Thái Bình: Phấn đấu hết năm 2024, 100% các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn
(CLO) UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 23/5/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Thái Bình (Kế hoạch 92).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 1.040 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 92%, số hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 38,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình tham gia phân loại rác thải tại nguồn còn thấp, việc phân loại chưa bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chưa bảo đảm yếu tố môi trường.
Tỉnh Thái Bình xác định, việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở; phát huy vai trò tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn;

Tỉnh Thái Bình phấn đấu, đến ngày 31/12/2024, 100% các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Ảnh minh họa
Tăng cường công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực tham gia vào công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý riêng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. Mục tiêu đến ngày 31/12/2024, 100% các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Qua đó, giúp tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải theo quy định; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để đạt được mục tiêu theo Kế hoạch 92, Phó Chủ tịch UBND tỉnhThái Bình Lại Văn Hoàn nhấn mạnh việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao ý thức và nhận thức cho tất cả người dân, cần cung cấp cho người dân cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất. Việc làm này phải được tiến hành toàn diện, trong một thời gian dài, phát huy tối đa tính tiếp cận của phương tiện truyền thông, báo chí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; kiện toàn, sắp xếp và củng cố lại đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc phân loại của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân.
Đối với các huyện, thành phố quy hoạch, bố trí và đưa vào hoạt động các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu của công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. MTTQ và các tổ chức, đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giám sát cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chung tay hành động để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả tại mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, nơi công cộng vì một môi trường trong sạch hơn.