Thái Bình ghi nhận hơn 4.200 trường hợp mắc hội chứng cúm từ đầu năm đến nay
(CLO) Số lượng bệnh nhân mắc hội chứng cúm, trong đó có cúm A đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, trong đó có tỉnh Thái Bình.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, qua hệ thống giám sát dịch tễ của ngành y tế cũng đã ghi nhận hơn 4.200 trường hợp mắc hội chứng cúm.
Các bệnh nhân chủ yếu ở thể nhẹ và vừa. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan bởi bệnh có thể nặng và gây tử vong đối với những nhóm người có nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và người mắc bệnh mạn tính.

Thái Bình ghi nhận hơn 4.200 trường hợp mắc hội chứng cúm từ đầu năm đến nay. Ảnh: ST
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Thái Bình ghi nhận hơn 30 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca mắc nội sinh. Gần 30 trường hợp mắc tay chân miệng…; chưa ghi nhận một số bệnh như: quai bị, sốt phát ban, nghi sởi.
Các hoạt động giám sát dịch bệnh và xử lý môi trường tại các ổ dịch vẫn được ngành y tế, các địa phương triển khai, duy trì.Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm như hiện nay cộng thêm vào mùa lễ hội ở một số nơi thường tập trung đông người, các dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan, bùng phát.
Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố thực hiện giám sát, hỗ trợ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các khu vực tổ chức lễ hội, đền chùa, nơi tập trung đông người;
Đồng thời triển khai giám sát, phát hiện sớm, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết; giám sát chủ động tại các cơ sở điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm; tăng cường truyền thông về dịch bệnh gia cầm và các biện pháp phòng dịch…
Triệu chứng của các loại cúm thường giống nhau, đặc trưng là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi. Do đó, có thể nhầm lẫn cúm A với cảm lạnh thông thường và Covid-19. Vì vậy, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh.
Bệnh cúm nói chung, cúm A nói riêng là bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc, dễ lây lan nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát là rất lớn.
Để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng cần chủ động giám sát, khoanh vùng, xử lý kịp thời chùm ca mắc trong cộng đồng; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn phòng bệnh; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang và tiêm vắc-xin phòng cúm mùa hàng năm...Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, ho, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị. Có như thế mới góp phần kiểm soát tốt, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.