Tin tức

Tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp

Thiên An 24/06/2025 20:20

(CLO) Đại biểu Quốc hội cho rằng, thông qua giải quyết kiến nghị cử tri đã tạo được niềm tin và tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp; giải quyết được nhiều vướng mắc của địa phương cơ sở.

Chiều 24/6, thảo luận tại Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nói về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng trở thành mối quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước trong thời gian gần đây, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, hàng loạt vụ việc được phát hiện trên quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, cho thấy vấn nạn này không còn là hiện tượng cá biệt mà đang trở thành một thách thức nghiêm trọng trong đời sống kinh tế, xã hội.

Khi hàng hóa kém chất lượng trà trộn trên thị trường xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của hàng Việt trên thương trường quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của đất nước trong giao thương toàn cầu. Nghiêm trọng hơn cả, vấn nạn hàng giả, hàng gian còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân, phá vỡ chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh và trong đời sống xã hội.

“Khi cái giả lên ngôi, cái thật bị đẩy lùi; khi gian dối được dung túng, nó sẽ lan ra như một lối sống, hình thành thói quen chụp giật, dối trá, thờ ơ, bất chấp mọi quy tắc để kiếm lời. Đó chính là hiểm họa lâu dài, tác động vô cùng nguy hiểm đến đạo đức xã hội, lối sống văn hóa, ảnh hưởng đến mọi mặt của sự phát triển của đất nước. Điều này cần được nhận diện rõ ràng để có giải pháp kiên quyết”, đại biểu nêu quan điểm.

2(10).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Trong thời gian qua đã có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, nhiều vụ việc nghiêm trọng về hàng giả, hàng kém chất lượng đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Cử tri hoan nghênh, ghi nhận và đồng tình với kết quả đó. Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri và người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại. Đó là vai trò, trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ trong công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian dài như thế nào để hiện tượng này diễn ra tràn lan, phổ biến. Và liệu có rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” - khi các đợt cao điểm ra quân kết thúc thì tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả có tiếp tục "khôi phục lại" như khi chưa có các đợt ra quân cao điểm hay không? Liệu có còn tồn tại sự thờ ơ, thậm chí dung túng, bao che trong chính lực lượng thực thi nhiệm vụ như một số vụ việc đã bị phát hiện thời gian qua?

Cử tri đánh giá rất cao sự quyết liệt và kịp thời của Chính phủ khi trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều luật có liên quan đến việc quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quảng cáo sản phẩm, hàng hoá cũng như siết chặt các chế tài xử lý các vi phạm. Đồng thời, cử tri cả nước mong mỏi, ngoài việc Quốc hội vừa ban hành hàng loạt đạo luật nhằm siết chặt chế tài xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, cần có những giải pháp mạnh mẽ, dài hạn hơn về tổ chức thực thi. Cần nâng cao đạo đức công vụ, đề cao trách nhiệm của đội ngũ trực tiếp thanh tra, kiểm tra để mọi quy định đã ban hành đều được hiện thực hóa trong đời sống. Kiên quyết không để vấn nạn hàng giả, hàng gian tái diễn sau mỗi đợt cao điểm ra quân.

Để làm được điều đó, đại biểu đề nghị cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, thưởng - phạt nghiêm minh, gắn trách nhiệm cá nhân trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm. Cần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong toàn hệ thống, từ Trung ương đến địa phương, để mỗi khi nhắc đến vấn đề hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng, người dân không còn nghi ngại, không còn tâm trạng bất an. Việc truy quét hàng giả cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực trong phạm vi cả nước…

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) thống nhất với báo cáo số lượng kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 khá lớn nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo giải quyết khá tốt những kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền. Tỷ lệ được giải quyết, trả lời cho cử tri đạt rất cao (99,5%). Thông qua giải quyết kiến nghị cử tri đã tạo được niềm tin và tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp; giải quyết được nhiều vướng mắc của địa phương cơ sở.

1(10).jpg

Chính phủ, các bộ, ngành đã chỉ đạo và thực hiện rất nghiêm túc về trách nhiệm, thẩm quyền của mình trong xem xét giải quyết các kiến nghị cử tri như trong báo cáo đã nêu, đạt tỷ lệ rất cao (99,9%) ở nhiều lĩnh vực rất quan trọng liên quan trực tiếp tới đời sống người dân như các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các giải pháp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập của nông dân; vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch; an sinh xã hội; về y tế, giáo dục; đầu tư, tài chính, ngân hàng, nhiều vấn đề kiến nghị cử tri được tháo gỡ.

Dù vậy, có một số kiến nghị của cử tri giải quyết còn chậm, đa số các kiến nghị cử tri được các bộ, ngành giải trình cung cấp thông tin là chủ yếu (81,9% tổng kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết trả lời). Trong các kiến nghị cử tri được nghiên cứu xem xét giải quyết, chỉ có 160 kiến nghị cử tri, chiếm 8,2% tổng số kiến nghị được xem xét, giải quyết, trả lời. Một số trả lời kiến nghị cử tri còn chung chung, chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và nhân dân.

Để nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong giải quyết kiến nghị cử tri, đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề xuất tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 72 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri để lắng nghe đầy đủ, chính xác tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để cử tri và người dân bày tỏ được tâm tư nguyện vọng của mình với đại biểu Quốc hội, với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, khắc phục tình trạng ở một số nơi cử tri, người dân ít tham gia hội nghị ở thôn cũng như ở các hội nghị tiếp xúc cử tri, để đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được nghe trực tiếp nhiều ý kiến của cử tri, nhân dân.

Đại biểu Mai Văn Hải cho biết, nhiều cử tri mong muốn các kiến nghị được xem xét, giải quyết có kết quả cụ thể hơn. Từ đó, đại biểu đề xuất cần phải có hướng dẫn cụ thể để phân loại kiến nghị cử tri, xác định thẩm quyền, cũng như hướng giải quyết.

Ông Mai Văn Hải đề xuất: “Những kiến nghị cử tri còn băn khoăn, chưa hiểu rõ về chủ trương, chính sách, pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền trả lời theo hướng cung cấp thông tin, giải thích hoặc đưa ra lộ trình xem xét giải quyết phù hợp. Những kiến nghị về các vấn đề bất cập, mâu thuẫn của pháp luật thì cần phải tập trung tháo gỡ ngay”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO