Xã hội

Thay đổi lớn về học phí, triệu gia đình nhẹ gánh nặng tài chính

Văn Hiền 03/07/2025 09:07

(CLO) Dự thảo Nghị định học phí mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) không chỉ giữ ổn định mức thu ở mầm non, phổ thông mà còn mở rộng diện miễn, giảm cực sốc, trực tiếp giúp hàng triệu phụ huynh trút bỏ gánh nặng tài chính.

Bao lâu nay, câu chuyện học phí vẫn luôn là nỗi trăn trở và là "cơn đau đầu" của hàng triệu gia đình. Thấu hiểu những lo toan của phụ huynh, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định mới sẽ kế thừa quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và cập nhật, bổ sung quy định của Luật Giá 2023.

hs.jpg
Dự thảo Nghị định mới của Bộ GDĐT đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục, góp phần nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cho mọi đối tượng.

Theo Bộ GD&ĐT, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục về quá trình triển khai Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, đa số đánh giá khung học phí hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, gia đình và người học.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm, hỗ trợ học phí cũng như ổn định tâm lý xã hội, Bộ GD&ĐT đề xuất giữ nguyên mức sàn và trần học phí năm học 2025–2026 bằng mức của năm học 2022–2023, áp dụng theo từng mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập.

z6764015185569_00d1634030561a063dbef8b35d1c5bec.jpg
Cụ thể, mức học phí của cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau (đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng)
  • Đối với cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí dao động từ 50.000 đến 650.000 đồng/học sinh/tháng tùy từng cấp học và vùng miền.
  • Cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên: được phép thu tối đa gấp 2 lần mức trần của cơ sở chưa tự bảo đảm.
  • Cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được phép thu tối đa gấp 2,5 lần mức trần tương ứng.

Từ năm học 2026–2027 đến 2035–2036, mức trần học phí sẽ được điều chỉnh không quá 7,5% mỗi năm, theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng chi trả của người dân, nhằm tiệm cận mức tính đủ chi phí đào tạo vào năm học 2035–2036.

Sau năm học 2036–2037, mức trần học phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội địa phương, nhưng không vượt quá tỷ lệ tăng của CPI so với cùng kỳ năm trước.

Giáo dục đại học: Học phí điều chỉnh theo kiểm định và tự chủ

Bộ GD&ĐT cũng đề xuất mức trần học phí mới đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, bắt đầu từ năm học 2025–2026. Ngành Y dược tiếp tục có mức học phí cao nhất do chi phí đào tạo đặc thù.

z6764047419734_81ca7912a32bdb62513d96ef5b39baa2.jpg
Ngành Y dược cao nhất 3,5 triệu đồng/tháng.
  • Cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên: được thu tối đa gấp 2 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự bảo đảm.
  • Cơ sở tự bảo đảm cả chi thường xuyên và chi đầu tư: được thu tối đa gấp 2,5 lần mức trần tương ứng.

Đối với chương trình đào tạo đã đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế, các trường được quyền tự quyết mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, bảo đảm công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người học.

Dự thảo Nghị định mở rộng đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm và hỗ trợ học phí từ năm học 2025–2026, cụ thể:

  • Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi học tại cơ sở công lập: được miễn học phí.
  • Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi học tại cơ sở dân lập, tư thục: được Nhà nước hỗ trợ học phí, mức cụ thể do HĐND cấp tỉnh quyết định.
  • Học sinh tiểu học tại cơ sở tư thục: cũng được hỗ trợ học phí theo quyết định của địa phương, mở rộng so với quy định hiện hành.
  • Học sinh THPT tại cơ sở công lập: được miễn học phí toàn phần; nếu học tại tư thục, được hỗ trợ học phí theo khung Chính phủ.

Bên cạnh đó, dự thảo kế thừa quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về miễn học phí đối với người học ngành, nghề đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như người học thuộc các đề án, chương trình ưu tiên của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

dt2.jpg
Từ năm học 2025–2026, trẻ em dưới 5 tuổi học tại trường công lập sẽ được miễn học phí, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về an sinh giáo dục.

Việc giữ nguyên khung học phí phổ thông và điều chỉnh học phí đại học theo mức độ tự chủ và kiểm định chất lượng là chủ trương nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, đồng thời đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân.

Đề xuất lần này của Bộ là bước đi thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng chi trả của người dân và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thay đổi lớn về học phí, triệu gia đình nhẹ gánh nặng tài chính
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO