“Ngay trong giai đoạn cách ly xã hội, Giovanni Group vẫn bảo đảm đạt được 50% doanh thu so với thời điểm bình thường mở toàn bộ hệ thống. Thậm chí trong giai đoạn dịch bệnh, nhân viên của Giovanni Group còn làm cật lực hơn những ngày thường. Gần ½ nhân viên công ty còn phải “tăng ca”, vừa phòng chống dịch, vừa làm xuyên cả ngày thứ 7 và Chủ nhật để thực hiện được các đơn hàng cấp bách…”. Đây là chia sẻ của Chủ tịch Giovanni Group Nguyễn Trọng Phi khi nhớ lại thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp ở Việt Nam vào tháng 4/2020.

Thời điểm lúc đó, nhiều doanh nghiệp may mặc, bán lẻ đã phải đóng cửa hàng, tạm ngưng mọi hoạt động, thậm chí là phải cho đa số nhân sự nghỉ việc không lương… và “ngủ đông”. Nhưng Giovanni Group lại có những thay đổi mang tính “lịch sử”, điều này không chỉ giúp công ty “tồn tại” được mà còn mở ra cơ hội, cũng như là tiền đề để công ty tiếp tục thực hiện tham vọng tham gia sâu vào chuỗi cung cứng toàn cầu cho việc sản xuất các mặt hàng cao cấp xuất khẩu cho các thương hiệu thời trang quốc tế.

Chủ tịch Giovanni Group Nguyễn Trọng Phi đã có những chia sẻ với báo Nhà báo & Công luận về những quyết định thay đổi mang tính “chiến lược” trong hoạt động, sản xuất trong mùa dịch, cũng như kỳ vọng đưa thương hiệu Giovanni vươn tầm thế giới…

+ Có lẽ giai đoạn vừa qua là một cú “sốc” lớn đối với ngành may mặc, da giày, bán lẻ, khi các công ty gần như không có đầu vào và đầu ra, doanh số hầu hết sụt giảm lên tới hơn 80%. Tôi đã đọc lời “hiệu triệu thư” của ông, có lẽ Giovanni Group đã trải qua giai đoạn “thời chiến” như nhiều thương hiệu khác?

- Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Giovanni Group cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng, doanh số các mặt hàng liên tục sụt giảm từng ngày. 

May mắn hơn, cùng lúc này, chúng tôi đã dịch chuyển sang hoạt động sản xuất khẩu trang, nhờ đó đã “kéo” lại được không ít doanh thu.

Sau lô hàng đầu tiên cung cấp cho một số đơn vị trong nước, thì cũng là lúc Giovanni Group tham gia vào chuỗi các nhà sản xuất vải, nhà may, gia công.

Một mặt chúng tôi tìm kiếm những hợp đồng trong nước và ngoài nước, mặt khác tìm kiếm những nhà máy có thể sản xuất với số lượng lớn để đáp ứng được về số lượng sản phẩm lên tới hàng triệu chiếc. Đơn cử như khẩu trang kháng khuẩn, chống giọt bắn 4 lớp hiện nay của Giovanni, mỗi lớp phải do một nhà máy dệt thực hiện, sau đó sẽ có đơn vị gia công theo đúng thiết kế. Qua đó, bên cạnh việc cung cấp cho thị trường trong nước, chúng tôi đã tìm hướng đưa mặt hàng khẩu trang sang thị trường Mỹ, châu Âu.

+ Theo tôi được biết, để xuất khẩu được khẩu trang sang nước ngoài, sản phẩm phải đạt nhiều tiêu chí, kiểm định chất lượng của một số tổ chức?

- Đúng là vậy, mặc dù Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp làm khẩu trang y tế, kháng khuẩn, nhưng lúc đó lại gặp một vướng mắc lớn, đó là khi muốn xuất sang thị trường châu Âu thì phải có các chứng nhận về chất lượng. Mà trên thế giới chỉ có khoảng 4 tổ chức được châu Âu chỉ định được phép chứng nhận cho các vật tư y tế. Do đó có nhiều lô hàng khẩu trang của Việt Nam đã không nhập khẩu vào được châu Âu và có thể mất nhiều thời gian để có được chứng nhận.

Chúng tôi đã nhìn thấy sự bất cập đối với vấn đề này. Do mặt hàng khẩu trang chỉ mang tính “thời điểm”, nếu chậm thì rất có thể lô hàng sẽ không đáp ứng được yêu cầu của đối tác. 

Mặt khác, dân châu Âu ngày trước vốn không quen sử dụng khẩu trang vải, chỉ sử dụng khẩu trang y tế. Nhưng do những quy định khắt khe để được nhập khẩu khiến lượng khẩu trang y tế trở nên khan hiếm, lúc này khẩu trang vải mới được nhiều người sử dụng. Thế nhưng muốn nhập khẩu với khả năng phòng dịch thì vẫn phải có chứng

+ Khẩu trang của Giovanni Group đã “vượt” qua khâu kiểm định như thế nào?

- Chúng tôi nhận thấy thị trường châu Âu lúc này đang rất cần khẩu trang để phòng dịch, nhưng để “chạy” theo thủ tục thì mất quá nhiều thời gian, cho nên chúng tôi quyết định đàm phán với khách hàng từ châu Âu và nhận được sự đồng ý từ phía họ.

Tức là chúng tôi vẫn cung cấp các sản phẩm đúng chất lượng là khẩu trang y tế, việc đánh giá kiểm định sẽ do một đơn vị khác thực hiện và báo cáo với khách hàng. Còn khi xuất khẩu, khách hàng sẽ yêu cầu lô hàng chỉ cần mang “mác” khẩu trang vải thông thường, cho nên không cần giấy chứng nhận chất lượng để nhập khẩu vào nước của họ, bởi khẩu trang vải thì không cần các chứng nhận quá nhiều. Thực ra chúng tôi cung cấp cho khách hàng những sản phẩm vượt hơn cả sự mong đợi của họ.

+ Vậy là chỉ bằng cách này, Giovanni Group đã giải quyết được vấn đề mà nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang “đau đầu” khi muốn đưa hàng vào châu Âu?

- Rất may là chúng tôi đã tham gia vào thị trường khẩu trang sớm, và là một trong những đơn vị có dấu ấn trong việc cung cấp khẩu trang trong nước cũng như hiện tại là xuất khẩu.

Tôi vẫn nhớ lô hàng khẩu trang đầu tiên của Giovanni Group, chúng tôi dành một phần để tặng cho các đối tác ở nước ngoài. Thế nhưng, chính các đối tác lại chủ động đặt mua khẩu trang để phân phối tại thị trường nước họ.

Mặt khác, chúng tôi mang sản phẩm khẩu trang đến tặng cho các sứ quán để họ sử dụng, kiểm định chất lượng xem có phù hợp với nước của họ hay không. Nhờ đó, chúng tôi cũng nhận được khá nhiều đơn hàng.

Rồi chúng tôi nhận cả những đơn hàng lẻ, chỉ khoảng vài chục nghìn cái cho các đơn vị trong nước để làm quà tặng sang nước ngoài, mang đi viện trợ… cứ như vậy sản phẩm khẩu trang của Giovanni cứ len lỏi theo nhiều đường, mang lại một nguồn thu nhất định về doanh thu.

Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng phát huy hết tối đa các hoạt động của công ty, nó cũng đã mang lại những giá trị không nhỏ. Nhờ đó, trong đợt dịch vừa qua, tổng doanh thu của Giovanni Group ước lượng chỉ sụt giảm khoảng 50% so với thời điểm bình thường.

+ Vậy sản xuất khẩu trang chỉ là một trong những phương án của Giovanni Group?

- Đúng vậy, ngay khi Việt Nam có trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, chúng tôi đã định hướng lại và nhận định, dịch chắc chắn sẽ bùng phát rất nhanh với quy mô toàn cầu. Ngay khi có thông tin châu Âu bắt đầu “chớm” có dịch là Giovanni Group đã lên kế hoạch bảo đảm cho công ty có thể tồn tại được.

Đầu tiên là phải cấu trúc lại nhân sự, tiến tới khi dịch bệnh khó kiểm soát là phải hướng tới cho nhân viên làm việc ở nhà, những vẫn bảo đảm họ có một mức thu nhập sống được. Thậm chí còn tính đến phương án làm một ngày, nghỉ một ngày, còn với nhà máy cũng phải tính đến việc duy trì hoạt động ở mức độ hợp lý nhất để giữ được các công nhân có tay nghề cao.

May mắn hơn là cũng trong dịp này, Giovanni Group đã và đang thực hiện việc đưa mô hình bán hàng sang online. Đây là kế hoạch đã được tính toán và chú trọng từ năm trước. 

Mặt khác, khi Giovanni chuyển dịch sang mặt hàng khẩu trang và có các hợp đồng từ đối tác, cũng là lúc nhân viên của công ty còn làm việc cật lực hơn ngày thường. 

Có giai đoạn ½ nhân viên của công ty phải “tăng ca” làm cả ngày thứ 7 và Chủ nhật kết hợp với phòng dịch, chống dịch một cách nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Với số lượng hàng triệu chiếc khẩu trang, chúng tôi phải triển khai cùng lúc gần chục nhà máy ở các địa bàn rất xa để thực hiện các công đoạn trong quá trình làm khẩu trang: 3 nhà máy dệt ở Nam Định, 2 nhà máy may ở Nghệ An, 1 nhà máy may ở Thanh Hóa, 1 nhà máy ở Bắc Giang, Phú Thọ, Hưng Yên… Bởi vì Giovanni Group chịu trách nhiệm về thiết kế, chất lượng, cho nên chúng tôi phải “rải quân” ra khắp các nhà máy để kiểm soát việc thực hiện các đơn hàng đang đòi hỏi cấp bách… Do đó, ngay cả thời điểm được cho là “thiệt hại” nhất với các doanh nghiệp là thời gian giãn cách xã hội thì doanh thu vẫn đạt được 50% so với ngày thường.

Còn bây giờ, từ khoảng hơn hai tuần sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm trong nước đã dần trở về bình thường, cho nên doanh thu của chúng tôi cũng đã trở lại gần so với thời điểm chưa ảnh hưởng bởi dịch. Mặc dù doanh số không bằng với cùng kỳ năm trước, nhưng đã rất tốt hơn so với các đơn vị khác cùng ngành, nghề trong thời điểm hiện tại.

+ Giovanni Group có kế hoạch gì trong thời gian tới?

- Trong thời điểm vừa qua, có rất nhiều đơn vị đang dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Chúng tôi nhận định, đây chính là thời điểm khá thuận lợi, khi Giovanni Group đã hoàn thiện việc chuẩn bị cho dự án xây nhà máy mới ở Vĩnh Phúc. 

Bởi khi dịch bệnh được kìm hãm ở các nước châu Âu thì thời điểm đó chính là cơ hội cho Giovanni có hướng đi mới: tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng việc sản xuất các mặt hàng cao cấp xuất khẩu cho các thương hiệu thời trang quốc tế. 

Đây sẽ là nhà máy sản xuất đồ da có quy mô lớn ở Việt Nam, tiến tới sẽ tạo dựng được thương hiệu trên thế giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã bắt đầu nhận thấy có những “tín hiệu” để có thể đón chuỗi dịch chuyển, khi có nhiều đối tác đã liên lạc, nhưng do dịch bệnh cho nên chưa triển khai được. Nhưng có một điều khá chắc chắn là, sau khi hết dịch, những đối tác đang có hợp tác sản xuất tại Trung Quốc như Mỹ và một số nước châu Âu rất muốn dịch chuyển sang Việt Nam. 

Đây là cơ hội lớn, không chỉ là những hợp tác mà còn đưa thương hiệu Giovanni Group vươn ra tầm quốc tế.