Thế giới 2018: Chia rẽ trong những toan tính chiến lược

Thứ ba, 01/01/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những gì vừa diễn ra trên bàn cờ chính trị thế giới năm 2018 vừa qua cho thấy thế giới chia rẽ ngày càng mạnh bởi những toan tính chiến lược, những xung đột lợi ích, chủ yếu giữa các “ông lớn”, vẫn chẳng dễ dàng được hóa giải.

Xung đột Nga - Ukraine: “Thùng thuốc nổ” bị kích hoạt

Báo Công luận
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tiếng súng trên eo biển Kerch ngày 25/11 đã kích hoạt mối quan hệ tựa như “thùng thuốc  nổ” suốt nhiều năm qua giữa Nga - Ukraine. Sự việc đã khiến Moscow và Kiev liên tiếp đưa ra những cáo buộc giận dữ dành cho nhau. Theo tuyên bố của Nga, các tàu nước này buộc phải nổ súng để ngăn tàu Hải quân Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga trái phép trên Biển Đen. 3 ngày sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định lực lượng Nga đã làm đúng khi bắt giữ 3 tàu Ukraine, “họ đang hoàn thành trách nhiệm hợp pháp của họ là bảo vệ biên giới Nga” và rằng vụ việc đã được Kiev dàn dựng như một “hành động khiêu khích”. Trong khi đó phía Ukraine tuyên bố hành động nổ súng và bắt giữ các tàu chiến của họ hành động “điên rồ và vô căn cứ”, “hiếu chiến”. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngay sau đó đã cảnh báo về mối đe dọa “chiến tranh toàn diện”, đồng thời ký lệnh thiết quân luật trong 30 ngày tại khu vực giáp Nga, Biển Đen và Biển Azov. Thấy rõ ngay một xung đột quốc tế mới có thể sẽ hình thành, chỉ một ngày sau cuộc đụng độ trên eo biển Kerch, HĐBA LHQ đã nhóm họp phiên khẩn cấp đặc biệt với chủ đề nghị sự duy nhất là “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử “cơm không lành canh không ngọt” giữa Nga - Ukraine suốt nhiều năm qua, nhất là năm 2014 bán đảo Crimea được sáp nhập từ Ukraine vào lãnh thổ Nga thì mối quan hệ Nga - Ukraine như ngọn núi lửa chỉ chực chờ bùng phát và theo giới quan sát, kể cả khi vụ đụng độ này lắng xuống thì cũng không thể khẳng định quan hệ hai nước sẽ tốt hơn hay được cải thiện. Cuộc chiến Nga - Ukraine vì thế, vẫn sẽ còn diễn tiến dai dẳng.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Sẽ chẳng ai là người thắng cuộc…

Tối ngày 1/12/2018, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng là ngày diễn ra sự kiện được mong đợi nhất: cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trái với những dự đoán đầy sự quan ngại trước đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders xác nhận trước báo giới rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận đình chiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hai nước sẽ không áp thuế bổ sung nhằm vào nhau kể từ ngày 1/1/2019, thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25%. Tuy nhiên, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày, mức thuế sẽ được nâng lên 25%. Bên cạnh đó, rất nhiều mỹ từ: rất tốt, rất hạnh phúc, rất đặc biệt… đã được truyền thông Mỹ - Trung đưa ra để mô tả về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, không khó để nhận ra tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh thương mại này, thì sự thỏa thuận trên mới chỉ là bước khởi đầu, việc hạ nhiệt căng thẳng song phương là cả một hành trình rất dài và không dễ để vượt qua bởi còn đó vô số những bất đồng. “Không có một con đường dễ dàng ngay cả để sự chấm dứt sự thù địch ở giai đoạn này, đừng nói là đảo ngược sự thù địch” -  ông Eswar Prasad, cựu Giám đốc Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, xét đến tận cùng: “Không ai là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này cả”. Câu nói điển hình của các chuyên gia kinh tế về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là nhận định chân xác nhất về cuộc chiến này. Không những Trung Quốc chịu nhiều tổn thất mà chính nước Mỹ, những thiệt hại phải gánh chịu không phải là ít. Các chuyên gia ước tính một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất gần 0,5% GDP. Chưa kể, hệ lụy của cuộc đối đầu Mỹ - Trung với nền kinh tế, địa chính trị toàn cầu không phải là nhỏ. Thực sự, Chiến tranh thương mại sẽ là “thảm họa cho tất cả” - đúng như tuyên bố thẳng thắn của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới năm 2018 được xem là diễn ra tại Yemen. Cuộc xung đột 3 năm qua ở quốc gia Trung Đông này đã khiến ít nhất 10.000 người dân vô tội đã thiệt mạng và khoảng 14 triệu người, tức một nửa dân số Yemen, có thể sẽ sớm phải phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ để sống sót. LHQ từng cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Yemen từ năm 2017, nhưng theo Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ Mark Lowcock, tình hình giờ đây “nghiêm trọng hơn rất  nhiều”.

 

Chông chênh quan hệ Nga - Mỹ

Báo Công luận
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một mối quan hệ  tốn nhiều giấy mực nữa của báo giới trong năm 2018 vừa qua là mối quan hệ Nga - Mỹ. Những quan điểm trái chiều trong nhiều vấn đề kinh tế chính trị, đặc biệt những cáo buộc qua lại về việc Mỹ áp đặt cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc và vụ tấn công hóa học tại Syria… đã khiến mối quan hệ Mỹ - Nga được đánh giá là trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Tháng 4/2018, cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào chính phủ Syria đã được phía Nga nhìn nhận là đã “tiêu hủy chút tin cậy lẫn nhau cuối cùng còn lại giữa Nga và Phương Tây”. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16/7 được đánh giá là “thành công ngoài mong đợi”, được kỳ vọng là sẽ “sưởi ấm” dần mối quan hệ đang ngày càng nguội lạnh, rằng hai bên có thể cùng sánh bước bên nhau cùng giải quyết nhiều vấn đề “nóng”. Tuy nhiên, sự ấm lên đâu chả thấy, chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc họp thượng đỉnh, sự căng thẳng Nga - Mỹ đã gia tăng theo cấp số nhân khi Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt sau khi kết luận rằng Moskva đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc một cựu điệp viên Nga cùng với con gái của ông này hồi đầu tháng 3 tại Anh. Kèm với đó là việc Mỹ và phương Tây tiến hành “hành động tập thể” chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moskva là trục xuất về nước ồ ạt hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 nước, trong đó có 60 nhà ngoại giao làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, về phần mình, phía Moskva cảnh báo coi việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga là một tuyên bố chiến tranh kinh tế. Cuộc đối đầu Nga - Ukraine vào những tháng cuối năm tiếp tục đẩy mối quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng hơn nữa. Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại G20 ở Argentina đã được thu xếp công phu trước đó nhiều tháng tuy nhiên đã bị hủy cũng bởi chính từ nguyên do này. Sự đồng hành, “cùng sánh bước bên nhau vì tương lai tươi sáng” của hai cường quốc hàng đầu thế giới là điều nhân loại cùng mong mỏi, bởi sức ảnh hưởng lớn của mối quan hệ này tới tình hình địa chính trị toàn cầu, tuy nhiên, giữa mong muốn và hiện thực bao giờ cũng là khoảng cách lớn.

 

Nếu năm 2017 vừa được đánh giá là năm an toàn nhất trong lịch sử hàng không thì năm 2018 vừa qua đã chứng kiến hàng loạt thảm kịch hàng không kinh hoàng. Vụ máy bay của hãng hàng không tư nhân Lion Air, chở 189 người rơi xuống biển Java ngày 29/10 đánh dấu thảm kịch tai nạn hàng không tồi tệ nhất trong năm 2018. Vụ tai nạn tồi tệ thứ 2 xảy ra hồi tháng 5 khi máy bay của Cuba gặp nạn khiến 112 người thiệt mạng. Tính đến thời điểm đầu tháng 11, tổng cộng có 551 người đã thiệt mạng trong 14 vụ tai nạn hàng không thương mại chết người trên khắp thế giới trong năm 2018. Indonesia được xem là mảnh đất tử thần với ngành hàng không khi từ năm 1991-2017, Indonesia chứng kiến tai nạn hàng không thường xuyên. Indonesia từng bị Liên minh châu Âu (EU) cấm bay trong năm 2007 vì lo ngại an toàn.

Nước Anh và hành trình Brexit quá đỗi gian nan

“Năm 2018 sẽ là năm khôi phục lại sự tự tin và niềm kiêu hãnh về đất nước chúng ta” - Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố như vậy trong thông điệp chào đón năm mới 2018. Tuy nhiên, nhìn lại những nỗ lực để có được cuộc “ly hôn” êm đẹp với EU mà bà May cùng nước Anh đã đi qua trong năm 2018, mới thấy hành trình lấy lại sự tự tin và kiêu hãnh và cả sự tự chủ cho nước Anh là không hề đơn giản. Để có được ngày 25/11 khi tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ), 27 nước thành viên EU thông qua các điều khoản của thỏa thuận Brexit với Anh, chấp thuận “cuộc ly hôn”, Anh và EU đã phải mất tới 17 tháng trời đàm phán liên tục và vô cùng căng thẳng. Và để có thể “danh chính ngôn thuận” chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, bản thỏa thuận dày hơn 585 trang này phải lọt qua cửa ải Quốc hội Anh. Chưa kể, hệ quả kinh tế với nước Anh sau Brexit không phải là nhỏ. Theo các chuyên gia, Brexit có thể sẽ gây ra sự bất ổn lên thị trường tài chính, đầu tư và giá trị đồng bảng Anh. Hoạt động thương mại của Anh có thể sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định, do nước này cần phải đàm phán lại từng thỏa thuận với hơn 50 nước đang có các thỏa thuận thương mại với EU. Bên cạnh đó, các lĩnh vực chế tạo ôtô, nông nghiệp và dịch vụ tài chính cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 3,3% vào năm 2020 và giảm 5,1% vào năm 2030… Tuy nhiên, với Thủ tướng Theresa May - người đã kêu gọi vận động “bằng cả con tim và khối óc” cho Brexit, tất cả những gian nan ấy sẽ chẳng là gì bởi niềm tin: “Đây là một thỏa thuận vì lợi ích của nước Anh, mang lại hiệu quả cho cả đất nước và toàn bộ người dân Anh. Đây cũng là một thỏa thuận cho một tương lai tương sáng hơn, giúp chúng ta nắm bắt các cơ hội ở phía trước”.

Báo Công luận
Brexit là một hành trình không dễ dàng với nước Anh.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều: Thắp lên ngọn lửa hy vọng

Có lẽ chưa có năm nào mà ngọn lửa hy vọng về một Triều Tiên thống nhất, về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh và hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên lại được thắp lên nhiều đến thế như trong năm 2018 này.  Ngay ngày đầu tiên của năm 2018 là bức điện mừng năm mới mà nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi tới Tổng thống Hàn Quốc với thông điệp cởi mở thể hiện sẵn sàng gửi đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018. Ngày 9/1, hai miền Triều Tiên lần đầu nối lại hoạt động đàm phán cấp cao sau hơn hai năm gián đoạn tại làng đình chiến Panmunjom. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là 3 Hội nghị thượng đỉnh liên triều. Ngày 27/4, trước sự vui mừng và mong đợi của người dân hai miền, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã gặp gỡ lần đầu tiên sau 11 năm tại làng đình chiến Panmunjom. Hai bên đã nhất trí phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Gần một tháng sau, ngày 26/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Panmunjom thuộc Khu phi quân sự liên Triều. Tháng 8, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lại một lần nữa được sưởi ấm với hai đợt đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 được tổ chức cuối tháng 8 sau 3 năm gián đoạn. Và ngày 18/9, Tổng thống Hàn Quốc đã tới Thủ đô Bình Nhưỡng và nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như toàn thể người dân Triều Tiên. Với việc ra Tuyên bố chung tháng 9, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tạo ra một trang sử mới trong quan hệ liên Triều. Ngọn lửa về khát vọng hòa bình, hòa hợp giữa hai miền nam bắc Triều Tiên đã được thắp sáng hơn. Tuy nhiên, bài học lịch sử cho thấy chưa thể quá lạc quan với những kết quả vừa đạt được. Nhưng dù sao, thắp sáng lên được ngọn lửa đã là điều hết sức quý giá và cuộc đời luôn cho phép ta mơ về những điều tốt đẹp nhất ở phía trước, dẫu biết rằng những diễn biến trên chính trường luôn là điều khó lường nhất.

Báo Công luận
Hai nhà lãnh đạo Hàn, Triều tại Bình Nhưỡng tháng 9/2018.

Quân đội riêng cho châu Âu: Kẻ vỗ tay, người lắc đầu

Nhân đúng thời điểm châu Âu đang trong tuần lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc thế chiến thứ 1 (11/1918 - 11/2018), hồi tưởng về những ngày tháng hào hùng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi xây dựng một “quân đội châu Âu thực sự” để bảo vệ chính mình. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1 ngày 6/11, Tổng thống Pháp Macron khẳng định: “Chúng ta sẽ không thể bảo vệ công dân châu Âu nếu chúng ta không quyết định có một đội quân riêng của châu Âu”. Tổng thống Macron cũng muốn quân đội châu Âu “độc lập” hơn đối với đối tác chiến lược ở bên kia Đại Tây Dương, cụ thể là Mỹ. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi của người đứng đầu điện Elysee là những luồng ý kiến trái chiều. 9 nước châu Âu là Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã bày tỏ sự hưởng ứng. Thủ tướng Đức Angela Merkel còn kêu gọi thành lập hội đồng an ninh châu Âu, với quan điểm: “Châu Âu chỉ có thể tự bảo vệ chính mình khi mạnh hơn”. Theo bà Merkel, việc thành lập quân đội châu Âu sẽ là sự bổ trợ cho khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) chứ không phải là để đe dọa sự tồn tại của Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker từ lâu cũng đã ủng hộ ý tưởng EU nên có khả năng phòng thủ, độc lập khỏi NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích và cho rằng điều này xúc phạm đến Mỹ. “Thật đáng hổ thẹn, nhưng có lẽ châu Âu trước hết nên tự chi trả phần đóng góp của mình ở NATO, nơi Mỹ đang trợ cấp rất nhiều”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter. Thực ra, ý tưởng có một lực lượng quân đội riêng, tách hẳn khỏi cái bóng của NATO và Mỹ của châu Âu thực ra là hoàn toàn dễ hiểu. Nhất là trong thời điểm hiện nay khi sự chèn ép của Mỹ, hay việc chính quyền Trump đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân JCPOA với Iran, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga… khiến châu Âu khó chịu. Dù vậy, tách được ra riêng hay không không hề là việc dễ dàng và một sớm một chiều với EU. Tài chính cũng là vấn đề không thể không bàn tới khi nền kinh tế EU nói chung mới chỉ phục hồi. Chưa kể một thực tế là kể từ khi thành lập NATO năm 1949, các nước châu Âu vốn đã quen có sự bảo trợ và lãnh đạo về quân sự của Mỹ suốt gần 70 năm nay. Chỉ có một thực tế hiển hiện là sự lo ngại của EU về cái bóng quá lớn mà nước Mỹ đang giằng ra là có thật và EU đang nỗ lực để giữ vị thế của mình.

Di cư - nỗi ám ảnh không chỉ của châu Âu

Báo Công luận
Dòng người di cư khổng lồ mong tìm đường tới nước Mỹ tháng 10/2018.

“Di cư chắc chắn là một trong những vấn đề lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên EU đến nay chưa tìm thấy giải pháp dài hạn thực sự nào để trả lời câu hỏi này”. Nhận định của ông Leopold Traugott - chuyên gia phân tích chính sách tại Open Europe chắc hẳn cũng là cái nhìn của đa số khi nhìn vào một trong những cuộc khủng hoảng gây đau đầu nhất lục địa già những năm gần đây. Theo thống kê của LHQ, chỉ trong bảy tháng đầu năm 2018, đã có gần 1.600 người chết trong hành trình vượt Địa Trung Hải vào EU, trung bình cứ 18 người thực hiện hành trình vào EU qua Địa Trung Hải, thì có một người thiệt mạng. Tình hình tồi tệ đến mức, nói như một quan chức của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), “vấn đề đặt ra hiện nay không còn là có thể kiểm soát được lượng người di cư hay không, mà là liệu có thể tập trung nỗ lực nhân đạo để cứu thêm nhiều người hay không”. Bên cạnh đó, thách thức với EU còn là việc bảo đảm an ninh, an sinh xã hội và giải quyết vấn đề với những người di cư đã đến châu Âu. Để giải tỏa bầu không khí nặng nề, ngày 24/6, 16 nước EU đã phải nhóm họp bàn bạc trong “cuộc họp thượng đỉnh hẹp”. Tuy nhiên, di cư không chỉ là vấn nạn làm đau đầu riêng EU. Tháng 10/2018, chính quyền Donald Trump đã choáng váng trước dòng người Honduras lên tới 3.000 người tìm đến Mỹ tìm cơ hội đổi đời. Cũng chính bởi sự choáng váng ấy mà ngày càng nhiều nước phản đối hoặc rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư. Hungary lý giải lý do rút lui của mình là vì thỏa thuận này tạo ra “mối đe dọa cho thế giới”. Slovakia cũng tuyên bố quốc gia này sẽ không bao giờ ủng hộ hay nhất trí với hiệp ước của LHQ về người di cư, đặc biệt, phản đối điều khoản không phân biệt người di cư hợp pháp hay bất hợp pháp vì quốc gia này coi những người di cư vì mục đích kinh tế là bất hợp pháp, gây tổn hại và là nguy cơ đe dọa an ninh với quốc gia đến. Trước sự quay lưng của nhiều nước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng bảo vệ hiệp ước này. Bà nhấn mạnh cuộc khủng hoảng người tị nạn đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề di cư trong bối cảnh quốc tế, và không quốc gia nào có thể làm điều đó một mình. Tuy nhiên, nói như Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres trong thông điệp ông đưa ra nhân Ngày Tị nạn thế giới 20/6: “Chừng nào còn chiến tranh và xung đột, khi đó vẫn còn người tị nạn. Vào Ngày Tị nạn thế giới, tôi xin nhắc các bạn nhớ những điều này. Chúng ta cần phải đoàn kết, có lòng thương và hành động”.

 

Khí hậu ấm lên trên quy mô toàn cầu được các nhà khoa học xem là nguyên nhân khiến năm 2018 trở thành “năm của những siêu bão”, với hàng loạt những cơn bão nhiệt đới với sức gió duy trì ở mức tối thiểu lên tới 185 km/h. Trong năm 2018, bốn cơn bão gồm Jelawat, Maria, Jebi và Mangkhut. Thậm chí có những thời điểm như trung tuần tháng 9/2018, thế giới phải cùng lúc chống chọi tới 7 cơn bão, trong đó có những cơn bão cực lớn như khu vực phía Bắc Biển Đông với siêu bão Mangkhut đến “quái vật” Florence ở Đại Tây Dương có sức gió lên đến gần 180 km/h. Dĩ nhiên, hậu quả mà những siêu bão này để lại thì hết sức khủng khiếp. Đơn cử như tại Mỹ, siêu bão Florence đã khiến 32 người bị thiệt mạng và gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD. Bên cạnh các siêu bão, nhắc đến những thảm họa thiên tai nặng nề nhất trong năm 2018 không thể không nhắc tới trận động đất, sóng thần xảy đến tối 28/9 tại Sulawesi, Indonesia. Tính tới thời điểm 12/10 khi Indonesia ngừng tìm kiếm nạn nhân, số nạn nhân thiệt mạng đã tăng lên 2.073 người. Bên cạnh đó có khoảng 2.500 người bị thương nặng, 8.130 người bị thương nhẹ và trên 5.000 người mất tích. Hay mưa lũ lịch sử tại Ấn Độ hồi đầu tháng 9 khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng. Những trận nắng nóng bất thường tại châu Âu hay Nhật Bản cũng là những minh chứng về hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo Công luận
Bão Florence tàn phá miền Đông nước Mỹ.

Hà Anh

baogiay

Tin khác

Xe buýt chở người đi Lễ Phục sinh rơi xuống vách đá, 45 người thiệt mạng ở Nam Phi

Xe buýt chở người đi Lễ Phục sinh rơi xuống vách đá, 45 người thiệt mạng ở Nam Phi

(CLO) Hàng chục tín đồ đã thiệt mạng sau khi một chiếc xe buýt đi dự Lễ Phục sinh lao xuống vách đá ở tỉnh Limpopo của Nam Phi vào thứ Năm (28/3).

Thế giới 24h
Chính phủ Mỹ giải ngân trước 60 triệu USD để xây dựng lại cây cầu bị sập ở Baltimore

Chính phủ Mỹ giải ngân trước 60 triệu USD để xây dựng lại cây cầu bị sập ở Baltimore

(CLO) Chính phủ Mỹ hôm thứ Năm (28/3) đã trao cho bang Maryland 60 triệu USD cứu trợ khẩn cấp liên bang để ứng phó với vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, một khoản giải ngân rất nhanh sau một thảm họa như vậy.

Thế giới 24h
Yếu thế trên chiến trường, ông Zelenskyy thúc giục Mỹ nhanh chóng viện trợ quân sự

Yếu thế trên chiến trường, ông Zelenskyy thúc giục Mỹ nhanh chóng viện trợ quân sự

(CLO) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói với Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong cuộc điện đàm hôm 28/3 rằng điều quan trọng là Quốc hội Mỹ phải nhanh chóng thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Kiev.

Thế giới 24h
Tòa án Thế giới ra lệnh cho Israel chấm dứt nạn đói ở Gaza

Tòa án Thế giới ra lệnh cho Israel chấm dứt nạn đói ở Gaza

(CLO) Ngày 28/3, Tòa án Thế giới đã nhất trí ra lệnh cho Israel thực hiện mọi hành động cần thiết và hiệu quả để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân Palestine ở Gaza, đồng thời ngăn chặn nạn đói lan rộng.

Thế giới 24h
Trùm lừa đảo tiền số Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù

Trùm lừa đảo tiền số Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù

(CLO) Ngày 28/3, Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX - bị kết án 25 năm tù vì tội lừa đảo 8 tỷ USD từ khách hàng của FTX.

Thế giới 24h