Thắt chặt các chính sách tài khóa mở rộng vào năm 2025: Cần nghiên cứu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp

31/12/2024 11:00

(NB&CL) Các chính sách tài khoá được thực hiện liên tục từ sau đại dịch COVID-19 cho đến nay là cố gắng nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển, đóng góp trực tiếp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn tới chính sách tài khoá có lẽ không cần tiếp tục phải mở rộng.

Bài liên quan

Hai màu sáng - tối đan xen

Tăng tốc phục hồi, quyết tâm cao cho kỳ vọng mới

Để đầu tư công trở thành “cú hích” cho nền kinh tế bứt phá

Thắt chặt các chính sách tài khóa mở rộng vào năm 2025: Cần nghiên cứu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp

“Trái ngọt” từ chính sách tài khóa hợp lý, linh hoạt

Chính phủ đã truyền cảm hứng đến nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp

Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025: "Đã đặt ra thì phải quyết tâm làm”

Kiên trì các chính sách tài khóa trong suốt 4 năm

Trong suốt giai đoạn từ 2020 tới nay, trước các tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiều tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, Quốc hội đã thông qua một số đề xuất của Chính phủ liên quan tới các chính sách tài khóa, như gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí. Mục đích của các chính sách tài khóa này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, tổng quy mô của các chính sách tài khóa lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2020, quy mô các chính sách tài khóa là 129.000 tỷ đồng. Đến năm 2021, quy mô của các gói hỗ trợ này tăng lên 145.000 tỷ đồng. Năm 2022 đạt “đỉnh” khi quy mô lên tới 233.000 tỷ đồng và giảm xuống 196.000 tỷ đồng vào năm 2023.

Năm 2024, mặc dù đại dịch COVID-19 đã trở thành “dĩ vàng” từ 2 năm trước (năm 2022), thế nhưng, trước những biến động bất ngờ từ thế giới và chính nội tại của nền kinh tế, Việt Nam vẫn sử dụng các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

that chat cac chinh sach tai khoa mo rong vao nam 2025 can nghien cuu tinh trang suc khoe cua doanh nghiep hinh 1

Ông Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: CTTBTC

Đặc biệt, sau cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc vào đầu tháng 9/2024, Quốc hội, Chính phủ đã nhanh chóng có các chính sách hỗ trợ khác, bao gồm các chính sách về tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, trong năm 2024, Việt Nam đã áp dụng 6 giải pháp tài khóa khác nhau, bao gồm chính sách 2% thuế VAT; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn; gia hạn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 11/2024.

Riêng các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất rơi vào khoảng 189.600 tỷ đồng, chưa kể các nhóm chính sách tài khóa khác. Tính đến hết tháng 9/2024, nhóm chính sách này đã giảm 116.400 tỷ đồng và gia hạn hoảng 47.700 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, các chính sách tài khóa đã tạo ra động lực tăng trưởng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện rõ tinh thần “Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, việc sử dụng các chính sách tài khóa trong thời gian dài đã và đang làm giảm nguồn thu Ngân sách Nhà nước.

Chuẩn bị bước sang năm mới - năm 2025, một số Hiệp hội và doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm mong muốn Chính phủ tiếp tục duy trì một số chính sách tài khóa, giảm thuế, miễn thuế.

Trong báo cáo tổng hợp khảo sát doanh nghiệp được công bố vào giữa tháng 11/2024, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, đa số doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, phí, hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, không chỉ các chính sách, chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi bão Yagi được miễn giảm, gia hạn thuế từ 1-2 năm mà cả những chính sách khác như giảm 2% thuế VAT, các gói lãi suất ưu đãi sẽ được tiếp tục triển khai.

“Đây được coi là những giải pháp có tác động nhanh chóng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện đầu tư thêm vào nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”, báo cáo của Vietnam Report nêu.

Có nên tiếp tục các chính sách tài khóa mở rộng vào năm 2025?

Tại một hội nghị diễn ra vào giữa tháng 7/2024, ông Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Trong suốt 4 năm qua, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất lên tới gần 200.000 tỷ đồng mỗi năm.

that chat cac chinh sach tai khoa mo rong vao nam 2025 can nghien cuu tinh trang suc khoe cua doanh nghiep hinh 2

Doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm mong muốn Chính phủ tiếp tục duy trì một số chính sách tài khóa, giảm thuế, miễn thuế trong năm 2025. Ảnh: BLD

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã đến lúc cần phải thắt chặt điều hành chính sách tài khóa để tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Liên quan tới vấn đề có nên tiếp tục các chính sách tài khóa vào năm 2025 đang tạo ra các luồng ý kiến trái chiều. Các ý kiến không đồng tình cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp mới chỉ vực dậy không lâu sau đại dịch COVID-19, việc việc duy trì các chính sách tài khóa mở rộng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, đa phần các ý đều đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính về việc nên thắt chặt các chính sách tài khóa.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia về Tài chính đánh giá: Các chính sách tài khoá được thực hiện liên tục từ sau đại dịch COVID-19 cho đến nay là cố gắng nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển, đóng góp trực tiếp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới chính sách tài khoá có lẽ không cần tiếp tục phải mở rộng.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc đưa ra các chính sách tài khóa là để hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để nền kinh tế đi lên còn một số giải pháp khác.

“Thực tế nhiều năm nguồn lực tài chính không giải ngân hết, hằng năm vẫn phải chuyển nguồn, có năm chuyển nguồn đến 35%. Do đó, chỉ cần tập trung giải ngân theo kế hoạch là đã tạo ra động lực rất lớn”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa thực hiện đợt tăng lương mạnh, theo tính toán hành động này có thể góp phần tăng tổng tiêu dùng xã hội đâu đó từ 0,2 - 0,3%. Nếu tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng vì thế sẽ tạo áp lực lớn đến ngân sách những năm tiếp theo.

“Tôi cho rằng chúng ta cần từng bước thay đổi lại. Về ngắn hạn là điều chỉnh, giảm dần, nới lỏng chính sách tài khoá”, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường cho hay.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng: Trong chủ trương điều hành của Quốc hội dự kiến yêu cầu Chính phủ điều hành các chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt nhưng phù hợp với từng giai đoạn, từng sự kiện khác nhau để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Đây là khẩu hiệu rất rõ ràng của Quốc hội.

Để xác định có nên tiếp tục các chính sách tài khóa trong năm 2025 hay không, ông Tân cho rằng cần phải nghiên cứu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp.

“Để làm được điều này, chúng ta cần căn cứ vào thực tiễn, nếu doanh nghiệp còn “yếu” thì tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, trong đó có nhóm chính sách tài khóa. Nếu doanh nghiệp định ổn định rồi thì thôi, chúng ta nên dành ngân sách cho các kế hoạch dài hơn”, ông Tân nói.

Tuy nhiên, ông Tân cho rằng, ngay cả khi doanh nghiệp vẫn cần sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ cũng cần cẩn trọng.

“Hiện nay đang nảy sinh ra vấn đề doanh nghiệp sướng quen rồi khổ không chịu được, tức là các doanh nghiệp hiện đang được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế nhưng khi các chính sách này dừng lại có thể tạo ra phản ứng trong xã hội”, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước nói.

Vì vậy, ông Tân nhìn nhận việc dừng các chính sách tài khóa là điều sớm hay muộn, nhưng cũng cần tính toán thận trọng phù hợp với thực tiễn, không làm máy móc.

Thực tế, năm 2023, Chính phủ dự kiến sẽ không miễn giảm một số loại thuế, phí, tuy nhiên tình hình kinh tế tại thời điểm đó không được như mong muốn, vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng một số chính sách tài khóa.

“Điều này cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã rất linh hoạt trong việc sử dụng các chính sách tài khóa, không khuôn phép, không rập khuôn. Vì vậy, năm 2025 có tiếp tục hay không còn chờ vào tình hình thực tế”, ông Tân nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Long, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam mong muốn tiếp tục các chính sách tài khóa trong năm 2025.

Trong trường hợp ngược lại, nếu các chính sách này không được gia hạn trong năm 2025, ông Long mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành phát “tín hiệu” để doanh nghiệp có sự chuẩn bị từ trước.

“Cá nhân tôi mong muốn tiếp tục duy trì hỗ trợ giảm thuế trong năm 2025. Tuy nhiên, các chính sách này không nên kéo dài, nếu kéo dài sẽ tạo thành thói quen, không tạo được động lực cho kinh tế phát triển. Dù vậy, trong trường hợp dừng hỗ trợ, Chính phủ, bộ ngành cần phải phát tín hiệu để doanh nghiệp có sự chuẩn bị”, ông Long nhấn mạnh.

Việt Vũ

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thắt chặt các chính sách tài khóa mở rộng vào năm 2025: Cần nghiên cứu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO