Công ty Lâm Linh là ai ?
Công ty TNHH Lâm Linh có địa chỉ tại Tổ 21, đường Nắn Cải - Cầu Bo phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, được thành lập năm 2008, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng và thi công san lấp mặt bằng.
Tính đến nay, Cty đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh. Lần thay đổi giấy phép kinh doanh gần đây nhất là 02/12/2015 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình cấp với vốn điều lệ là 25 tỷ đồng. Giám đốc Cty Lâm Linh là bà Hoàng Thị Bình.
Công trình hạ tầng quảng trường Quảng trường Thái Bình. Ảnh A.Đ
Điều lạ là, tuy không có thương hiệu gì nổi trội nhưng Cty Lâm Linh lại chính là đơn vị trúng thầu nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình. Cụ thể: Quyết định số Số 6682/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 của UBND TP Thái Bình phê duyệt Cty Lâm Linh trúng thấu Gói thầu số 09 xây lắp công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu dân cư và các công trình công cộng tại tổ 40 phường Hoàng Diệu thuộc Dự án Xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu dân cư và các công trình công cộng tại tổ 40, phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình với tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng, được thực hiện trong vòng 210 ngày.
Cùng ngày 04/12/2014, UBND TP Thái Bình có Quyết định số 6681/QĐ-UBND phê duyệt cho Cty Lâm Linh tiếp tục trúng Gói Xây lắp công trình hạ tầng Quảng trường Thái Bình thuộc Dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài '"Bác Hồ với nông dân", công trình hạ tầng quảng trường tại Thành phố Thái Bình. Công trình này có mức đầu tư trên 148 tỷ đồng, với thời gian thi công là 710 ngày.
Hạ tầng vẫn ngổn ngang, làm bãi chăn thả bò. Ảnh A.Đ
Ngoài ra, trong năm 2014, Cty Lâm Linh cùng một công ty khác cũng đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng kinh doanh khu vui chơi thể thao thuộc dự án Công viên Kỳ Bá. Đây cũng là một dự án trọng điểm của TP Thái Bình cũng như của tỉnh Thái Bình.
Các dự án đều dang dở ?
Tại Dự án xây dựng công trình Quảng trường Thái Bình, xây dựng Tượng Đài "Bác Hồ với nông dân" - Hạng mục san lấp mặt bằng, đắp núi cảnh quan giai đoạn 1, theo báo cáo ngày 24/4/2107 của Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng TP. Thái Bình (BQLDAXDCSHT) thì tổng số tiền thực hiện gói thầu là 165,195 tỷ đồng (trong đó theo hợp đồng là 148,868 tỷ đồng; bổ sung theo phụ lục hợp đồng 16,322 tỷ đồng), trong đó số tiền đã thanh toán cho gói thầu xây lắp là 54,1 tỷ đồng. Thời gian thi công gói thầu từ 06/12/2014 tức là đến 31/3/2017 phải hoàn thành.
Mọi thứ dường như vẫn dang dở. Ảnh A.Đ
Tuy nhiên, đến ngày 06/4/2018 (tức là đã quá thời hạn phải hoàn thành hơn một năm), theo ghi nhận của PV: hiện trạng Dự án vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong; tại khu vực Tổ 40 phường Hoàng Diệu vẫn còn một số nhà chưa di dời, vẫn là điểm tập kết máy móc chờ thi công. Toàn bộ công trường im ỉm khóa, nhiều nơi người dân tận dụng làm bãi chăn thả trâu bò…
Phía trong Dự án mới chỉ thảm được một số diện tích đường nội bộ dạng thô, trồng được vài hàng cây xanh và đắp được 5 quả núi. Nhiều hạng mục chưa được hoàn thành như: đá lát, các tuyến đường dạo, đài phun nước và một số hạng mục khác vẫn đang thi công dở dang…
Trong khi đó, một công trình văn hóa, chính trị của tỉnh Thái Bình, được lãnh đạo địa phương quan tâm, khởi công từ tháng 5/2014, dự kiến hoàn thiện trong năm 2017 (công trình Tượng đài) thì đến nay chưa thấy đâu. Công trình dang dở, nhưng mới đây, TP Thái Bình lại có tờ trình việc lập đề án Quản lý vận hành, khai thác quảng trường này với kinh phí lên đến gần 13 tỷ đồng/năm bằng nguồn vốn ngân sách; trong đó, công việc chủ yếu là tưới cây, vệ sinh, cấp thoát điện nước… (?)
Đoạn đường nối với đường chính vẫn bỏ hoang. Ảnh A.Đ
Còn tại Dự án Xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu dân cư và các công trình công cộng tại tổ 40, phường Hoàng Diệu (TP. Thái Bình), một năm qua chưa hề thay đổi; chỉ có một số đường nhánh phía trong, đoạn vẫn đang san lấp đấu nối giữa đường chính chưa làm và nhiều đoạn đường nội bộ chưa được thảm nhựa; có đoạn lát vỉa hè nhưng đã xuống cấp, nền vỡ vụn sụp xuống cống thoát nước. Nhiều diện tích đất trong dự án vẫn là hồ nước thả vịt, chưa được san lấp.
Cổng vào Công viên Kỳ Bá. Ảnh A.Đ
Thảm hại hơn cả, tại dự án Công viên Kỳ Bá, Công ty Lâm Linh là đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng Công viên Kỳ Bá. Đây là dự án lớn nên Cty làm đề án đề xuất trực tiếp với UBND tỉnh, sau đó, được đồng ý về mặt chủ trương rồi đưa ra đấu thầu rộng rãi.
Ghi nhận của PV, tại Dự án này chỉ là bãi đất hoang, không được treo biển báo công trình; nhiều chỗ bị đào nham nhở, cỏ mọc um tùm, không có đơn vị nào thi công. Hệ thống rào chắn hỏng hóc, bên trong Dự án người dân tận dụng trồng rau. Hạng mục nhà được xây dựng dở dang đến tầng 2 rồi bỏ đấy. Khu hồ nước bây giờ là bãi chứa bèo, rác…
Xung quanh công viên Kỳ Bá, cỏ mọc um tùm. Ảnh A.Đ
Được biết, ngày 17/6/2016, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 1525/QĐ-UBND thu hồi hơn 23 nghìn m2 đất thương mại dịch vụ mà công ty Lâm Linh đang triển khai tại Dự án. Đồng thời, đến ngày 29/7/2016, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục có Quyết định số 2088/QĐ-UBND chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng kinh doanh khu vui chơi giải trí và dịch vụ thương mại tổng hợp tại Công viên Kỳ Bá của Cty này.
Nhiều đoạn hàng rào đã vỡ vụn. Ảnh A.Đ
Điểm mặt các dự án trọng điểm mà Cty Lâm Linh đã liên tiếp trúng trong thời gian qua có thể thấy vẫn còn ngổn ngang nhiều hạng mục chưa hoàn thành dù thời gian đã vượt quá nhiều tháng.
Thực tế chứng minh Cty Lâm Linh chưa có kinh nghiệm, thiếu năng lực về thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình văn hóa bởi thế bất đắc dĩ UBND tỉnh Thái Bình mới phải ra Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư tại dự án Công viên Kỳ Bá.
Thực tế là vậy, nhưng vì sao Cty này vẫn “dễ dàng” trúng thầu những dự án trọng điểm của Thái Bình, và ai là người "đứng sau" công ty này, chúng tôi sẽ làm rõ trong những bài tiếp theo.
Nhóm PV