Thách thức của giáo dục đại học trước sự phát triển của AI
(NB&CL) Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đòi hỏi người lao động phải có thêm các kiến thức mới, kỹ năng mới trong khi chương trình đào tạo ở bậc đại học lại chưa thay đổi kịp, điều này khiến nhiều chuyên gia lo lắng về việc những tấm bằng đại học sẽ không còn nhiều giá trị trong tương lai.
Giáo dục đại học trước nguy cơ lạc hậu
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trên mọi lĩnh vực và tác động tới nhiều ngành nghề. Làn sóng thất nghiệp đang diễn ra tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Dự báo thời gian tới, AI sẽ còn tác động sâu sắc hơn nữa, tình trạng thất nghiệp sẽ còn nặng nề hơn nếu người lao động không có thêm kiến thức và kỹ năng mới.
Trước bối cảnh đó, giáo dục đại học đang đứng trước những thách thức rất lớn. Đặc biệt, khi bối cảnh mới thay đổi liên tục thì những quy định mới về mở ngành, mở nghề, chuẩn chất lượng đào tạo của giáo dục đại học vẫn theo quy định cũ. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận về những bất cập này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cũng thừa nhận thực tế trên. Theo ông Lê Trường Tùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường đại học biết là cần thay đổi trong bối cảnh mới nhưng thay đổi như thế nào lại chưa biết.

Trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến nhiều ngành nghề trong tương lai. Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia.
Tới đây những bác sĩ tầm trung có thể bị thay thế bởi AI, các nhà báo nếu không có kỹ năng sáng tạo, viết hay hơn AI cũng có thể bị thay thế. Nhiều ngành nghề khác cũng vậy, nếu không có kiến thức chuyên sâu, không có sự sáng tạo trong nghề nghiệp sẽ rất khó để có một công việc. “Bây giờ, người ta nói nhiều nghề thất nghiệp nhưng là ở thời điểm bây giờ. Còn về lâu dài không ai nói được biến động nghề nghiệp sẽ như thế nào. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo với đặc thù là nó thay đổi rất nhanh so với những thay đổi khác. Ví dụ, trong một tháng đã có cái mới, không ai dự đoán được một năm nữa sẽ như thế nào. Cho nên không ai biết trước được 4 năm hay lâu hơn, ngay cả việc của tôi và của nhà báo hiện nay cũng có thể bị thaythế” – ông Lê Trường Tùng phân tích.
Vấn đề nhức nhối hiện nay, đối với các chương trình đào tạo ở bậc đại học, là cần có các quy chuẩn về mở ngành, các tiêu chí mới về kiểm định chất lượng giáo dục nhằm buộc các trường đại học phải thay đổi, thích nghi trong bối cảnh mới. Chúng ta cần tránh đào tạo đại học nhưng không trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để đáp ứng thị trường lao động mới. Nói về bất cập này, theo ông Lê Trường Tùng: “Trách nhiệm này của các trường đại học là phải thay đổi chương trình đào tạo để giúp sinh viên có kỹ năng, kiến thức đầy đủ cho tương lai. Nhưng thay đổi như thế nào, phải thực hiện đổi mới đào tạo ra sao thì chưa ai trả lời được một cách tường minh, khoa học. Bên cạnh đó, không phải trường nào cũng có đủ năng lực để có được những thay đổi phù hợp” …
Những ngành học vẫn có nhiều cơ hội
Trước thực tế biến đổi, tác động lớn của trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay quá nhiều trường, nhiều ngành được mở tràn lan, nhiều chương trình mặc dù được kiểm định chất lượng nhưng thực chất đã lạc hậu so với yêu cầu của thời đại. Vì thế, câu hỏi học gì, học ở đâu để có được nghề nghiệp bền vững trong tương lai là câu hỏi mà nhiều thí sinh chuẩn bị bước vào đại học quan tâm nhất lúc này.
Theo ông Lê Trường Tùng, các ngành khoa học cơ bản như triết học, lịch sử, văn học… trong bối cảnh mới vẫn rất cần. Các ngành khoa học cơ bản vẫn là nền tảng cho cái mới. Tuy nhiên, học những môn nền tảng đó rất khó. “Để trở thành một nhà khoa học không phải ai cũng làm được” – TS. Lê Trường Tùng phân tích. Đối với các ngành nghề như báo chí truyền thông, bây giờ tự động hóa rất nhiều, kể cả viết bài. Nếu chúng ta không đủ tầm viết hay hơn AI, không đủ sự sáng tạo thì chắc chắn sẽ khó có việc làm. “Nếu để có lời khuyên, tôi khuyên các thí sinh nên lựa chọn các ngành trong khối STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán). Học những ngành ấy sẽ có nhiều cơ hội hơn” – ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Qua trao đổi với nhiều chuyên gia, có thể thấy tác động của trí tuệ nhân tạo đối với các ngành nghề sẽ ngày một sâu sắc. Nếu chương trình đào tạo của giáo dục đại học không có sự thay đổi để thích ứng, chắc chắn sinh viên ra trường sẽ khó tìm được việc làm. Đây là một thách thức lớn đối với giáo dục đại học, đặc biệt trong công tác quản lý, phải kiểm soát được chất lượng đào tạo tại các trường đại học, tránh đào tạo những bằng cử nhân ra trường mà không có giá trị.
Trinh Phúc