Tháo dỡ công trình sai phạm tại sân golf Đà Lạt: Doanh nghiệp mong được 'đối xử' công bằng?
(CLO) Việc xử lí công trình vi phạm theo kiểu ''chỗ bị xử lí, nơi tạo điều kiện'' của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang gây phản ứng trái chiều cho dư luận, đặc biệt đối với Công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt - doanh nghiệp bị cưỡng chế mong muốn được ''đối xử'' công bằng.
Tòa nhà CLB golf Đồi Cù trước số phận bị tháo dỡ
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt, là công ty điều hành quản lý tài sản đầu tư của Liên doanh DRI vốn nước ngoài.
Trên cơ sở của giấy phép đầu tư được Uỷ ban nhà nước về hợp tác & đầu tư cấp số 22/GP ngày 08/8/1991, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng cải tạo các công trình khách sạn biệt thự cổ tại Đà Lạt, trong đó có việc cải tạo sân golf 18 hố, đặc biệt cấu phần của dự án cải tạo này có tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù.

Dự án của Công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt.
Bài liên quan
Xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở Lâm Đồng: Nơi được nộp tiền để hợp thức, nơi bị yêu cầu tháo dỡ
Từ năm 2016 lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt và các công ty tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện các hạng mục theo Giấy chứng nhận đầu tư 222/GP, việc hoàn thiện dự án sẽ góp phần hoàn thiện các sản phẩm du lịch Đà Lạt, để góp phần vào việc tạo ra nguồn thu phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Đồng thời, phía công ty ngay lập tức đã lập phương án quy hoạch, phương án kiến trúc tòa nhà Câu lạc bộ golf Đồi Cù trình hội đồng kiến trúc – quy hoạch tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét, lựa chọn phương án tối ưu để trình UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét phê duyệt chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của công trình...
Tuy nhiên, mới đây Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt có văn bản gửi Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL yêu cầu phải thực hiện tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm liên quan công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf (tại sân golf Đồi Cù, đường Đinh Tiên Hoàng, phường 1, thành phố Đà Lạt).
Đại diện Công ty Hoàng Gia Đà Lạt cho biết, đến nay doanh nghiệp đã được phê duyệt hầu hết các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình này. Thế nhưng trong quá trình đầu tư xây dựng công ty đã gặp phải một số khó khăn vướng mắc, công ty cũng đã chủ động dừng hoạt động thi công, nộp phạt theo quy định Nhà nước.
Theo vị đại diện này thì, dự án của Công ty Hoàng Gia Đà Lạt đang không nhận được thiện cảm của phía các đơn vị chức năng giống như các đơn vị khác, hiện tại công trình đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ. ''Mới đây hoạt động khai thác Dinh 1 của công ty cũng bị yêu cầu dừng hoạt động đóng cửa trả lại, vì việc giao công trình này cho công ty vào năm 2013 không thông qua đấu giá. Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà nhiều người đã bày tỏ nỗi xót xa trước những quyết định gây ra nhiều lãng phí của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với Dinh 1 khi thu hồi, đóng cửa, rồi bỏ không'' - vị đại diện chia sẻ.
Nói về công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf Đồi Cù, theo vị đại diện này cho rằng: Đây một công trình hứa hẹn sẽ là điểm nhấn của du lịch Đà Lạt, nâng tầm du lịch cho Đà Lạt thu hút nhiều khách quốc tế đến hơn. Công trình cũng được ví như con gà đẻ trứng vàng cho kinh tế Lâm Đồng, với số tiền thuê đất gần 140 tỷ đồng mỗi năm, hoạt động của công trình này hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu thuế cực kỳ lớn thì lại chưa được tạo điều kiện đúng mức, khiến cho doanh nghiệp gặp khó, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Xử lí vi phạm kiểu ''chỗ bị xử lí, nơi tạo điều kiện''
Thời gian ngắn gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phát hiện ra nhiều công trình dự án, nghỉ dưỡng, sân golf xảy ra một số sai phạm trong quá trình xây dựng như: Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel được báo chí và dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng xác định dự án này đã xây dựng trái phép 4.500m2.

Trên thẩm quyền phụ trách, tháng 6/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp là người đã ký văn bản giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Lạt kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án khách sạn Merperle Dalat; đồng thời đề nghị Công ty cổ phần Khải Vy triển khai thi công xây dựng công trình khách sạn Merperle Dalat theo đúng Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Hơn 4 tháng sau, chính ông Hiệp lại ký một văn bản khác, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt và cơ quan liên quan xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Merperle Dalat Hotel theo đúng quy định của pháp luật. Động thái được dư luận đánh giá như một biện pháp “hợp thức hóa” cho vi phạm tại dự án khách sạn Merperle Dalat.
Đầu tháng 2/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Lâm Đồng đã báo cáo UBND tỉnh hướng xử lý đối với diện tích rừng bị mất trong quá trình Acteam International thực hiện dự án The Dàlat at 1200.
Qua thu thập tài liệu, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đánh giá: “Công ty TNHH Acteam International trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng; trong diện tích rừng bị mất có 11,5ha rừng phòng hộ; thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017”. Số lượng cũng như mức độ vi phạm thuộc diện cần phải xử lý hình sự.
Tuy nhiên theo ông Vũ Đình Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hiện tại hướng xử lý của cơ quan thực hiện theo hướng chỉ đạo của UBND tỉnh là yêu cầu doanh nghiệp bồi thường trồng lại rừng trên diện tích đã bị phá”.
Như vậy, các cách thức xử lý đối với các vi phạm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều điểm khác nhau, đang được nhiều người đem ra đối chiếu, so sánh và đặt ra câu hỏi, tại sao những dự án của Công ty Hoàng Gia Đà Lạt như: Dinh 1 hay tòa nhà Câu lạc bộ golf Đồi Cù lại bị ''đối xử không công bằng'' giống như các công trình khác của các doanh nghiệp khác?
PV