(CLO) Sở GTVT TP.HCM đã chính thức cắm biển cấm xe trên 25 chỗ lưu thông trên một đoạn đường Vĩnh Viễn và đường Lê Hồng Phong từ 6h00-22h00 hàng ngày khiến dư luận chia rẽ với 2 luồng ý kiến đối lập. Bên ủng hộ có thể vì đánh giá nhà xe Thành Bưởi “lách luật”, bên phản đối thì trông chờ Sở GTVT phải có cách giải quyết khiến DN tâm phục khẩu phục. Thử đặt mình vào vị trí một DN, chúng ta có khó chịu với cách quản lý hoạt động kinh doanh bằng… biển cấm?
Đường giao thông "tắc" hay Sở Giao thông "kẹt"?
Thời gian qua, liên quan tới văn phòng của nhà xe Thành Bưởi, từ lãnh đạo Bộ GTVT tới UBND TP.HCM cũng đều “giao Sở GTVT TP.HCM xử lý nghiêm”. Hay có một phúc đáp của Thanh tra Bộ GTVT được đăng tải rằng: “Nếu các đơn vị khai thác bến xe, bãi đỗ xe vi phạm các quy định của pháp luật thì phải bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều..., Khoản... Nghị định số 46/2016/NĐ-CP” khi Sở GTVT TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo. Những chỉ đạo như thế, cộng với việc đã tổ chức vô số cuộc thanh kiểm tra mà không phát hiện các sai phạm đủ để “dẹp” nhà xe Thành Bưởi, thì tình thế của Sở GTVT có quá là "rối hơn canh hẹ"?
[caption id="attachment_130746" align="aligncenter" width="800"]
Xe Thành Bưởi chạy trên đường Lê Hồng Phong giờ tan tầm[/caption]
Sau đó, Sở quyết cắm biển cấm. Có ý kiến cho rằng, việc cắm biển cấm là giải pháp “cực chẳng đã” mà Sở GTVT phải đưa ra cho “kịp tiến độ” (về mặt thời gian, chứ chưa hẳn về mặt giải pháp - PV). Nếu đúng vậy, thì chuyện “lố đà” của Sở GTVT TP.HCM hoàn toàn có thể xảy ra, khiến quyết định lắp biển cấm xe trên 25 chỗ gây hoài nghi rằng duy ý chí - dù chưa chắc đó là ý chí của lãnh đạo Sở này.
Cũng có bạn đọc nhìn nhận việc “cấm đường” hiện tại là “phiên bản lỗi” của một quyết sách Sở GTVT đã từng thực thi hồi đầu năm, được dư luận, công luận nức lời khen ngợi. Cụ thể, ngày 17/2/2016, Sở GTVT theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, trước đó là sự phản ứng gay gắt của người dân, báo chí… đã gắn biển cấm dừng đỗ xe khách trên 9 chỗ trở lên thay biển cấm đậu xe ngày chẵn, lẻ trên đường Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm, quận 1. Việc gắn biển cấm này đầy đủ sự công tâm, khách quan, phù hợp với thực trạng quá tải giao thông trung tâm TP.HCM, đồng thời đã “giúp” các nhà xe Toàn Thắng, Hoa Mai, Kumho Samco… vốn là “bá chủ” khu vực này không còn đất sống, phải ra khu vực khác.
Chỉ bằng những biển cấm dừng đỗ, không cấm lưu thông, TP.HCM khi đó đã vừa giúp giao thông quận 1 thêm thông thoáng, vừa “dẹp” được tình trạng “xe dù bến cóc” mà nhà xe phải gật gù chấp nhận, lòng dân hân hoan. Có sự tinh tế, khôn khéo nào bằng?
[caption id="attachment_130749" align="alignnone" width="800"]
Giao lộ Lê Hồng Phong - Hùng Vương giờ tan tầm có "quá tải" để phải cấm xe trên 25 chỗ lưu thông?[/caption]
Và nay, Phó giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh dù không lấy gì làm hãnh diện, cũng lên báo khẳng định: "Việc cấm đường như thế không nhằm triệt hạ hoạt động kinh doanh của hãng xe Thành Bưởi tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong", mà là "nhằm lập lại trật tự giao thông khu vực vốn lộn xộn trong thời gian qua và đã được nhiều người dân, UBND các phường xung quanh và quận 10 phản ánh!" Liệu khẳng định của ông Lê Hoàng Minh có đúng, hay là ngộ biện, hay ngụy biện?
Trước ngày 29/10/2016 (thời điểm cắm biển cấm xe trên 25 chỗ lưu thông), nhóm PV đã có mặt trên đường Vĩnh Viễn và Lê Hồng Phong, các điểm giao cắt Vĩnh Viễn – Ngô Gia Tự, Vĩnh Viễn – Lê Hồng Phong, Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ, Lê Hồng Phong – Hùng Vương vào giờ tan tầm. Đáng tiếc, chúng tôi không thấy được tình trạng ùn ứ, quá tải giao thông trầm trọng tại khu vực này, thậm chí đường xá có chỗ vẫn khá… thông thoáng.
[caption id="attachment_130742" align="aligncenter" width="800"]
Đường Lê Hồng Phong giờ tan tầm[/caption]
Sẽ có hàng loạt câu hỏi đặt ra ở đây: Nếu Sở GTVT khảo sát thấy giao thông khu vực này quá tải, ùn tắc, tại sao chỉ cấm xe trên 25 chỗ lưu thông trên đoạn đường Vĩnh Viễn (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Ngô Gia Tự) và đường Lê Hồng Phong (đoạn từ Hùng Vương đến Lý Thái Tổ) mà không cấm nguyên cả tuyến đường? Sở GTVT có lường trước việc nếu cấm theo đoạn, các xe khách (trên 25 chỗ) đang lưu thông trên đường này sẽ phải đi đường tránh và “tụ” lại ở khu vực hết cấm, gây nên tình trạng “thắt cổ chai”, càng dễ gây tắc nghẽn giao thông?
Tại sao cấm xe khách trên 25 chỗ mà không cấm luôn xe tải có diện tích chiếm dụng mặt đường tương đương? Tại sao không cấm giờ cao điểm (6h30-7h30 và 17h00-19h00) mà lại “cấm tiệt” từ 6h00-22h00? Thêm nữa, ngay tại trung tâm quận 1, nơi giao thông được xem là “căng thẳng” nhất mà chỉ biển cấm dừng đỗ đã trở nên hữu dụng, tại sao khu vực quận 10 đã có biển này, lại phải thêm biển “cấm lưu thông”, là nhắm đến ai?...
Với tất cả những băn khoăn, hoài nghi, bất phục như trên, liệu lãnh đạo và hàng ngàn nhân viên nhà xe Thành Bưởi có được đặt nghi vấn Sở GTVT TP.HCM đang tìm mọi cách “truy bức” họ đến cùng?
UBND quận 10 "vạch áo cho người xem lưng"?
Trong nội dung kêu cứu, UBND quận 10 bị Thành Bưởi hoài nghi là một trong hai “gọng kềm” đang cố "ép chết" họ, với hàng loạt đợt thanh kiểm tra, các văn bản, thông báo dày đặc. Thậm chí có nội dung đánh giá việc đón trả khách của nhà xe Thành Bưởi “gây bức xúc lớn với cử tri, nhân dân trong khu vực và thành phố”.
Khi chưa có được bất kỳ một nghiên cứu, đánh giá chi tiết, khoa học nào về tình hình giao thông khu vực nói trên, chúng tôi lại phải chủ động tổ chức theo dõi, ghi nhận tình hình giao thông quanh đoạn đường Sở GTVT TP.HCM treo thông báo “sắp cấm”. Và các hình ảnh, video đã khiến chúng tôi ngã ngửa, khi tình trạng lấn chiếm lề đường, lòng đường diễn ra ở rất nhiều nơi quanh khu vực cấm đường. Thậm chí, nhiều nơi không còn vỉa hè, bị các cơ sở kinh doanh chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống đường, ảnh hưởng tới trật tự giao thông, đẩy họ ra trước hàng loạt nguy cơ về mất an toàn tính mạng, tài sản... UBND quận 10 không biết việc này, hay “mắt nhắm mắt mở”?
Tình trạng giao thông lộn xộn có lỗi của chính quyền quận 10 hay chỉ do nhà xe Thành Bưởi, bạn đọc có thể tự trả lời qua một số hình ảnh dưới đây:
[caption id="attachment_130748" align="aligncenter" width="800"]
Đường Vĩnh Viễn (bên trái), xe máy trước rạp hát chiếm trọn vẹn vỉa hè[/caption] [caption id="attachment_130744" align="aligncenter" width="721"]
Quán cafe này chiếm trọn vỉa hè đường Vĩnh Viễn có đúng luật?[/caption] [caption id="attachment_130751" align="aligncenter" width="800"]
Vỉa hè đường Vĩnh Viễn một bên là xe máy chiếm dụng, một bên là cửa hàng cây kiểng tiến sát mép đường[/caption] [caption id="attachment_130750" align="aligncenter" width="800"]
Xe cộ vô tư dựng trên đường Lê Hồng Phong, gây cản trở giao thông[/caption] [caption id="attachment_130738" align="aligncenter" width="721"]
Đường Vĩnh Viễn thông thoáng giờ cao điểm, nên vỉa hè vô tư bị lấn chiếm?[/caption]
TP.HCM đã rất lâu không thấy việc quản lý hoạt động kinh tế bằng “lệnh cấm”. Ngay cả các ngành nghề “nóng” như vũ trường, karaoke, TP.HCM vẫn không cấm mà quy hoạch rất chặt hoặc để "chế độ chờ" chứ không có thông tin “cấm tiệt”. Liệu rằng, việc cấm xe 25 chỗ lưu thông trên một đoạn đường rất ngắn nói trên và dấu hiệu “truy bức” nhà xe Thành Bưởi có phải là một “cột mốc” đánh dấu việc TP.HCM quay lại quá khứ rất xa, khi việc “không quản được thì cấm” cảm tính, duy ý chí đã từng gây nhức nhối, cản trợ sự phát triển?
Với tâm thế xây dựng, chúng tôi chờ mong Chính phủ, Bộ GTVT, Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM và các ban, ngành, tổ chức liên quan có sự chỉ đạo, đề xuất việc thực hiện các nghiên cứu, đánh giá thực trạng giao thông, những được – mất khi thực hiện lệnh cấm nói trên, các điều tra xã hội học… một cách minh bạch, khoa học trước khi cắm các biển cấm. Bởi, bằng mắt thường, tình hình giao thông quận 10 không “tệ” hơn quận 1, quận 3 và khu vực cửa ngõ TP.HCM. Bởi, tiếng kêu cứu thống thiết của một DN có hơn 2.000 người lao động rất cần phải được đáp lại bằng tất cả sự chân thành, cầu thị, có lý, có tình. Bởi, môi trường kinh doanh của TP.HCM đang tốt lên từng ngày, không thể để một quyết định chưa được tính toán một cách khả thi làm chậm, kéo lùi lại.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Đoàn Kiên Giang
UBND TP.HCM mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công điện 242/CĐ-TTg ngày 5/2/2016 về việc chấn chỉnh “xe dù, bến cóc”. Cần nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN. Như vậy, nếu TP.HCM quản lý hoạt động kinh doanh của DN như bằng “cơ chế”, các công cụ hành chính, cụ thể là “biển cấm”… liệu có phù hợp với quyết tâm kiến tạo ấy?