Tin tức

Thế giới hành động quyết liệt, Hà Nội cần học gì để 'giải cứu' không khí?

Minh Chí 16/07/2025 10:01

(CLO) Từ mô hình "vùng phát thải thấp" ở châu Âu đến chiến lược chuyển đổi xe điện của Trung Quốc, các đô thị lớn như Hà Nội cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để giảm ô nhiễm.

Bắc Kinh chuyển đổi xe điện, cấm xe cũ kỹ

Chia sẻ tại tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân thủ đô" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, thế giới đã chứng kiến vô số điển hình trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường, bao gồm cả ô nhiễm không khí. Một trong những minh chứng rõ nét và gần nhất chính là Bắc Kinh (Trung Quốc).

media.congluan.vn-files-content-2022-05-24-_tac-duong_12-10101683.jpg
Hà Nội cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để giảm ô nhiễm.

Cách đây hơn một thập kỷ, thủ đô Trung Quốc từng nổi tiếng với mức độ ô nhiễm không khí báo động, thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực phi thường từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, chất lượng không khí tại Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm từ các nguồn giao thông đã được giải quyết một cách triệt để.

Ông Tùng chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, cũng như Hà Nội, đều xuất phát từ các cơ sở sản xuất, giao thông và hoạt động dân sinh. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vấn đề giao thông.

"Bắc Kinh đã có những bước chuyển đổi rất lớn. Ví dụ, họ quyết tâm chỉ trong 1-2 năm chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện, rất nhanh và rất quyết liệt, giống như Chỉ thị 20 của chúng ta", ông Tùng phân tích.

Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã đầu tư khoản tiền khổng lồ, bắt đầu chuyển đổi từ khu vực trung tâm và mở rộng dần ra ngoại vi. Hàng loạt chính sách hỗ trợ cũng được ban hành để thúc đẩy quá trình này. Đến nay, không chỉ Bắc Kinh, nhiều thành phố khác của Trung Quốc cũng đã thành công trong việc chuyển đổi sang xe điện.

Châu Âu áp dụng "vùng phát thải thấp", Indonesia thất bại vì chỉ... hỗ trợ

Bài học không chỉ dừng lại ở Trung Quốc. Nhiều thành phố châu Âu cũng đã áp dụng mô hình "vùng phát thải thấp" để kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Hàng trăm vùng phát thải thấp được thành lập, chỉ cho phép các phương tiện xanh lưu thông và cấm hoàn toàn hoặc hạn chế nghiêm ngặt các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, hoặc những phương tiện gây ô nhiễm. Kết quả đánh giá cho thấy mô hình này mang lại hiệu quả vượt trội.

Ngay cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok (Thái Lan) hay Indonesia cũng có những kinh nghiệm đáng giá. Ông Tùng tiết lộ, Indonesia từng thất bại khi ban đầu chỉ tập trung vào chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và nhận thấy hỗ trợ thôi là chưa đủ, họ đã kết hợp nhiều biện pháp: Vừa cấm hoạt động một số loại xe máy chạy xăng, vừa tiếp tục hỗ trợ, vừa tăng cường phát triển giao thông công cộng. Đây được xem là kịch bản hiệu quả nhất.

"Với tất cả các đô thị trên thế giới, không riêng Hà Nội hay TP.HCM, ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch là điều chắc chắn, đã có những nghiên cứu khoa học và số liệu cụ thể", ông Tùng khẳng định.

Ông Tùng dẫn chứng, việc đi xe điện có thể giảm tới 70% lượng phát thải CO2 so với xe máy chạy xăng, cùng nhiều chất gây ô nhiễm khác cũng giảm đáng kể.

"Chúng ta không nên băn khoăn liệu xe máy có phải nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không. Bây giờ đòi hỏi phải có những giải pháp cực kỳ quyết liệt như Chỉ thị 20", ông nhấn mạnh.

Ông Hoàng Dương Tùng bày tỏ sự vui mừng khi Hà Nội đã nhanh chóng triển khai các hành động cụ thể như thành lập Ban Tư vấn, chỉ đạo. "Những biện pháp như thế tôi nghĩ rất kịp thời", ông nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của người dân vì lợi ích sức khỏe, ông Tùng cũng lưu ý rằng người dân rất mong muốn các chính sách hỗ trợ, an toàn, mạng lưới sạc và giao thông công cộng được triển khai nhanh chóng, công khai, minh bạch và kịp thời. Đây cũng là kinh nghiệm từ các nước khác, nơi thông tin về chuyển đổi được đưa lên website, ứng dụng để người dân tiện theo dõi.

"Tôi rất hy vọng Hà Nội với tinh thần quyết liệt vừa qua sẽ triển khai sớm những biện pháp như thế để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nhanh chóng, thuận lợi, giảm những tác động đến cuộc sống.

Chúng ta gần như không còn đường lùi nữa. Càng chậm trễ bao nhiêu, chúng ta càng thiệt hại, tốn kém và các giải pháp càng phức tạp bấy nhiêu. Tôi rất ủng hộ những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng cũng như những hành động nhanh chóng, kịp thời của Thủ đô Hà Nội trong thời gian vừa qua", ông Tùng bày tỏ.

Trao đổi với PV, ông Khương Văn Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai việc chuyển đổi phương tiện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện. Việt Nam có thể học tập cách thức, nhưng theo chuyên gia, không nên sao chép máy móc các phương pháp của nước khác.

"Các chính sách của chúng ta phải căn cứ vào tình hình cụ thể kinh tế xã hội và thói quen, tập quán của người Việt Nam chúng ta", ông Tạo nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thế giới hành động quyết liệt, Hà Nội cần học gì để 'giải cứu' không khí?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO