Thăm làng làm mật mía ở miền núi xứ Thanh

28/12/2022 11:32

(CLO) Nghề nấu mật mía theo thời vụ ở các xã của huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hoá) không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ gìn những nghề truyền thống, nét đẹp trong Tết cổ truyền của người Việt.

Những ngày cuối đông, dù thời tiết khá lạnh dọc hai bên đường khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành tiếng máy nghiền, máy ép mật mía hòa trong tiếng cười nói rộn ràng cả một vùng quê. Khi mía bắt đầu thu hoạch thì mùa ép mật mía cũng bắt đầu. Hương vị mật mía thơm ngọt hòa quyện trong gió làm cho người đi đường cảm thấy thích thú, cảm nhận được không khí tết đang đến rất gần.

tham lang lam mat mia o mien nui xu thanh hinh 1

Mía sau khi được mua về được người dân làm sạch để đem đi ép nước

Theo những cụ cao niên trong khu phố Lâm Thành, nghề làm mật mía có từ bao đời nay cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nấu mật trở thành một công việc không thể thiếu đối với bà con nơi đây mỗi dịp Tết đến xuân về. Cứ vào đầu tháng 12 Âm lịch hàng năm, người dân nơi đây bắt đầu làm mật mía để cung cấp ra thị trường. Từ 100kg mía tươi, sau quá trình ép lấy nước, nấu nước thành mật sẽ cho ra khoảng 10kg mật mía.

Để chế biến được một lít mật là cả quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức, công đoạn vất vả nhất là ép mía. Trước đây, khi chưa có sự trợ giúp của điện và máy móc công nghiệp, việc ép mía rất cực nhọc. Ngoài dùng sức người, bà con còn phải dùng trâu, bò để kéo trục quay ép mía lấy nước.

Từ khi có người sáng chế ra máy nghiền mía, công việc này đỡ vất vả hơn nhiều. Nước mía sau khi vừa được ép ra được cho ngay vào các chảo cỡ lớn để đun sôi trên các lò đun để nấu mật. Đây cũng là công đoạn khó nhất trong quá trình làm mật mía.

tham lang lam mat mia o mien nui xu thanh hinh 2

Những nồi mật mía được đun sôi hàng giờ đồng hồ mới ra được những giọt mật thơm ngon, đặc quánh

Quá trình nấu mật kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng. Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và phức tạp nhất. Người nấu phải đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào thì sẽ có màu đen và kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển qua sền sệt và có màu nâu vàng, công việc nung mật mới hoàn tất sau nhiều giờ đồng hồ. 

Tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long, 40 tuổi, tại khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, mía được chất thành đống ngoài sân, bên trong những người thợ đang chuẩn bị cho ra mẻ mật đầu tiên trong ngày. Bốn chiếc chảo lớn nấu mật sôi sục, khói bốc lên nghi ngút. Tay vừa đảo mật, vớt bọt mía, anh Long cho biết, 3 - 4 tiếng thì cho ra một mẻ mật, mật được múc ra lọc khi còn nóng để loại bỏ những cặn bụi, để nguội rồi được đóng vào thùng, can và chờ thương lái đến nhập để cung cấp ra thị trường phục vụ khách hàng dịp Tết.

tham lang lam mat mia o mien nui xu thanh hinh 3

Để làm ra những sản phẩm mật mía cần nhiều sức khoẻ và sự chịu khó của người thợ

Nhìn là thế nhưng công việc làm mật mía rất vất vả vì hằng ngày phải dậy từ 4h sáng, bắt đầu công việc ép mía, nấu mật cho đến đêm khuya. Từ đầu tháng 10, các lò nấu mật luôn đỏ lửa suốt ngày, một ngày gia đình như ông Long nấu khoảng 5 - 6 mẻ mật, bình quân mỗi ngày trên dưới 1 tấn mía nấu được 1,2 tạ mật. Giá mật mía hiện nay 15 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ ép mía, nấu mật mỗi hộ dân làm mật mía mua khoảng 100 tấn mía tươi.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, 55 tuổi, người có kinh nghiệm làm mật mía hàng chục năm nay tại Thạch Thành chia sẻ, muốn để mật ngọt và đạt được sản lượng thì mía phải bắt được gió heo may, trời càng lạnh thì mật càng đặc, có thể để hàng năm không hỏng mà còn ngọt hơn.

Khi nấu phải chú ý đến việc luôn để lửa cháy đều, nhỏ quá thì quá trình nấu mật sẽ lâu, còn lửa to mật sẽ bị cháy, bọt mía nổi lên phải được vớt liên tục để tránh mật bị đen, khi mật đã kết, đặc thì đảo mật sao cho đều tay cho đến khi mật chuyển sang màu đỏ au. Tuy công việc vất vả, nhưng thành quả mang lại là kinh tế cho nhiều người dân nơi đây.

tham lang lam mat mia o mien nui xu thanh hinh 4

Nhiều thương lái đến mua mật về phục vụ du khách ngày Tết

Ngày Tết với người dân Thạch Thành, mật mía là thứ nguyên liệu không thể thiếu, đây là nguyên liệu dùng để chấm bánh chưng, để làm bánh gai, nấu bánh trôi. Vào những ngày này ai đến làng nấu mật mía khu phố Lâm Thành đều cảm nhận được một vị thơm ngọt lẫn trong cái gió heo may lành lạnh như báo hiệu một cái tết nữa đang đến gần.

Nghề truyền thống làm mật đã mang lại lợi nhuận rất cao cho bà con ở đây. Tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành hiện có 20 lò đường mật, dự kiến vụ Tết Quý Mão 2023 sẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên dưới 200 tấn mật, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Ngoài việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con trồng mía, các lò mật còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương nên đời sống của người dân cũng được cải thiện nhiều hơn.

Xác định đây là nghề truyền thống và có hiệu quả kinh tế cao nên huyện Thạch Thành đang có định hướng xây dựng mật mía trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể cho mật mía Thạch Thành, đưa sản phẩm mật mía tham gia chương trình OCOP. Có như vậy, sản phẩm mật mía Thạch Thành mới có sự phát triển bền vững và giữ mãi được uy tín chất lượng vốn có của mình.

Hà Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thăm làng làm mật mía ở miền núi xứ Thanh
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO