Ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư:

Thắp sáng ngọn lửa đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình

Thứ sáu, 03/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, bối cảnh các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và rõ ràng còn nhiều việc phải làm để tạo dựng một thập niên tới bền vững hơn nữa, tốt hơn nữa. Những “việc còn phải làm ấy” là gì? Báo Nhà báo và Công luận có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT)- cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.

+ Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đến nay, việc thực thi Kế hoạch này diễn ra như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Phát triển Bền vững là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Thực hiện cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch hành động quốc gia đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030.

Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam đã đạt được 1 số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Tính đến nay, đã có 12 bộ và 40 địa phương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Bộ và địa phương cụ thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững của Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu. Đây là cơ sở quan trọng để theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhằm thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2019 về Phát triển bền vững.

Ngay sau đó, ngày 4 tháng 6 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 681/QĐ-TTg ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng cho công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại các mốc thời gian 2020, 2025, 2030. Lộ trình cũng là một căn cứ để các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm; xây dựng các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong từng thời kỳ từ nay đến năm 2030.

Về đối ngoại, Chính phủ đã xây dựng và trình bày thành công Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam tại Diễn đàn chính trị cấp cao của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2018 nhằm công bố với cộng đồng quốc tế những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đối với công tác phổ biến, nâng cao nhận thức về Kế hoạch hành động thực hiện CTNS 2030, Chính phủ đã ban hành Chương trình truyền thông về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các hoạt động tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực cũng thường xuyên được triển khai thông qua các hội thảo, tập huấn cho các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong nước và ngoài nước, cộng đồng báo chí....

Nổi bật trong năm 2018, Quốc hội đã tổ chức Hội nghị: Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững với sự chủ trì của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội vào ngày 17-18/12 năm 2018 tại Đà Nẵng. Đây là một sự kiện quan trọng của Quốc hội nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy vai trò của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam.

Báo Công luận

+ Cũng trong mục tiêu phát triển bền vững, tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 diễn ra ngày 03/10/2019, Bộ trưởng từng nhấn mạnh: Tham gia Cuộc CMCN 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bộ trưởng có thể lý giải cụ thể hơn về điều này?

- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có tác động làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia với tốc độ lan truyền nhanh trên nền ứng dụng Internet, thay đổi phương thức và cách tiếp cận của nền sản xuất. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 giúp tạo ra những thay đổi lớn, căn bản theo cấp số nhân trong nhiều ngành, lĩnh vực, điều chưa thể xảy ra được trong thời gian trước đây. Chính vì vậy, tham gia Cuộc CMCN 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối với chúng ta, đây còn là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc CMCN lần thứ tư. Nghị quyết cũng đã đề ra nhiều giải pháp lớn, quan trọng, mang tính quyết sách để thực hiện mục tiêu trên, trong đó, có nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trên cơ sở kiến nghị của Bộ KH&ĐT, ngày 02/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT. Đây là bước đi hết sức có ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, thể hiện rõ phương châm hành động nhanh, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ. Đây cũng là kết quả của quá trình triển khai đi trước một bước một số nội dung Chiến lược của Bộ KH&ĐT với tinh thần không ngừng cải cách, đổi mới, nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng và phát triển, góp phần xây dựng và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Trên thực tế, Bộ KH&ĐT đã và đang mở rộng kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo ở nhiều quốc gia để mở rộng thị trường, khơi thông các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tăng cường hỗ trợ và kết nối các nhà đầu tư cho các Start-up Việt Nam. Đồng thời, Bộ KH&ĐT đang mở rộng thêm Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, mạng lưới tri thức Việt Nam ở các quốc gia phát triển hàng đầu nhằm quy tụ các chuyên gia công nghệ trong nước và quốc tế, hỗ trợ các Start-up Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, tăng cường giáo dục đào tạo các cấp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc thực hiện các chính sách về Cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, điều quan trọng trước hết là tất cả các cơ quan Bộ, ngành cần quyết liệt hành động để cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, tránh tình trạng Nghị quyết đã nêu rõ sự cần thiết của những thể chế chính sách vượt trội, nhưng trong thực tế việc áp dụng và triển khai các chính sách này còn nhiều rào cản và khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

+ Nói đến mục tiêu phát triển bền vững, thế giới và Việt Nam đã và đang nhắc nhiều đến khái niệm kinh tế tuần hoàn. Việc thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn không chỉ dựa vào những nỗ lực của Chính phủ mà còn cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ Dự thảo Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân đến năm 2030. Theo Dự thảo này, việc phát triển bền vững khối doanh nghiệp tư nhân - bộ phận trụ cột của nền kinh tế, sẽ được tiến hành như thế nào, thưa Bộ trưởng? 

- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Ngày 11/10/2019, Quyết định số 1362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được ban hành với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng trưởng chất lượng và hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết trong doanh nghiệp khu vực tư nhân, v.v...

Trong thời gian tới, doanh nghiệp khu vực tư nhân được định hướng phát triển hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô nhỏ và vừa. Khuyến khích xây dựng các thương hiệu lớn của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Để đạt được các mục tiêu, Kế hoạch đưa ra 6 nhóm giải pháp quan trọng, có chọn lọc, bám sát các định hướng về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; đồng thời bắt kịp xu thế phát triển doanh nghiệp hiện nay trên thế giới như thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, v.v...

Một trong các nhóm giải pháp quan trọng của kế hoạch đó là khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững (bao gồm mô hình kinh tế tuần hoàn), công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Theo đó, trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch này, các Bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các nội dung, giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình mục tiêu của các Bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đạt được mục tiêu của kế hoạch.

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển KT - XH nhanh, bền vững.

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển KT - XH nhanh, bền vững.

+ Còn nhớ, cách đây 3 năm, cũng trong một cuộc trò chuyện đầu năm mới, Bộ trưởng từng chia sẻ rằng Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đổi mới, sáng tạo, “giữ lửa” cho tinh thần cải cách thể chế, cải cách nền kinh tế. 3 năm qua, những việc Bộ KH&ĐT làm được là đáng ghi nhận nhưng thách thức phía trước cũng không phải là ít, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, quy mô GDP năm 2018 so với năm 1989 đã tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần. Thành tựu này là chung của cả nước, mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương đều có sự đóng góp tích cực vào kết quả này. Trong thành quả đó, Bộ KH&ĐT đã có đóng góp quan trọng với vai trò là cơ quan “tham mưu trưởng” về điều hành kinh tế vĩ mô, tham mưu tổng hợp về thể chế, chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đảm nhiệm và làm tốt nhiều công việc lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước với khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu về tiến độ và chất lượng ngày càng cao. Quyết tâm cải cách, đổi mới đã được đẩy mạnh và lan tỏa trong toàn ngành và cơ quan, tham mưu những tư tưởng chính sách tiến bộ, cơ chế vượt trội trong các dự án Luật; quyết tâm vượt qua chính mình để giải phóng nguồn lực cho quốc gia; tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính; mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm; quyết liệt đổi mới công tác kế hoạch hóa... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Bộ KH&ĐT trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới là rất nặng nề ở tất cả các lĩnh vực: tham mưu thể chế, pháp luật, chính sách; đổi mới, nâng cao hiệu quả các công tác quản lý nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, nhất là về kế hoạch, chiến lược phát triển, kinh tế vĩ mô, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả... Chúng tôi sẽ quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng kiến tạo phát triển, khát vọng vươn lên, cống hiến; không ngừng củng cố bản lĩnh của một cơ quan đầu ngành trong quản lý nhà nước, tham mưu chiến lược cho Đảng và Chính phủ, giúp đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển.

Nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian tới là thực hiện công tác tham mưu hiệu quả để các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có thể tạo ra bứt phá ở các cấp, các ngành; để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới, trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp; để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ, không một người dân nào bị bỏ lại phía sau; đưa Việt Nam lọt vào Top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.

Một năm mới đang đến, chúng tôi sẽ quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách và thắp sáng ngọn lửa đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, hiện thực hóa khát vọng về phát triển đất nước, đổi mới sáng tạo, kiến tạo và phát triển, vươn lên, cống hiến và không ngừng củng cố phát huy sự đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của cơ quan đầu ngành trong quản lý nhà nước tham mưu chiến lược cho Đảng, Chính phủ giúp đất nước ngày một phát triển.

+ Xin cảm ơn Bộ trưởng. Xin chúc Bộ trưởng một năm mới dồi dào sức khỏe và thành công!

Nguyễn Thư (Thực hiện)

Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức