Tham nhũng quyền lực - “cha đẻ” của các loại tham nhũng
Tham nhũng có nhiều kiểu khác nhau. Tham nhũng vật chất rất nguy hại. Nó ảnh hưởng xấu đến công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, tạo nên sự bất công trong một xã hội khi có “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Nhưng tham nhũng quyền lực thì, về lâu dài, có thể làm băng hoại cả một chế độ, phá nát cả hệ thống chính trị. Và như thế, chế độ đó sẽ khó tồn tại lâu dài bởi khi đó, lòng dân đã mất, đảng viên trung kiên thì dần rời xa Đảng...
Tại diễn đàn Quốc hội có vị đại biểu đã thẳng thắn: Đầu tư chức, quyền là loại đầu tư siêu lợi nhuận. Giới học giả gọi là “canh bạc” chức quyền. Tháng 3/2016, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) khẩn thiết tại diễn đàn Quốc hội: “Cần xem lại việc chạy chức, chạy quyền, đó không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi “đẻ” ra tham nhũng, vì khi đã bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu thì người đầu tư sau đó ắt phải vơ vét để bù lại”, điều đó khẳng định: “Tham nhũng quyền lực” là sự tha hóa quyền lực, có nguyên nhân từ suy đồi đạo đức và sự vô cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; là “cha đẻ” của nhiều loại tham nhũng, tiêu cực khác.
Thực tế đã hiển hiện qua những
“tảng băng nổi” của hàng chục vụ đại án tham nhũng 5 năm qua (từ 2013 đến 2017), điển hình là vụ án Vinalines, vụ án tại Ngân hàng ACB liên quan đến
“bầu” Kiên, vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin,… Riêng năm 2017, 12 vụ trọng án đã được điểm mặt. Điều đáng nói là những
“con sâu mọt” ngày càng lộng hành, ngang nhiên thách thức dư luận và pháp luật. Chúng công khai phô trương những khối tài sản kếch sù mà đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã khẳng định:
“Trăm năm không thể có được bằng đồng lương công chức”.
Sự phô trương tài sản, cùng sự trả lời “ngô nghê” về nguồn gốc tài sản, cho thấy họ coi thường dư luận, xem thường khả năng xử lý của Đảng và pháp luật Nhà nước. Vậy nên, không lạ gì khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp Việt Nam có chỉ số tham nhũng thuộc tốp cao nhất thế giới. Đồng thời cho hay 55% số người Việt Nam được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên. Dù, thông tin trên chỉ có giá trị tham khảo nhưng không thể không lo ngại. Gần đây, Đảng đã chỉ đạo quyết liệt phòng, chống tham nhũng, Chính phủ cũng quyết tâm xây dựng một chính phủ “liêm chính”. Nhiều vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui, không ít cán bộ cấp cao đã vào vòng lao lý, nhưng dư luận chưa thật hài lòng và cho rằng chống tham nhũng khó thành công khi mà “quyền lực chính trị” vẫn còn bị lòng tham làm biến dạng, chi phối. Điều này, cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Vấn đề là cái “lồng cơ chế” đó được đan như thế nào?.
Thiết lập môi trường minh bạch để kiểm soát quyền lực
Con đường đơn giản nhất để chống lại tham nhũng nằm ngay trong khái niệm đưa ra ở đầu bài: quyền lực. Nếu không có quyền lực, người ta không thể tham nhũng và cũng chẳng ai chạy chọt với kẻ không có quyền lực.
Nhưng Nhà nước cũng không thể vận hành nếu không trao quyền cho cán bộ để thay mặt Nhà nước mà hành xử. Vì thế con đường duy nhất là kiểm soát quyền lực - tức là trao quyền lực nhưng quyền lực đó sẽ bị giám sát chặt chẽ từ nhiều phía. Thứ nhất phải loại bỏ hết mọi “ngoại lệ”, tức dùng các biện pháp không có trong hệ thống luật pháp để can thiệp vào sự vận hành của bộ máy công quyền. Hiện nay tính song trùng của bộ máy tạo ra những khe hở mang tính can thiệp như thế và làm vô hiệu hóa các công cụ kiểm soát luật định.
Thứ hai phải hiểu vai trò giám sát của người dân thông qua báo chí không phải là chuyện muốn thì làm, không muốn thì gia giảm. Đó là một cơ chế mà nhân loại đã dày công xây dựng thì phải để nó phát huy tác dụng.
Tính giám sát lẫn nhau, chẳng hạn, đại biểu Quốc hội chất vấn việc bổ nhiệm sai luật; bên tòa án không màng đến sự can thiệp của ông Chủ tịch tỉnh để vẫn xử công minh một ông Phó Chủ tịch tham ô... phải được tôn trọng. Các chỉ đạo loại như thủ trưởng cơ quan hành chính bảo bên tòa phải xử mạnh tay vào là hỏng cái tính giám sát lẫn nhau đó.
Tinh thần của kiểm soát quyền lực nói cho cùng là sự bắt buộc của một cơ chế, trong đó từ cấp cao nhất tự đặt mình dưới những ràng buộc giúp bản thân mình và bộ máy bên dưới có muốn tham nhũng quyền lực cũng không làm được. Và sự thành công của việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế, thể chế để ai nấy dựa vào đó mà hành xử chứ không phải chỉ dựa vào đạo đức của người đứng đầu.
Cần thiết lập một môi trường minh bạch và dân chủ để cánh cửa của Đảng mở ra cơ hội trở thành lãnh đạo cho những người tài. Cần phải có những quy định để một cán bộ không thể bổ nhiệm vợ, chồng, con cái, dâu rể, anh em ruột vào những vị trí thuộc quyền hạn hoặc trong tầm ảnh hưởng của mình.
Tham nhũng dù tiền bạc hay quyền lực cũng đều đe dọa sự tồn vong của Đảng cầm quyền. Nhưng tham nhũng bằng cách ban phát chức tước cho người nhà, cho các nhóm đặc quyền thì di hại là lâu dài. Cái giá mà đất nước phải trả cho nạn tham nhũng quyền lực không chỉ là niềm tin của người dân hôm nay mà còn là niềm tin vào tương lai đất nước.❏
Khánh An