(CLO) Đó là câu hỏi của ĐBQH Bùi Thị An tại Diễn đàn "Cơ sở khoa học của việc tính giá điện" vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong câu hỏi này, dường như đã có câu trả lời. Và rõ ràng việc điều chỉnh giá điện phải tuân theo quy định của Luật Giá và Luật Điện lực, trong đó cần tập trung vào cả quyền của người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc điều chỉnh giá điện mới chỉ tập trung vào quyền của EVN mà chưa tập trung vào quyền của người dùng.
Hiện nay, cơ chế độc quyền điện của EVN còn mâu thuẫn lớn với cơ chế thị trường về hoạt động điện lực và giá điện. Bên cạnh đó, còn nhiều tồn tại xung quanh vấn đề công khai và minh bạch giá. Liệu giá điện đã phản ánh đầy đủ cơ chế thị trường và trong giá điện có phần nào người tiêu dùng đã phải gánh chịu, đã phải trả cho quản lý kinh doanh kém hiệu quả của ngành điện không?
T.S Ngô Đức Lâm - Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam nhẩm tính ra hàng loạt các chi phí được tính vào giá điện đầu vào như khấu hao, nguyên nhiên vật liệu, lương thưởng, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, chi phí phát triển khách hàng... Điều đáng nói là chỉ có khấu hao và định mức lương là do Nhà nước quy định, còn lại hoàn toàn do ngành điện tự quyết.
Về mức tiêu hao nhiên liệu tại các lò đã sử dụng công nghệ PC ở nước ta hiện nay từ 560 g/KWh - 700 g/KWh, đối với các nhà máy mới đưa vào vận hành cũng trên 450 g/KWh trong khi mức của thế giới chỉ 380 g/KWh. Và tất cả đều được cộng vào giá thành.
[caption id="attachment_53754" align="aligncenter" width="450"]
"Nếu các chi phí đầu vào không đúng, chưa hợp lý, hợp lệ, lại do EVN tự quyết định thì sẽ dẫn tới giá thành không thực và nếu vậy, người tiêu dùng sẽ bị thua thiệt", TS. Lâm chia sẻ.[/caption]
Các văn bản nhà nước hiện đang tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp ngành điện. Các quy định có lợi cho EVN nhưng dẫn đến bất lợi trong quá trình cạnh tranh. Bản chất của câu chuyện giá điện là "Anh tính lợi nhuận cao sản xuất kiểu gì cũng có lãi nhưng lại làm thui chột tính phấn đấu giảm giá thành", T.S Lâm nhấn mạnh.
Tài sản của ngành điện là khối tài sản cực lớn (nhiều chục tỷ USD) đã được nhà nước giao cho EVN quản lý. Công tác quản lý về khoa học kỹ thuật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp cho việc bảo toàn vốn có kết quả và khai thác vốn có hiệu quả. Đồng thời, cũng ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của nhân dân, những khách hàng tiêu dùng sản phẩm của EVN thông qua giá thành sản xuất điện năng.
Nhưng, về sự minh bạch giá điện, ngay cả những nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan tới cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng phải “bó tay”, không hiểu rõ và nói rõ được, còn người dân luôn trong hoàn cảnh lo ngại về năng suất lao động của ngành điện thấp khiến người dùng phải chịu hậu quả thay.
Hàng loạt câu hỏi đã được ĐBQH Bùi Thị An đưa ra: “Ngay cả khâu đầu vào trong quá trình tính giá điện cũng đã minh bạch chưa? Lúc EVN nói lỗ, lúc nói lãi, vậy lỗ thì Nhà nước bù hay dân phải chịu. Con phụ thuộc bố mẹ, bố mẹ nghèo thì con nhịn ăn nhưng sao EVN lỗ mà cán bộ nhân viên thu nhập lại khá?”
GS.TS Nguyễn Quang Thái, Hội khoa học Kinh tế Việt Nam cũng thẳng thắn chia sẻ: “Giờ bàn về cơ sở khoa học khi tính giá điện là ảo tưởng bởi thời điểm này giá điện vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy dân bức xúc như thế nào”?
Trong bối cảnh Bộ Công Thương luôn đóng vai trò giải thích và Quốc hội luôn dừng lại ở việc đặt ra các câu hỏi thì có được đáp án là việc vô cùng khó khăn!
Giang Phan