Thái Nguyên đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút FDI
(CLO) Năm 2024, trong điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, nhưng với những chính sách thông thoáng và triển khai chuyển đổi số, cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp Thái Nguyên liên tục là một trong những địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư nhất cả nước, đặc biệt là đầu tư FDI.
Cải cách hành chính là yếu tố quyết định

Giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thái Nguyên
Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành được vận hành ổn định.
Từ đầu năm đến nay, hệ thống nhận/gửi trên 930.000 văn bản điện tử giữa 1.886 đơn vị, ước tính tiết kiệm khoảng 3,8 tỷ đồng so với gửi qua đường bưu điện. Hệ thống đã được nâng cấp, bổ sung phiên bản di động (mobile) bảo đảm thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành được thông suốt và không phụ thuộc vào vị trí địa lý (có kết nối mạng là thực hiện được công tác điều hành).
Cụ thể hơn, Các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) đang được các sở, ngành trong tỉnh tích cực triển khai, trong đó lực lượng công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công trực tuyến theo đề án.
Tỉnh cũng đã triển khai phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm, nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Nhờ đó, nắm bắt kịp thời những tâm tư của doanh nghiệp và giải quyết nhanh nhất các vướng mắc để tao điều kiện phát triển kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư; xây dựng tài liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư. Đặc biệt, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nhằm kịp thời giải quyết, tạo lập và củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư đã và đang thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh.
Liên tục thăng hạng, làm hài lòng người dân và doanh nghiệp

Khu Công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên), điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Ảnh: TN
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp được thấy rõ khi thủ tục hành chính ngày càng được đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí giao dịch; tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được nâng lên. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và xử lý gần 3,3 triệu hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,78%.
Theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ hồi tháng 4/2024, chỉ số CCHC của tỉnh Thái Nguyên vươn lên xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố; đạt 90,76%; tăng 3 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022; xếp thứ 2 khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (sau tỉnh Bắc Giang).
Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; đạt 90,29%; tăng 4,03% so với năm 2022 (đạt 86,26%). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công xếp thứ 2 (thuộc nhóm cao nhất của cả nước).
Trên cơ sở kết quả hằng năm của các chỉ số và kết quả đo lường mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành phân tích, đánh giá những mặt đạt được, những mặt hạn chế, kết quả còn thấp để xây dựng các giải pháp điều chỉnh, khắc phục nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục là điểm sáng FDI
Đến năm 2024, Thái Nguyên tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 20 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 511,7 triệu USD, 17 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 78,65 triệu USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 217 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,819 tỷ USD.
Các dự án FDI đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, giúp Thái Nguyên liên tục trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.
Thực tế đã có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đến từ các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, rất yên tâm và đang đẩy mạnh, mở rộng nghiên cứu đầu tư vào Thái Nguyên. Điển hình là các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Sunny, Trinar Solar, Núi Pháo Massan…
Chính sự có mặt của các công ty tập đoàn danh tiếng này đã tác động không nhỏ đến uy tín, tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên của các nhà đầu tư, qua đó đưa Thái Nguyên trở thành mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.
Ngọc Thanh