. Trẻ em rất háo hức chào đón ngày này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, nào là đèn ông sao, mặt nạ... và được ăn bánh trung thu.
Tết Thiếu nhi, Tết đoàn viên và mâm cỗ Trung thu của người Việt
Người Việt xem Trung thu là Tết dành cho trẻ em. Vào ngày này, người ta thường tổ chức bày cỗ, trông trăng. Khi trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.
Phong tục trông trăng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng. Do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng cây đa.
Ngày nay, người lớn vẫn thường kể với trẻ em rằng khi nhìn lên Mặt Trăng, sẽ thấy một vết đen hình cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc cây. Người ta tin rằng đó là hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa rồng, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích.
Mâm cỗ cúng trăng truyền thống của người Việt Nam trong ngày Tết Trung thu gồm 5 loại hoa quả tượng trưng cho ngũ hành trong trái đất, và bánh nướng, bánh dẻo với những hương vị khác nhau.
Bánh nướng, bánh dẻo là hai loại bánh đặc trưng của Tết Trung thu tại Việt Nam, mang hình tròn hoặc hình vuông tượng trưng cho đất trời hay biểu tượng sự viên mãn sung túc.
Những chiếc bánh nướng có vỏ ngoài vàng óng, còn bánh dẻo lại có màu trắng ngà với mùi thơm đặc trưng của từng hương vị khác nhau
Cũng giống như Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước khác, người Việt ta cũng coi Trung thu là Tết đoàn viên. Vì thế, vào ngày này, ai đi xa cũng sẽ trở về đoàn tụ bên gia đình, người thân.
Lễ hội Otsukimi và bánh Tsukimi Dango Nhật Bản
Mỗi năm nước Nhật có hai hội thưởng trăng (theo Âm lịch). Hội đầu là Zyuyoga, gắn với phong tục cổ truyền "Otsuki-mi" (có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu).
Kế đến là hội Zyusanya nhằm ngày 13/10. Theo tục lệ, hễ ai đã dự hội trăng đầu thì cũng phải dự hội thưởng trăng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo.
Otsukimi được du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Ngày nay, dù người dân Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm, nhưng Tết Trung thu hàng năm vẫn được tổ chức rầm rộ.
Người Nhật thường không sum họp ở nhà mà đi đến đền, chùa để tham dự lễ hội Trung thu vì đây được coi như là ngày Tết ngắm trăng ở xứ sở hoa anh đào. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất.
Trong lễ hội Otsukimi người Nhật thường làm bánh Dango, một loại bánh bao được làm từ bột gạo (mochiko), loại bánh này khá giống mochi được dùng chung với trà. Vào ngày Rằm, người Nhật Bản tự tay trộn bột nếp với nước rồi giã thành bánh.
Bánh Dango được bày theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, bên cạnh là chiếc bình trang trí bằng cỏ susuki, sau đó họ đặt kế lên hiên nhà, hoặc gần bên cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng
Truyền thuyết về bánh Dango được người Nhật Bản hay kể lại với con cháu là vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, Ngọc Hoàng ở trên trời có chuyến vi hành xuống trần gian rồi vô tình gặp được một chú thỏ.
Ngọc Hoàng quá đói và hỏi xin chú thỏ thức ăn, tuy nhiên, vì thỏ không có thức ăn nên đã quyết định nhảy vào đống lửa để trở thành món thịt thỏ cho Ngọc Hoàng ăn.
Quá cảm động với tấm lòng của chú thỏ, Ngọc Hoàng đã đưa thỏ lên cung trăng, để từ đó trở đi, vào mỗi ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, thỏ lại giã bánh Dango trên cung trăng rồi ban phát cho tất cả mọi người dưới trần gian.
Tết Chuseok (lễ tạ ơn) và bánh trăng khuyết Songpyeon Hàn Quốc
Tết Trung Thu ở xứ kim chi có tên gọi là tết Chuseok (lễ tạ ơn), người dân Hàn thường được nghỉ 3 ngày liên tiếp để tổ chức lễ hội mừng vụ mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên.
Vào dịp này, những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ, sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo… để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên, cả gia đình sẽ ngồi lại với nhau để làm bánh và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm) và uống rượu sindoju.
Hình ảnh trăng khuyết được người Hàn Quốc coi như biểu tượng của sự hạnh phúc, sinh sôi nảy nở bởi họ quan niệm “trăng khuyết rồi sẽ tròn”. Chính vì vậy, vào ngày Tết Trung thu, người Hàn Quốc sẽ nặn những chiếc bánh theo hình trăng lưỡi liềm.
Loại bánh này gọi là Songpyego được làm gần giống bánh trôi của người Việt Nam. Nguyên liệu chính là bột gạo, đường nhồi thật kỹ với nước. Bánh sau khi nặn được cho nhân đậu vào giữa, rồi hấp với một ít lá thông tươi.
Ngoài bánh màu trắng, người còn làm bánh màu hồng từ trái dâu, màu xanh đậm từ lá ngải cứu, màu vàng từ bí đỏ,...
Người Hàn Quốc vẫn truyền với nhau rằng: thiếu nữ nào làm bánh Songpyeon vừa đẹp lại vừa ngon, sẽ gặp được ý trung nhân như ý, phụ nữ có gia đình thì sẽ sinh được con gái xinh xắn.
Tết cầu trăng và bánh quả đào ở Thái Lan
Khác xa so với nhiều quốc gia trong khu vực, người dân xứ Chùa Vàng quan niệm Trung thu là “Tết cầu trăng”. Họ thường tụ họp lại trong bộ trang phục truyền thống và cùng nhau thả những chiếc đèn “Khổng Minh” bay lên trời cao mang theo những điều ước tốt đẹp.
Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.
Trên mâm cúng của người Thái trong đêm Trung thu không thể thiếu quả bưởi - loại trái cây tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn viên. Người Thái Lan gửi lời ước nguyện trong những chiếc đèn lồng.
Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người. Vì vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào.
Ngày nay, một trong những loại bánh Trung thu phổ biến nhất ở nước này là bánh nướng nhân sầu riêng cùng với 1-2 lòng đỏ trứng muối - tượng trưng cho mặt trăng tròn.
Tết Ok Om Pok và phong tục thả đèn gió ở Campuchia
Tết Trung thu ở Campuchia được gọi là lễ hội Ok Om Pok, thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía, súp sắn…
Sáng sớm, người Campuchia sẽ tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống với lễ vật cúng nguyệt, gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía.
Buổi tối, mọi người đặt đồ cúng vào khay, đem để trên một chiếc chiếu lớn trước, thảnh thơi ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái nguyệt, cầu xin ban phước.
Bái nguyệt xong xuôi, người già lấy gạo dẹt nhét vào miệng của trẻ con, nhét cho đến lúc không thể nào nhết vào được nữa mới thôi. Đây là hoạt động để cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.
Trong lễ hội, người Campuchia cũng thường tổ chức cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.
Thu tịch tiết và bánh nướng xốp ở Triều Tiên
Tết Trung thu ở Triều Tiên còn gọi là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Lúc trời bắt đầu tối cũng là lúc người Triều Tiên cùng nhau ngắm trăng. Dưới ánh trăng rằm, họ chơi kéo co, vật hoặc biểu diễn ca múa.
Còn các cô gái trẻ sẽ diện bộ trang phục đẹp nhất để tham gia ngày hội.
Món bánh truyền thống của người Triều Tiên trong dịp này này bánh nướng xốp (muffin). Mọi nhà đều hấp bánh này và biếu tặng cho nhau.
Bánh muffin nướng xốp giống như bán nguyệt- nửa vầng trăng, làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo,... Vì lúc hấp, đệm lót có sự giãn nở nên có tên gọi như vậy.
Thu Hằng (Tổng hợp)