Xã hội

Theo học nghệ thuật thị giác: Hành trang sáng tạo trong thời đại AI và truyền thông số

Hồng Phúc 08/07/2025 14:39

(CLO) Trong mùa tuyển sinh 2025, khi các ngành truyền thông, thiết kế, công nghệ… đang tìm kiếm nhân lực có tư duy hình ảnh sâu sắc và khả năng sáng tạo độc lập, nghệ thuật thị giác không còn là lựa chọn “phụ”.

Đó là nền tảng, là tấm hộ chiếu sáng tạo giúp sinh viên mở rộng cánh cửa vào thế giới nghề nghiệp liên ngành phong phú, đầy tiềm năng. Và ở đó, chính sự khác biệt mới là lợi thế.

Trong kỷ nguyên hình ảnh lên ngôi, nghệ thuật thị giác đang giữ vị trí “trái tim” trong đào tạo liên ngành tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (SIS), Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (SIS), Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (SIS), Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với Báo Nhà báo& Công luận, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật khẳng định, nghệ thuật thị giác là nơi sinh viên không chỉ học cách chụp một bức ảnh đẹp, mà được dẫn lối để tạo ra những hình ảnh có linh hồn phản chiếu cá tính, thời đại và chiều sâu văn hóa.

Không gian học thuật khai phóng, nuôi dưỡng khác biệt

Nghệ thuật thị giác không chỉ là kỹ năng, đó là một cách nhìn nhận thế giới”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật mở đầu bằng quan điểm ấy khi nói về vai trò nền tảng của nghệ thuật thị giác trong chiến lược đào tạo.

Nếu thiết kế ứng dụng gắn với sản phẩm cụ thể, thì nghệ thuật thị giác chính là không gian giàu chất thử nghiệm, nơi mọi khuôn mẫu bị chất vấn, mọi giới hạn bị vượt qua.

img_7437.jpg
Tư duy hình ảnh và kỹ năng kể chuyện bằng trực quan – những yếu tố giúp sinh viên nghệ thuật thị giác thích ứng, dẫn đầu trong kỷ nguyên AI và truyền thông số.

Tại ngôi trường còn non trẻ nhưng đầy khát vọng này, nghệ thuật thị giác không đứng riêng, mà đan xen cùng công nghệ, di sản, kinh tế sáng tạo và truyền thông số. Hai chuyên ngành tiên phong – Nghệ thuật tạo hình đương đại và Nhiếp ảnh nghệ thuật là “địa chỉ đỏ” cho những người trẻ tìm kiếm môi trường học thuật mở, học bằng trải nghiệm, sáng tạo bằng tư duy phản biện.

Một trong những điểm đặc sắc của chương trình đào tạo là cách tiếp cận nhiếp ảnh như một “ngôn ngữ tư duy thị giác” chứ không đơn thuần là kỹ thuật ghi hình. Sinh viên được học để nhìn ảnh hiểu thông điệp, mạch trần thuật và tầng ý nghĩa trước khi học cách tạo ảnh.

Chúng tôi không dạy các em bấm máy mà dạy cách tư duy, kể chuyện và truyền cảm bằng hình ảnh”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh.

Từ dự án chân dung, phong cảnh biểu đạt đến các thể nghiệm nghệ thuật ý niệm, sinh viên không chỉ làm bài tập mà sống trong quá trình sáng tác, được nhận phản biện từ giảng viên quốc tế, giám tuyển và chuyên gia đầu ngành. Các triển lãm thường niên như Dòng chảy sáng tạo, Photo Hanoi, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo... là nơi sinh viên trình diện cá tính nghệ thuật trước công chúng.

Hành trang liên ngành: Từ họa sĩ đến chuyên gia nội dung số

Với nền tảng đào tạo tích hợp, sinh viên tốt nghiệp nghệ thuật thị giác không bị đóng khung trong các gallery hay studio. Họ có thể trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc, giảng viên nghệ thuật, nhiếp ảnh gia thương mại, chuyên viên xử lý hậu kỳ, nhà thiết kế đồ họa, UI/UX, người sáng tạo nội dung số, thậm chí là nghệ sĩ trong không gian thực tế ảo (VR/AR).

z6700624406161_0350d579f2a9c15f4d0b75cb783601bc.jpg
Không gian học tập thực hành của sinh viên đều là nơi nghệ thuật, cảm xúc và công nghệ giao thoa trong từng khuôn hình.

Đặc biệt, trong thế giới “visual-first” nơi hình ảnh dẫn dắt mọi trải nghiệm nhu cầu về nhân lực có tư duy thẩm mỹ và năng lực kể chuyện bằng hình ảnh đang bùng nổ.

Sinh viên của chúng tôi được đào tạo để không chỉ làm nghề, mà còn hiểu nghề, sáng tạo ra xu hướng mới,” ông Hiệu nói.

AI không giết nghệ thuật – chỉ buộc nghệ sĩ phải bản lĩnh hơn

Với sự xuất hiện ngày càng phổ biến của AI trong xử lý và tạo ảnh, nhiều người lo lắng về sự “xóa sổ” các nghề sáng tạo. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu nhìn thấy một cơ hội mới: “AI có thể vẽ tranh, dựng ảnh, tạo video nhưng không thể thay con người quyết định điều gì cần kể và kể theo cách nào”.

Do đó, sinh viên SIS được khuyến khích học cách dùng AI như bạn đồng hành để tiết kiệm thời gian xử lý kỹ thuật, từ đó dành nhiều hơn cho việc nuôi dưỡng chiều sâu ý tưởng, trau dồi thẩm mỹ và phát triển cá tính nghệ thuật. Kỹ thuật có thể học nhanh. Nhưng sự cảm, sự rung động và tư duy hình ảnh là điều phải rèn luyện lâu dài và khó thay thế

SV di thuc te
Sinh viên ngành Nghệ thuật thị giác tại Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật đi thực tế.

Một điểm khác biệt của SIS là định hướng đào tạo người sáng tạo, không đào tạo sư phạm. Nghĩa là sinh viên ra trường không nhất thiết trở thành giáo viên mỹ thuật, mà trở thành những “kiến trúc sư hình ảnh” có năng lực phản biện, ứng dụng và thích nghi cao trong thị trường sáng tạo đang mở rộng từng giờ.

Trong bối cảnh truyền thông số, dữ liệu thị giác và sáng tạo nội dung trở thành trụ cột kinh tế, theo học nghệ thuật thị giác không còn là lựa chọn “mang tính cảm hứng”, mà là đầu tư chiến lược cho một hành trình nghề nghiệp dài hơi.

Một bức ảnh đẹp không cứu vãn được cả sự nghiệp. Nhưng một tư duy hình ảnh sâu sắc được trui rèn trong môi trường học thuật nghiêm túc có thể giúp bạn đứng vững giữa thế giới của hình ảnh ngồn ngộn và AI không ngừng tạo mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Theo học nghệ thuật thị giác: Hành trang sáng tạo trong thời đại AI và truyền thông số
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO