Kinh tế

Thể chế đã mở, giờ là lúc ‘mở’ con người, cần đặt KPI cho cán bộ

Việt Vũ 26/05/2025 17:37

(CLO) Đã đến lúc, Việt Nam cần phải có KPI đối với từng người cán bộ, từng người công chức.

Chờ đợi những giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 68

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết, kinh tế tư nhân là chủ đề mà bà đã theo đuổi nhiều năm.

Dưới góc độ nghiên cứu, TS Trần Thị Hồng Minh ghi nhận những thay đổi tích cực về thể chế trong thời gian qua, từ việc ban hành các đạo luật quan trọng, trong đó có hình thức “một luật sửa nhiều luật”, đến các chủ trương mang tính chiến lược như Nghị quyết 10 vào năm 2017.

Bà Trần Thị Hồng Minh
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. (Ảnh: BTCSK)

Ngược về thêm nữa, trải dài từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986 cho đến nay đều có các nội dung liên quan tới phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở các mức độ tăng dần sự khẳng định.

Đến Nghị quyết 68 ngày 4/5/2025 vừa qua, gần như đã khẳng định ở mức độ tuyệt đối rằng khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Sự ghi nhận này không phải là sự ưu ái, mà xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan. Khu vực kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế.

Trung bình trên thế giới, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế bình quân ở mức là 84% GDP. Riêng tại Mỹ, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế lớn hơn, ở mức 89% GDP.

Trong khi tại Việt Nam, con số này hiện mới ở khoảng trên dưới 50%. Chính vì thế, đây là một thực tiễn và một yêu cầu tất yếu trong cái sự phát triển của đất nước.

“Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 vừa qua là hết sức kịp thời để củng cố và khẳng định nhận thức đó”, bà Minh nói.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam đã thành công ở vế đầu tiên, là tất cả hệ thống chính trị-xã hội đã và đang thừa nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế. Dù vậy, vấn đề còn lại, đó là việc Việt Nam sẽ thể chế hóa Nghị quyết này như thế nào để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

“Câu chuyện ở đây sẽ là tháo gỡ vấn đề thể chế bởi vì thể chế có tốt thì các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể thực thi tốt và doanh nghiệp hay người dân mới có thể tuân thủ tốt. Nhưng nếu thể chế không tốt thì bản thân cái thể chế đó sẽ trở thành lực cản, triệt tiêu các động lực phát triển của nền kinh tế. Nếu chúng ta không xây dựng được thể chế tốt thì đó là chúng ta đang bỏ lỡ, bỏ phí những nguồn lực”, bà Minh nhấn mạnh.

Đề xuất đặt KPI cho cán bộ, công chức

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, có một vấn đề cần lưu ý, đó là câu chuyện thực thi cần triệt để hơn. Bà Minh nhấn mạnh, một thể chế tốt nhưng thực thi không hiệu quả thì cũng không tạo ra chuyển biến.

Bà Minh nhận định, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhưng cần làm quyết liệt hơn, đặc biệt là ở khâu con người, đội ngũ cán bộ, công chức.

“Chúng ta sẽ phải có KPI đối với từng người cán bộ, từng người công chức như thế nào đó để người dân đánh giá là anh đã thực thi đúng cái chính sách của anh chưa, đã phục vụ người dân, đã phục vụ doanh nghiệp một cách thực sự phù hợp với trách nhiệm của anh chưa”, bà Minh nói.

TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Nếu Việt Nam thực hiện được cái cốt lõi, đó là trách nhiệm của người cán bộ công chức, người phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp một cách tốt hơn thì chắc chắn tất cả các Nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống hiệu quả hơn.

“Và đặc biệt, đối với Nghị quyết 68 - một nghị quyết hết sức quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực mà chúng ta đã khẳng định đó là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế - thì việc khâu cuối cùng là khâu con người, cán bộ công chức tiếp xúc với doanh nghiệp, doanh nhân được cải thiện thì sẽ là điều mà tôi cho rằng là đóng góp vào sự thành công của Nghị quyết”, bà Minh nêu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thể chế đã mở, giờ là lúc ‘mở’ con người, cần đặt KPI cho cán bộ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO