Thế giới hậu Covid-19: Bức tranh giáo dục quốc tế đang thay đổi thế nào?

Thứ sáu, 29/04/2022 16:57 PM - 0 Trả lời

(CLO) Như nhiều lĩnh vực khác của đời sống, giáo dục quốc tế đang phục hồi trong thời kỳ hậu Covid-19. Tuy nhiên, những thị trường chính như Anh và Mỹ vẫn chưa lấy lại được vị thế vốn có. Đây dường như là vấn đề không chỉ dành cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia này.

Anh, Mỹ đánh mất sự hấp dẫn

Mỹ là điểm đến hàng đầu trên thị trường giáo dục đại học toàn cầu. Từng có hơn một triệu sinh viên quốc tế đến Mỹ để học tập mỗi năm, đóng góp gần 40 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế của quốc gia này. Điểm đến phổ biến thứ hai, Vương quốc Anh, thu hút hơn nửa triệu sinh viên mỗi năm. Các thị trường thường được lựa chọn khác của sinh viên quốc tế còn bao gồm Canada và Úc.

the gioi hau covid 19 buc tranh giao duc quoc te dang thay doi the nao hinh 1

Bức tranh giáo dục quốc tế đang có nhiều sự thay đổi bởi đại dịch, cũng như nhiều bất ổn khác trên thế giới. Ảnh minh họa: Internet

Vào năm 2019, tổng cộng hơn 6 triệu sinh viên trên toàn cầu đã học đại học ở một quốc gia khác, tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 2 thập kỷ trước đó. Con số này còn từng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng theo thời gian. Hơn một nửa tổng số sinh viên du học đến từ châu Á. Ngay cả một Singapore nhỏ bé và vốn sở hữu nền tảng giáo dục tiến tiến cũng đã đóng góp 25.000 sinh viên quốc tế trong năm 2019.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn. Di chuyển quốc tế đột ngột dừng lại với việc đóng cửa biên giới và các đợt kiểm dịch kéo dài. Dù rằng, nhiều trường đại học và các viện giáo dục đã tổ chức các khóa học theo hình thức trực tuyến từ xa, nhưng việc học tập kiểu này rõ ràng ít sức hút hơn nhiều so với những trải nghiệm truyền thống trong khuôn viên trường đại học.

Để rồi, sự gián đoạn Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm đáng kể đối với sinh viên quốc tế trên toàn thế giới. Vào năm 2021, số lượng tuyển sinh mới giảm 23% ở Úc, 22% ở Đức và lên tới 46% ở Mỹ.

Chờ một sự hồi phục mạnh mẽ?

Và giờ, khi thế giới đang bước vào giai đoạn hậu Covid-19, thì như các khía cạnh khác của đời sống, ngành công nghiệp giáo dục quốc tế cũng đang đứng trước một câu hỏi: Liệu một sự phục hồi có thể sớm diễn ra hay không?

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên giáo dục đại học quốc tế bị xáo trộn bởi các vấn đề lớn trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 đã khiến số lượng sinh viên khu vực này giảm mạnh tại các trường đại học ở phương Tây, đặc biệt là những sinh viên đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Nhiều sinh viên đã chuyển sang các thị trường ít tốn kém hơn như Úc, khiến các tổ chức phải nỗ lực tuyển dụng sinh viên ở các nơi khác trên thế giới. Sau đó, xu hướng sinh viên châu Á ra nước ngoài tiếp tục trở lại sau khi khủng hoảng giảm bớt và các nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh chóng. Thị trường du học bùng nổ trở lại trên toàn thế giới kể từ đầu những năm 2000 và duy trì liên tục trong hơn một thập kỷ.

Vậy, liệu điều tương tự sẽ xảy ra trong thời kỳ hậu Covid-19 tới đây hay không?

Không thể phủ nhận, thế giới đã trở nên ít toàn cầu hóa hơn và bản địa hóa nhiều hơn từ hậu quả của đại dịch, song nhu cầu về nghiên cứu quốc tế vẫn rất lớn. Một cuộc khảo sát gần đây của công ty dịch vụ sinh viên INTO cho thấy, sinh viên quốc tế tiếp tục được thúc đẩy bởi triển vọng nghề nghiệp, cũng như nhận được nhiều lợi ích từ việc được giảng dạy trong một môi trường quốc tế và khi được học cùng với các bạn bè đến từ các quốc gia khác nhau.

Nhưng điều đó không có nghĩa, một sự hồi phục mạnh mẽ có thể diễn ra ngay lập tức trong lĩnh vực giáo dục quốc tế. Thực ra ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, thì cũng đã có một loạt sự kiện chính trị và kinh tế đã ảnh hưởng đến các luồng sinh viên quốc tế.

Tại Anh, các cơ sở giáo dục vốn đã phải đối mặt với cú sốc bởi Brexit, đặc biệt ảnh hưởng đến lượng sinh viên trong khối EU, những người phải trả phí cao hơn nhiều và mất cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ở Anh. Số lượng đơn xin học EU tại Anh ngay lập tức giảm 7% sau Brexit.

Brexit cũng gây ra tâm lý không tốt cho sinh viên đến từ các lục địa và khu vực khác. Nhưng nhìn chung, nước Anh đã hoạt động tương đối tốt trong suốt đại dịch. Không có sự sụt giảm lớn về số lượng tuyển sinh như các thị trường lớn khác. Trên thực tế, trong năm học 2020, sinh viên quốc tế mới tại Anh tăng 4%, so với mức giảm 15% ở Mỹ.

Sự ổn định của lượng tuyển sinh quốc tế tại Anh có thể là do các trường đại học và các tổ chức du học tập trung nhiều hơn thị trường ngoài EU và một số lý do khác. Tuy nhiên, ngành giáo dục đại học Anh cũng đã chứng kiến sự thay đổi ở lượng sinh viên từ một số quốc gia nhất định, đơn cử như giảm 5% từ Trung Quốc.

Giáo dục quốc tế không chỉ là thương mại

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, bất chấp danh tiếng của Mỹ là quê hương của các trường đại học tốt nhất thế giới, các yếu tố khác đang góp phần khiến nước này đang trở nên tương đối kém hấp dẫn.

Có thể kể ra đây những lý do như các vấn đề chính trị khiến nước Mỹ được cho rằng có vẻ thù địch hơn với người nước ngoài, rồi là sự khó khăn trong việc đảm bảo thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp và rồi cả đồng USD tăng khiến thị trường đắt đỏ hơn. Những yếu tố này đã khiến nhiều sinh viên quốc tế phải cân nhắc lại lựa chọn du học tại Mỹ của mình.

Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất ở Mỹ, nhưng số lượng sinh viên, đặc biệt là từ Trung Quốc, thực ra cũng đã suy giảm ngay cả trước đại dịch Covid-19.

the gioi hau covid 19 buc tranh giao duc quoc te dang thay doi the nao hinh 2

Đại dịch Covid-19 chỉ là một lý do khiến sinh viên đại học nước ngoài giảm mạnh ở Mỹ. Ảnh minh họa: AP

Mặc dù có sự phục hồi tổng thể về số lượng đơn đăng ký, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra đối với Trung Quốc. Cụ thể vào năm 2021, số đơn đăng ký theo học của Trung Quốc ở các trường đại học Mỹ đã giảm 18% so với năm trước, tương phản rõ rệt với mức tăng 9% về tổng thể.

Để giải thích cho vấn đề này, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số lý do khá thuyết phục như tâm lý căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc hay các hạn chế Covid-19 vẫn đang rất nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Song do thời gian eo hẹp, các yếu tố này vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng, khiến các nhà hoạch định chính sách và tổ chức giáo dục của Mỹ gặp khá nhiều khó khăn.

Giáo dục đại học là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD và cũng giống như các lĩnh vực thương mại khác, dòng chảy này thích ứng rất nhanh. Người tiêu dùng không có nhiều thời gian chờ đợi, sẽ chọn những sản phẩm hấp dẫn nhất đối với họ, thậm chí bỏ cả kế hoạch du học, như việc số lượng sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học đang ngày càng giảm mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ và Anh.

Giáo dục đại học quốc tế không chỉ có ý nghĩa lợi nhuận đối với một quốc gia. Vấn đề còn nằm ở lượng chất xám mà sinh viên nước ngoài có thể mang lại cho các quốc gia tiếp nhận, đặc biệt là những nước có dân số già và thị trường lao động eo hẹp.

Quan trọng nữa, trong một thế giới mà căng thẳng giữa các quốc gia đang gia tăng, việc để những người trẻ tuổi trải nghiệm và hiểu biết các nền văn hóa của nhau cũng góp một phần mang lại sự ổn định cho tương lai.

Hoàng Hải

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế