Thanh Hoá trên hành trình hiện thực hoá mục tiêu
(CLO) Với những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... đã khẳng định quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân nhằm hướng tới mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước.
Năm 2022, Thanh Hoá thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 48.820 tỷ đồng
Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là trung tâm kinh tế lớn, có nguồn lực kinh tế đứng thứ 3 của cả nước và có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với nhiều tiềm năng, thế mạnh, dân số đông - đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa phấn đấu quyết liệt đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Năm 2022, Thanh Hoá thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 48.820 tỷ đồng
Tại Thanh Hoá, những thành tựu về kinh tế - xã hội trong thời gian qua, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; một số dự án lớn, có sức lan tỏa đã đi vào hoạt động; việc triển khai thực hiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa... là những điều kiện thuận lợi để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thanh Hóa đã và đang vươn lên, phấn đấu sớm trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc và cả nước. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có 24/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch (còn 1 chỉ tiêu về xây dựng Đảng chưa đánh giá).
Đáng chú ý, nhiều chỉ tiêu kinh tế thiết lập mốc phát triển mới như thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ phục hồi nhanh, toàn tỉnh ước đón 11,01 triệu lượt khách du lịch, gấp 3,2 lần năm 2021.
Đặc biệt, tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,5%; tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hoá cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục tăng; do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoạt động cầm chừng;… là những yếu tố tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt sớm đưa Thanh Hoá thành cực tăng trưởng mới
Bước vào thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Thanh Hóa là một trong những tỉnh nghèo, với điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất Vùng và nằm trong nhóm 10 tỉnh có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.

Hệ thống giám sát an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
Để hiện thực hóa mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, đặt ra cho Thanh Hoá một khối lượng lớn công việc cần phải làm và làm sớm. Ngay trong năm đầu thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, Thanh Hoá đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh; thành lập ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đặc biệt để giải quyết trực tiếp những vấn đề lớn, vấn đề mới, những vướng mắc nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cho biết, tỉnh Thanh Hoá đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn và nhiều hơn năm 2022.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, năm có tính bản lề và có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội đã đề ra.
Tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu hoàn thành vượt mức 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng năm 2023; trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) phải đạt 11% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.200 USD trở lên, thu ngân sách Nhà nước đạt 35.340 tỷ đồng trở lên...
Tỉnh Thanh Hóa nhận thức sâu sắc rằng, việc Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu phát triển đối với Thanh Hóa để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương. Các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa, nhưng không tự thân mang lại hiệu quả, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ thì mới được hưởng thành quả từ chính sách mang lại.
Để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, hạ tầng du lịch, chăn nuôi quy mô lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư để sớm hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho tỉnh.
Hà Anh