(CLO) “Sở Y tế Thanh Hóa chưa cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho công ty TNHH TMDV Khánh Hà Beauty” đó là khẳng định của ông Đoàn Dũng Chiến Trưởng phòng quản lý dược, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa.
Gần đây, nhiều đại lý phân phối mỹ phẩm tại Hà Nội thường tư vấn về sản phẩm kem làm trắng da Cream Whitening Face có công dụng thần kỳ.
Theo đó, sản phẩm Cream Whitening Face được quảng cáo chiết xuất từ tinh dầu hoa hồng và bột ngọc trai giúp dưỡng da sáng hồng mịn màng, cung cấp các vitamin thiết yếu giúp trẻ hoá da.
[caption id="attachment_162728" align="aligncenter" width="500"]

Cream Whitening Face được quảng cáo có công dụng thần kỳ.[/caption]
Giá một hũ kem trọng lượng 35g có giá gần 500.000 đồng dùng trong 1 tháng. Chưa kể nếu muốn đẹp hơn người mua phải dùng kèm mỹ phẩm phụ trợ đi kèm.
Theo tìm hiểu được biết kem trắng da Cream Whitening Face là sản phẩm thương hiệu Mommy Care của Công ty TNHH TMDV Khánh Hà Beauty, trụ sở tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Đoàn Dũng Chiến Trưởng phòng quản lý dược, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa chưa cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho công ty TNHH TMDV Khánh Hà Beauty; đồng thời Sở cũng chưa nhận được hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm của công ty Khánh Hà Beauty nên chưa thể giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm Cream Whitening Face.
Ông Đoàn Dũng Chiến cũng cho biết thêm Sở Y tế Thanh Hóa sẽ phối hợp với các ngành hữu quan (Công an, quản lý thị trường) thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công ty TNHH TMDV Khánh Hà Beauty và mua mẫu sản phẩm mỹ phẩm Cream Whitening Face để kiểm tra chất lượng.
Thông tin kết quả kiểm tra chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Lê Huyền
Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011 của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm quy định: Để các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, nhập khẩu mỹ phẩm phải công bố sản phẩm; có hồ sơ thông tin sản phẩm; yêu cầu an toàn về sản phẩm; lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng…
Ngoài những nhãn hiệu có đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm, tuân thủ quy định y khoa, an toàn sức khỏe con người thì cũng không ít loại sản phẩm do các cơ sở thiếu uy tín sản xuất từ những nguyên liệu rẻ tiền. Để tiết kiệm chi phí sản xuất và tạo lòng tin cho khách hàng, các cơ sở kinh doanh trái phép đã đưa vào thành phần của mỹ phẩm giả, nhái các hóa chất độc hại như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua, hydroquinone.… do những chất này có giá thành rẻ, nhưng lại có hiệu quả nhanh chóng. Đây là những thành phần có chức năng làm tẩy da mạnh nhưng gây rất nhiều phản ứng phụ nguy hiểm. Hydroquinone nồng độ cao đã bị cấm bán ở một số nước vì có thể gây ung thư.