Cụ thể, tại Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày 19/9/2018 do ông Trương Nhọ Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa ký, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ; “Trong điều kiện ngân sách huyện hết sức eo hẹp, để công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai của cấp ủy, chính quyền huyện triển khai đồng bộ và huy động được lực lượng tham gia, UBND huyện Quan Hóa kính trình Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 2.000 triệu đồng (hai tỷ đồng)”.
Lãnh đạo huyện Quan Hóa thăm, tặng quà bà con bị ảnh hưởng của thiên tai
Dự toán kinh phí gửi kèm tờ trình số 81/TTr-UBND, có 8 khoản được UBND huyện Quan Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh “hỗ trợ”. Trong đó có những khoản “hỗ trợ” khiến dư luận “giật mình” như: Hỗ trợ tiền xăng xe 500 triệu đồng cho Cơ quan Huyện ủy - HĐND - UBND huyện và các ngành trong huyện gồm: Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Tòa án, Viện Kiểm sát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Ngân hàng Chính sách, Kho bạc, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế, Bưu chính, Viễn thông, Điện lực, Chi cục thuế, các phương tiện vận tải của các doanh nghiệp, đơn vị thầu xây dựng được huyện điều động hỗ trợ; Chi phí mua vật tư, bảo hộ lao động, nước uống, nhu yếu phẩm phục vụ các tổ công tác trong thời gian chỉ đạo: 450 triệu đồng; Hỗ trợ công tác chỉ đạo của UBND 18 xã, thị trấn: 540 triệu đồng; Chi phí hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ; đoàn thanh niên, đoàn tình nguyện tham gia giúp dân khắc phục dọn dẹp, xây cất lại nhà ở, làm nhà tạm (nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết): 250 triệu đồng…
Điều đáng nói là đây không phải đề xuất kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất, sửa chữa, xây dựng lại các công trình công cộng hay cứu đói cho dân mà là hỗ trợ cho “hoạt động chỉ đạo” của cán bộ.
Ngạc nhiên với đề xuất “lạ đời” trên, một người dân từng tham gia nhiều chuyến thiện nguyện tại miền Tây Thanh Hóa chia sẻ: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, hàng trăm đoàn hoạt động từ thiện đã đến các huyện miền núi Thanh Hóa thăm, tặng quà động viên người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Họ đi bằng chính cái tâm của mình, bằng chính đồng lương của họ và sự hỗ trợ của bạn bè, người thân. Họ đâu có xin nhà nước “hỗ trợ” xăng xe, nước uống, nhu yếu phẩm. Chúng tôi đâu có được “trả lương” để làm việc đó. Vậy tại sao cán bộ được hưởng lương ngân sách đi giúp dân khắc phục bão lụt lại đi xin tiền hỗ trợ từ ngân sách để chỉ đạo? Phải chăng, cán bộ đi giúp dân cũng phải có… công tác phí?”
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, tổng số kinh phí mà địa phương này nhận được của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ để khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ từ ngày 28 - 31/8/2018 gây ra là hơn 9,8 tỷ đồng.
Huyện Quan Hóa tiếp nhận tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ.
Được biết, ngày 27/9/2018, UBND huyện Quan Hóa cũng đã có Công văn số 904/UBND-NN về việc tổng hợp tình hình thiệt hại và lập dự toán kinh phí hỗ trợ thiệt hại do mưa lũ từ ngày 28-31/8/2018 gây ra với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Theo đó, UBND huyện Quan Hóa đề xuất tổng kinh phí hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho các hộ dân bị ảnh hưởng bão số 5 là: 924,33 triệu đồng. Số tiền đề xuất này thậm chí còn chưa bằng một nửa số kinh phí đề xuất hỗ trợ cho hoạt động… chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai của huyện.
Theo thông tin từ Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, hiện đơn vị này đã có văn bản thẩm định đề xuất hỗ trợ kinh phí “chỉ đạo” khắc phục hậu quả bão lụt của UBND huyện Quan Hóa trình Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có cả "món" dành cho tiếp đoàn cứu trợ.
Báo điện tử Congluan.vn sẽ thông tin vấn đề trên tới bạn đọc.
Quang Minh