Thế giới năm 2021: Những nét chấm phá & hy vọng

Thứ ba, 09/02/2021 09:41 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Quyết định phê duyệt sử dụng vắc-xin Covid-19 vào những ngày cuối cùng của năm 2020 có thể xem là thời khắc quan trọng mang tính lịch sử, đánh dấu cho sự chấm dứt của đại dịch và đưa nhân loại bước vào năm mới 2021 với tâm thế và vận hội mới.

Vắc-xin Covid-19: Hy vọng chấm dứt đại dịch

Rõ ràng, việc vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ và Cơ quan quản lý thuốc của Anh cấp giấy sử dụng khẩn cấp, là bước ngoặt quan trọng, trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ hai và thứ ba, khiến hàng ngàn người tử vong mỗi ngày và số ca nhiễm trên toàn thế giới vẫn không ngừng tăng lên. 

vaccine covid-19

Các chuyên gia dự báo, với độ hiệu quả được công bố lên tới 95% đối với vắc-xin của Pfizer/BioNTech, Moderna và 92% đối với vắc-xin Sputnik V của Nga, tiêm chủng đại trà sẽ giúp Mỹ và châu Âu ngăn chặn đại dịch, thậm chí có thể trở lại cuộc sống bình thường vào mùa thu năm sau. Vấn đề lúc này là thế giới sẽ phối hợp như thế nào để phân phối vắc-xin Covid-19 và sẽ có bao nhiêu ứng viên vắc-xin tiếp theo được phê duyệt. 

Nói như vậy để thấy, câu chuyện vắc-xin Covid-19 mang lại sự lạc quan lớn, sẽ là khởi đầu cho mọi vấn đề của năm 2021, sau khi thế giới đã trải qua một năm đại khủng hoảng: toàn cầu bị cô lập, các hoạt động sản xuất, giao thương bị đình trệ; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; các mối quan hệ địa chính trị trở nên căng thẳng bởi chủ nghĩa dân tộc gia tăng trước áp lực nội tại ở mỗi quốc gia và chủ nghĩa đơn phương làm xói mòn các mối quan hệ đa phương.  

Quan hệ Mỹ - Trung: Liệu cơm, gắp mắm

Bước vào năm mới 2021, thế giới một lần nữa hồi hộp lắng nghe những diễn biến mới của mối quan hệ Mỹ - Trung - vốn trở nên căng thẳng trong phần lớn nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - khi ông Joe Biden, “chiến binh” của Đảng Dân chủ lên nắm quyền tại Nhà Trắng. Không cần nói nhiều về tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường vốn đã bắt đầu từ năm 2018, bởi sự đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã nâng cấp mạnh mẽ trong năm 2020, dần biến thành cuộc chiến tranh lạnh mới, có xu hướng làm phân ly thế giới thành hai cực. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ tại Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland, ngày 24/9/2015 - Ảnh: AP / Carolyn Kaster.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ tại Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland, ngày 24/9/2015 - Ảnh: AP / Carolyn Kaster.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc những năm gần đây trở thành cái gai trong mắt người Mỹ, bởi họ cho rằng sức mạnh được dẫn dắt bởi chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đang đe dọa trật tự thế giới vốn do Mỹ sắp đặt. Những dự báo và những chỉ số đều cho thấy, chỉ trong 10 năm hoặc xa hơn là 30 năm nữa, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trên mọi lĩnh vực, để trở thành bá chủ thế giới. 

Điều này, tất nhiên không được phép xảy ra theo quan điểm của những nhà lãnh đạo Mỹ. Cả hai đảng ở lưỡng viện Quốc hội đều thống nhất và xác định Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất”, cần làm mọi cách để ngăn chặn sự bứt phá của nước này. Ông Biden mặc dù có xu hướng ôn hòa và trọng tâm trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống là hướng tới sự ổn định trong nước và “hàn gắn nước Mỹ”, nhưng chính quyền của ông được cho là vẫn theo đuổi chính sách cứng rắn của ông Trump về vấn đề Trung Quốc. 

Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng chính sách trừng phạt như là một thứ vũ khí để kìm chế Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường xây dựng liên minh, phối hợp với các đồng minh để đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm kiềm tỏa sự ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Ở góc độ thương mại, quan hệ giữa Mỹ - Trung có thể dễ đoán hơn với giọng điệu bình tĩnh hơn, nhưng căng thẳng sẽ khó giảm bớt.

“Các vấn đề tồn tại trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không thay đổi khi chính quyền thay đổi”, ông Greg Gilligan - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Bắc Kinh nói và đánh giá. “Hai bên đang chịu áp lực để giữ thái độ “diều hâu” vì chính trị trong nước không cho phép bên nào nhượng bộ”.  

Tuy nhiên, trong một thế giới mà các lợi ích đan xen, chồng chéo và khi mà cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể ngoảnh mặt với nhau bởi miếng bánh kinh tế còn gắn chặt hai bên, các bất đồng có thể sẽ được thỏa hiệp theo nhiều cách. 

Vai trò của Nga và EU hậu Brexit 

Vài năm gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng quá lớn dẫn đến suy nghĩ rằng, trật tự thế giới là cuộc chơi sức mạnh đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc mà bỏ qua Nga và Liên minh châu Âu - hai thế lực luôn đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị thế giới. 

tap can binh - putin

Không có được tiềm lực kinh tế như Mỹ và Trung Quốc, nhưng Nga đã tận dụng hiệu quả cuộc đụng độ giữa hai siêu cường thế giới, để gây ảnh hưởng ở nhiều nơi như Belarus, Somalia, quốc gia tự xưng là Somaliland, Eritrea, Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Mali và Madagascar.

Tại Trung Đông và Bắc Phi, Nga ngày càng thể hiện vai trò là người dẫn dắt cuộc chơi khi can dự vào cuộc chiến ở Syria và Libya, định hình lại thế cục ở những khu vực này. Trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, Nga chứ không phải Mỹ và Pháp - hai thành viên quan trọng của Nhóm Minks - một lần nữa thể hiện vai trò “trọng tài”, để lập lại trật tự ở Nam Caucasus. Trước đó, Nga cũng là quốc gia kết nối Ấn Độ và Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, nhằm xoa dịu những cái đầu nóng ở hai bên trong cuộc xung đột biên giới dai dẳng. 

Năm 2021, Nga được dự đoán sẽ tiếp tục thể hiện vai trò và tầm ảnh hưởng ở châu Âu và nhiều khu vực. Thậm chí, Nga có thể là nhân tố điều chỉnh nối các mối quan hệ. Việc Mỹ duy trì chính sách thù địch với cả Nga và Trung Quốc, bên cạnh các quốc gia khác như Triều Tiên, Iran, hoàn toàn có thể dẫn đến một liên minh quân sự Nga - Trung. Tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ngày 22/10/2020, Tổng thống Putin thừa nhận khả năng có thể về một liên minh quân sự Nga - Trung dù chưa cần thiết. Nếu trục quân sự - kinh tế Nga - Trung một khi thành sự thực, nó sẽ tạo nên sức mạnh khó lường. Đây là điều mà Mỹ và các đồng minh không hề mong muốn và có nghĩa, Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Nga nhưng sẽ giữ ở mức đủ không gian để nước này không bị đẩy vào tình huống buộc bắt tay với Trung Quốc. 

Không giống Nga, khi mà Mỹ theo đuổi chủ nghĩa đơn phương với triết lý “nước Mỹ trên hết” của ông Trump, vai trò của EU tỏ ra khá mờ nhạt trong các quyết định quan trọng của thế giới suốt thời gian qua. Điều này có thể xuất phát từ chính bất đồng trong nội khối, bởi vai trò lãnh đạo và triết lý chung của khối không có được sự thống nhất, mà đỉnh điểm là quyết định rời khỏi liên minh của nước Anh năm 2018. 

Qua đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo nhận thấy EU cũng rất dễ bị tổn thương. Quyết định ly khai của Anh thúc đẩy EU phải thay đổi vai trò của tổ chức này. Việc Đức, Pháp và một số quốc gia EU bày tỏ mạnh mẽ hơn đến chiến lược xoay trục Ấn Độ - Thái Bình Dương, tỏ ra lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng những cam kết thực hiện giảm phát thải nhà kính… cho thấy EU đang nỗ lực chủ động, độc lập về kinh tế và chính trị với Mỹ, tích cực tham gia vào các sáng kiến hòa bình như: thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề nhân đạo ở Yemen, Lebanon, xung đột ở Nagorno-Karabakh, biểu tình ở Belarus. 

Ông Joe Biden, trong nhiệm kỳ đầu tiên chắc chắn sẽ hâm nóng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và vì thế, EU sẽ tham gia nhiều hơn vào các bàn đàm phán. Mối quan hệ Nga - EU có thể sẽ tích cực hơn, bởi có nhiều vấn đề cùng quan tâm. 

Vĩ thanh

Năm 2021, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những bất đồng và mâu thuẫn khi căng thẳng địa chính trị giữa các thế lực chưa thể sớm giải quyết như Thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, mâu thuẫn biên giới âm ỉ Trung - Ấn, nội chiến ở Syria và Libya, nguy cơ chiến tranh ở Tây Sahara, mối quan hệ căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ, xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông, Biển Hoa Đông…

Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh, sự xuất hiện của vắc-xin Covid-19 như một gam màu sáng chủ đạo lấn át những lo lắng và bất ổn, mang lại sự lạc quan mạnh mẽ vào một thế giới khỏe mạnh và bình yên hơn.

Hoài Đức

Tin khác

Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-18, hướng đến sứ mệnh Mặt trăng

Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-18, hướng đến sứ mệnh Mặt trăng

(CLO) Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-18 vào ngày 25/4, đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung. Đây là một phần trong chương trình vũ trụ tham vọng của Trung Quốc, với mục tiêu đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030.

Thế giới 24h
Mỹ và 17 quốc gia hứa đảm bảo hòa bình cho Gaza nếu Hamas thả con tin

Mỹ và 17 quốc gia hứa đảm bảo hòa bình cho Gaza nếu Hamas thả con tin

(CLO) Mỹ và 17 quốc gia khác hôm thứ Năm đã đưa ra lời kêu gọi Hamas thả tất cả con tin để chấm dứt cuộc chiến sự ở Gaza, nhưng Hamas tỏ ra hoài nghi.

Thế giới 24h
Thứ trưởng Quốc phòng Nga mất chức và nhiều doanh nhân bị bắt trong vụ án tham nhũng

Thứ trưởng Quốc phòng Nga mất chức và nhiều doanh nhân bị bắt trong vụ án tham nhũng

(CLO) Một Thứ trưởng Quốc phòng Nga vừa bị buộc tội nhận hối lộ trong một vụ bê bối tham nhũng lớn khiến một số doanh nhân giàu có bị bắt.

Thế giới 24h
Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

(CLO) Thủ tướng Haiti Ariel Henry hôm thứ Năm (25/4) đã tuyên bố từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Thế giới 24h
Mỹ công bố mua vũ khí trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine

Mỹ công bố mua vũ khí trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine

(CLO) Một quan chức Mỹ ngày 25/4 cho biết Mỹ có thể thông báo về việc mua vũ khí mới cho Ukraine trị giá 6 tỷ USD ngay sau ngày thứ Sáu.

Thế giới 24h