Tháng Tư, nhớ về những kỷ niệm với Trường Sa

11/04/2020 07:47

(CLO) Tháng Tư năm 2010, lần đầu tiên với tư cách phóng viên của Đài PTTH tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi được tham gia đoàn công tác thăm, nghiên cứu tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI- nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ ,Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN bồi hồi nhớ lại.

Đoàn của chúng tôi gồm 188 người là cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương và vài địa phương; các cán bộ nghiên cứu ở một số bộ, ngành, quân, binh chủng. Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Bùi Văn Huấn và Chuẩn đô đốc Hải quân Nguyễn Cộng Hòa dẫn đoàn.

Với chúng tôi, chuyến đi có vinh dự là những nhà báo đầu tiên của truyền thông cấp tỉnh đi đảo xa. Nhưng lại có trách nhiệm phản ánh sao cho mới, cho khác, cho sâu, gần gũi và ấn tượng với độc giả, khán thính giả của địa phương, của miền núi, vùng sâu, vùng xa... 10 năm trước, tuy ít đại biểu và nhà báo được ra Trường Sa nhưng báo chí viết về nơi này cũng đã nhiều... Buổi họp đoàn trên tầu HQ 996, Trưởng đoàn Bùi Văn Huấn quán triệt :

   - Chuyến công tác của chúng ta dài ngày nhất, sẽ tới 21/32 điểm đảo, đề nghị các nhà báo, văn nghệ sỹ (Đoàn có nhạc sỹ Đức Trịnh và Hồ Trọng Tuấn, Đoàn nghệ thuật Quân khu 2) cố gắng giới thiệu sâu, kỹ lưỡng về quần đảo, chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đời sống và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội...

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên tác nghiệp tại đảo Đá Lớn B (tháng 6/2019) - Ảnh minh họa.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên tác nghiệp tại đảo Đá Lớn B (tháng 6/2019) - Ảnh minh họa.

Sau họp, tôi trao đổi sơ bộ với phóng viên quay phim Hùng Mai Hằng về phác thảo kịch bản và dặn thêm là quay thật nhiều, thật kỹ, cơ hội đi Trường Sa và Nhà giàn DKI cho anh em chúng tôi không nhiều...

Tầu rời Quân cảng Cam Ranh chiều ngày mùng 5/4/2010, sớm ngày mùng 7 thì tới đảo đầu tiên: Song Tử Tây... Chúng tôi thâm nhập đảo, tìm hiểu, dự các cuộc họp, thăm nơi ăn, ở của quân dân, phỏng vấn, dự giao lưu văn nghệ, liên hoan... cứ quay như chong chóng, xong lại trở về tầu đi đảo khác. Tới đảo Nam Yết thì đúng ngày Kỷ niệm 35 năm giải phóng đảo và đảo vinh dự đăng cai kỷ niệm cho cả Quần đảoTrường Sa.

Tại đây, 1/2 khách của tầu HQ 996 được lên đảo ngủ đêm. Tôi may mắn được ngủ lại đảo và cũng chính cái đêm hè trung tuần tháng tư được "3 cùng" với bộ đội đó đã cho tôi những cảm xúc, kỷ niệm rất đáng nhớ.  Số là dự giao lưu văn nghệ xong về chỗ ngủ đêm đã khuya lắm. Trời nóng nực, gió trùng khơi thổi mạnh nhưng không xua được lũ muỗi tinh ranh... Tôi trở dậy đi ra rặng cây phong ba, bàng vuông sát mép biển. Tôi gặp một hầm nước ngọt bèn múc đổ vào chậu, dùng hai bàn tay té nước lên đầu, lên mặt. Nước mát làm cho tinh thần sảng khoái. Đi tiếp, qua ánh điện năng lượng mặt trời mờ nhạt, tôi kịp nhận ra những chiếc võng bạt đong đưa và tiếng quạt tay đuổi muỗi phành phạch. Thì ra bộ đội nhường giường cho khách, mắc võng ngủ qua đêm. Có tiếng rì rầm:

  - Chỉ còn 2 ngày nữa đảo hết nước ngọt. Từ mai mỗi chiến sỹ 1 ca đánh răng rửa mặt. Tôi nghĩ về 2 chậu nước tôi vừa dùng mà vô cùng áy náy. Sáng sau, nhân lúc ăn sáng, tôi kể lại với anh Hòa, Chuẩn Đô đốc và ít phút sau thấy bộ đội xếp hàng chuyền tay từng xô nước từ tầu HQ 996 lên bể của đảo. Chỉ huy đã quyết định tặng đảo 20 khối nước ngọt...

Chúng tôi đi 21 điểm đảo và Nhà giàn DKI- 10,15, dự lễ tưởng nhớ các chiến sỹ hy sinh bảo vệ đảo ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma và các chiến sỹ hy sinh tại khu vực nhà giàn và trở về đất liền sau hành trình 19 ngày.

Đi rồi hiểu kỹ, trở về đài tôi quyết định phản ánh sâu. Với tiêu đề “KÝ SỰ: KỂ CHUYỆN TRƯỜNG SA”, chúng tôi mô tả lại hành trình bằng 10 kỳ trong chương trình thời sự tối của TNTV.  Qua Ratting những ngày phát ký sự, chúng tôi thấy lượng khán giả xem TN1 tăng tới 20 lần. Các anh ở Bộ tư lệnh Hải quân điện cảm ơn, nói rằng: "Mỗi đảo ghi rõ tọa độ, địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, chủ quyền, những câu chuyện cảm động... đã giúp người dân, bè bạn quốc tế hiểu rõ hơn về Hoàng Sa, Trường Sa  của Việt Nam cũng như các đảo khác trong hơn 1 triệu cây số vuông biển đảo của ta...". Rồi Ban Tuyên giáo TW, Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị cấp 500 đĩa CD ký sự "Kể chuyện Trường Sa" phục vụ Hội nghị tuyên truyền biên giới, hải đảo năm 2011. Cũng dịp này, Binh chủng Hải quân tặng cho Thái Nguyên 21 tảng san hô lấy từ từng đảo, khắc tên từng hòn đảo thiêng liêng. Tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngay Trung tâm tỉnh... Tôi và nhà báo Hùng Mai Hằng được Ban Tuyên giáo TW, Binh chủng Hải quân tặng bằng khen, đó là những kỷ niệm đẹp của nghề.

10 năm trôi qua, "Kể chuyện Trường Sa" vẫn là tác phẩm báo chí phát huy giá trị bởi tính chân thực, và tác dụng tuyên truyền. Tháng 12 năm ngoái (2019), theo đề nghị của Quân chủng Hải quân, chúng tôi vẫn gửi đĩa ký sự ra tặng bộ đội Trường Sa.      

Hữu Minh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tháng Tư, nhớ về những kỷ niệm với Trường Sa
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO