Thách thức lớn nhất là tạo cho mình sự mới mẻ để phục vụ độc giả

Thứ năm, 13/12/2018 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Thách thức lớn nhất tôi thường phải đối mặt khi làm báo là mình có nhiều cái mới để phục vụ độc giả hay không? Không thể nào hằng tuần, hằng tháng bắt bạn đọc thưởng thức một “món ăn” duy nhất”, phóng viên Phạm Lương Bằng - Báo điện tử VietNamNet đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Nhà báo & Công luận xung quanh công việc của một người viết báo trẻ.

+ Xin được chúc mừng anh và nhóm tác giả đã đoạt giải Đặc biệt với loạt bài “Từ việc khoán xe công của Bộ Tài chính: Thiết thực giảm chi tiêu công” trong cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính” năm 2018. Anh có thể chia sẻ đôi chút về tác phẩm này?

- Kể từ ngày 1/10/2016, Bộ Tài chính ban hành quyết định quy định về chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các chức danh từ Thứ trưởng đến các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25. Bộ Tài chính đã phát động phong trào khoán xe công và họ cũng tiên phong cho phong trào đó.

Ngay từ khi những thông tin về việc khoán xe công được Bộ Tài chính phát đi, báo Vietnamnet đã đặc biệt chú ý đến nội dung này, tôi cũng bám sát đề tài đó từ những ngày đầu, xem họ làm việc như thế nào, tiết kiệm được bao nhiêu ngân sách và độ lan tỏa của chủ trương đó. Tôi nghĩ phản ánh vấn đề tích cực, động viên các chủ trương chính sách tốt cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các phóng viên.

Sau khi Bộ Tài chính thực hiện khoán xe công, Hà Nội và một loạt các địa phương, các bộ, ngành khác cũng triển khai khoán xe công, tiết kiệm được khá nhiều ngân sách. Đây là chủ trương tiến bộ và tích cực nên tôi tập trung thực hiện đề tài, phỏng vấn, viết bài phân tích, bài bình luận cập nhật.

Hình ảnh Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí bước ra từ taxi đi làm vào ngày 3/10/2016 được đăng tải đã mang lại ấn tượng cho bạn đọc lẫn sự bất ngờ cho tôi, hàng trăm nghìn lượt người theo dõi và tương tác bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ từ bạn đọc. Sau khi thấy có cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính”, chúng tôi gửi bài viết dự thi. Tôi cũng khá bất ngờ và cảm thấy thật vinh dự khi bài của nhóm tác giả đoạt giải Đặc biệt.

Báo Công luận
Phóng viên Phạm Lương Bằng

+ Các bài viết về lĩnh vực tài chính thường rất khô khan, nhưng đọc những bài về khoán xe công thì thấy những điều khô cứng lại được diễn đạt khá mềm mại, hấp dẫn. Đâu là “chìa khóa” cho những tác phẩm chất lượng như vậy, thưa anh?

- Trong quá trình viết báo, tôi cũng đọc và học hỏi được nhiều từ các đồng nghiệp. Có rất nhiều cách thức để một bài viết trở nên ấn tượng, nhưng tôi thường bị thu hút bởi những bài viết có cách mở đầu câu chuyện ấn tượng, hấp dẫn.

Do đó với những bài phân tích, bình luận, tôi thường cố gắng bắt đầu bằng câu chuyện có tính điển hình, để vừa thu hút độc giả vừa tạo ra “chìa khóa” mới để triển khai nội dung chính, sau đó, tôi chỉ việc triển khai phân tích thêm về số liệu dẫn chứng để công chúng hiểu hơn về nội dung bài viết. Có một câu chuyện hấp dẫn, thì bài viết sẽ mềm mại hơn, tránh được con số khô khan khi mở đầu bài viết. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo của người viết ở việc tìm được và phát hiện được câu chuyện lôi cuốn cũng như chiếm được cảm tình của bạn đọc. Trong nhiều trường hợp, tôi cũng hơi bí khi tìm câu chuyện cho vào bài chứ không phải lúc nào cũng dễ dàng.

+ Là phóng viên của một tờ báo điện tử hàng đầu hiện nay, với anh – một nhà báo trẻ, đâu là cơ hội và thách thức?

- Làm việc ở VietNamNet, tôi có cơ hội để tiếp cận với nhiều độc giả hơn, được nhiều người biết đến bài viết của mình hơn, đây chính là cơ hội lớn nhất ở VietNamNet. Cũng từ cơ hội ấy, tôi luôn có ý thức rằng, bài viết phải chú ý nhiều hơn đến độc giả, viết sao cho họ quan tâm đến vấn đề của mình đưa ra.

Cá nhân tôi, sau khi bài báo được đăng tôi luôn chú ý các yếu tố: Một là, bài viết đó có bao nhiêu người đọc; Hai là, dưới bài có bao nhiêu like; Ba là, có nhiều comment không; Bốn là, tôi hay đánh tít bài vào Google để xem có nhiều báo, diễn đàn lấy lại, chia sẻ bài viết của mình hay không, để biết được độ lan tỏa của bài viết như thế nào.

Đó là thước đo mà tôi thường hay dùng để đánh giá một bài viết. Xét cho cùng, viết một bài báo, ngoài việc được đăng, có nhuận bút, thì phải có người đọc. Như vậy mình mới có động lực để làm tiếp. Nhiều khi nhận được những phản hồi từ bạn đọc, tôi lại nảy ra được thêm ý tưởng, xem xét và cân nhắc được chuyện mình có nên thực hiện tiếp đề tài này hay không, tiếp tục như thế nào.

Thách thức lớn nhất tôi thường phải đối mặt khi làm báo là mình có nhiều cái mới để phục vụ độc giả hay không? Không thể nào hằng tuần, hằng tháng bắt bạn đọc thưởng thức một “món ăn” duy nhất. Báo chí là phải mới, cho nên cái khó khăn áp lực ở đây là luôn phải tìm ra cái mới. Cái mới muốn tìm được phải có nhiều nguồn tin, và tìm mọi cách để có nhiều nguồn tin, như vậy mới có nhiều “món ăn” mới nóng hổi để phục vụ cho độc giả. Tôi nghĩ đây là điều không dễ dàng chút nào, và tôi cũng đang phấn đấu từng ngày để có thể mang đến cho bạn đọc nhiều nội dung mới mẻ, hấp dẫn hơn nữa.

Báo Công luận
Phóng viên Phạm Lương Bằng phát biểu tại một cuộc hội thảo.

+ Viết về Tài chính, chắc chắn dẫn chứng về con số rất quan trọng, nhưng khi anh đưa ra các dẫn chứng là những con số về tổ chức hay doanh nghiệp, vậy anh làm cách nào để bài viết rạch ròi được giữa việc PR cho tổ chức, doanh nghiệp với việc cung cấp thông tin cho bạn đọc?

- Trước tiên, khi đưa câu chuyện, số liệu của tổ chức hay doanh nghiệp, tôi thường cố gắng viết bớt đi những tính từ ca tụng quá mức về doanh nghiệp. Ví dụ như “thành tích vượt trội”, “doanh thu vượt trội” hay “tâng bốc” họ quá lên, cần hạn chế các tính từ mà có thể gây hiểu lầm là mang tính chất PR cho doanh nghiệp.

Độc giả bây giờ tinh lắm, nhà báo viết với thái độ vô tư trong sáng hay lợi dụng để vụ lợi cho bản thân, họ đọc bài cũng sẽ nhận ra ngay. Hiện nay ở các tòa soạn báo lớn thường có một bộ phận kiểm soát rất chặt việc PR trá hình trong tin bài. Cho nên phóng viên làm như thế nào thì cũng khó lòng qua mắt được tòa soạn. Nội dung PR trên báo chí thường muôn hình vạn trạng, nhưng đã là nhà báo trước tiên phải có sự tôn trọng chính mình. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp đó tốt, doanh nhân đó làm ăn thực sự thì tôi nghĩ không vấn đề gì khi đưa họ làm nhân vật điển hình, câu chuyện điển hình. Nếu bài báo viết với tinh thần trong sáng và thái độ vô tư, thì mình không có gì phải ngại ngùng quá về việc bị hiểu là PR cho cá nhân, tổ chức nào đó.

+ Nhiều đồng nghiệp hiện nay rất trăn trở về câu chuyện tác nghiệp trong thời đại số hiện nay. Góc nhìn của anh về vấn đề này như thế nào?

- Trong thời đại số, báo chí không còn là kênh thông tin duy nhất đến người dân. Hiện báo chí, cả báo in và báo điện tử phải cạnh tranh với mạng xã hội. Nhiều người lo lắng mạng xã hội sẽ lấn át báo chí, bạn đọc quay lưng với báo chí. Nhưng tôi tin rằng, mạng xã hội và báo chí có quan hệ qua lại, chứ không triệt tiêu lẫn nhau. Mạng xã hội có thể là nguồn tin của báo chí, để báo chí có thêm thông tin, rồi kiểm chứng các nguồn tin đó, nhằm đem đến thông tin chính xác cho bạn đọc. Điều tôi băn khoăn nhất có lẽ là... thu nhập. Quảng cáo trên mạng xã hội đang tỏ ra lấn lướt hơn, mà các tờ báo thường dựa vào quảng cáo để tồn tại và phát triển. Cho nên nếu quảng cáo suy giảm thì thu nhập của phóng viên, nhà báo vốn đã không cao sẽ có nguy cơ giảm thêm. Như thế thì... buồn lắm.

Ngoài ra, tôi thường cảm thấy rất hụt hẫng khi nghe những thông tin không hay về người làm báo. Nhiều người nhắc đến phóng viên, nhà báo với những ngôn từ rất thiếu thiện cảm. Tôi không phủ nhận rằng có những người dựa vào việc làm báo để trục lợi cho cá nhân bằng những hành động phi pháp, nhưng vẫn còn rất nhiều các nhà báo đang nỗ lực từng ngày mang đến thông tin chính xác, khách quan, đa chiều đến bạn đọc. Cho nên điều tôi luôn tâm niệm và cố gắng hướng đến là giữ cho mình một cách làm báo trung thực, làm báo một cách tử tế như rất nhiều đồng nghiệp tôi biết, để có thể nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp cũng như của bạn đọc.

+ Vâng, xin cảm ơn anh!

Huy Hoàng (Thực hiện)

 

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo