Theo học nhiếp ảnh: Khi đam mê cần được dẫn lối bằng đào tạo bài bản
(CLO) Trong thời đại ai cũng có thể chụp ảnh, và AI có thể tạo ra hàng ngàn bức chỉ sau một cú click, nhiếp ảnh vẫn là một nghề đòi hỏi tư duy thị giác, cảm xúc chân thật và bản lĩnh cá nhân. Nhiều bạn trẻ đến với nhiếp ảnh bằng đam mê, nhưng để sống được với nghề, đam mê thôi chưa đủ.
Đó phải là một hành trình nghiêm túc, nơi đam mê được dẫn lối bởi đào tạo bài bản, bởi kỹ thuật vững, nền tảng tư duy sâu sắc và khả năng kể chuyện bằng hình ảnh trong thế giới sáng tạo không ngừng biến đổi.
Khi ảnh “đẹp” chỉ cần vài thao tác chỉnh màu, còn ảnh “ảo” có thể sinh ra từ thuật toán, thì giá trị thực sự của nhiếp ảnh, nghề nhiếp ảnh không nằm ở cái máy, mà nằm ở cái đầu và trái tim người chụp.
Không khó để bắt đầu với nhiếp ảnh. Một chiếc smartphone tốt, vài buổi workshop cuối tuần, vài trăm like trên mạng xã hội… là đủ để nhiều bạn trẻ tưởng mình đã “bắt đầu sự nghiệp”. Nhưng đi từ “thích chụp ảnh” đến “sống được bằng nhiếp ảnh” lại là một hành trình hoàn toàn khác đầy thử thách, cạnh tranh và cần nhiều hơn những gì người ta có thể tự học một mình.

Các môn học tại đây trải dài từ thiết kế đồ họa, sản xuất nội dung số, thực tế ảo (VR), giao diện người dùng (UI/UX) đến ứng dụng AI trong sáng tạo hình ảnh. Sinh viên không chỉ học cách “chụp đẹp”, mà được rèn cách “nhìn sâu”, hiểu hình ảnh là một dạng ngôn ngữ đặc biệt của thời đại số.
Tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (SKĐA), cái nôi đào tạo nhiếp ảnh bài bản lâu đời nhất cả nước sinh viên mất tới bốn năm mới chính thức được “ra nghề”. Nhưng đó không phải sự chậm trễ, mà là sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ở đây, nhiếp ảnh được dạy như một nghề nghiêm túc, một nghệ thuật đòi hỏi chiều sâu thẩm mỹ và bản lĩnh cá nhân.
Từ ảnh chân dung, ảnh phóng sự, quảng cáo, đến ảnh sân khấu, điện ảnh hay nghệ thuật đương đại, sinh viên đều được đào tạo bài bản, gắn liền với thực hành qua các buổi chụp ngoài trời, dàn dựng studio, thực hiện đồ án học kỳ, triển lãm cá nhân và tiếp xúc với môi trường làm nghề thực tế.
“Chúng tôi không đào tạo người biết chụp ảnh. Chúng tôi đào tạo người biết ảnh của mình tồn tại vì điều gì", PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường SKĐA cho hay.

Thực tế đã chứng minh: học chính quy giúp tiết kiệm thời gian, vì người học được dẫn dắt bởi người đi trước, có định hướng rõ ràng, được va chạm thực tế, được hỗ trợ nghề nghiệp và đặc biệt không phải tự mày mò giữa hàng trăm ngả rẽ. Nhiều sinh viên SKĐA hiện là phóng viên ảnh của các cơ quan báo chí lớn, trong đó có anh An Thành Đạt - một trong những nhiếp ảnh gia kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam.
Anh Đạt chia sẻ: “Tự học là tốt, nhưng không thể thay thế nền tảng. Làm nghề ảnh, muốn sống được, phải có tư duy nghề, có nền móng từ những điều căn bản nhất ánh sáng, bố cục, thời điểm, cảm xúc và trên hết là bản lĩnh.”
Trong môi trường học tập hiện đại, SKĐA đều đã đưa công nghệ mới vào đào tạo. Sinh viên học cách sử dụng AI để hỗ trợ hậu kỳ, dựng ảnh số, sáng tác trong không gian ảo… Nhưng song song với đó là rèn luyện tư duy làm chủ công nghệ, không để bị công nghệ dẫn dắt.
“AI tạo ra ảnh rất đẹp – nhưng cái đẹp của nó là kỹ thuật, không phải rung cảm. Ảnh báo chí, ảnh tài liệu hay ảnh nghệ thuật, cái người ta cần là sự thật, là cảm xúc, là con người. Cái đó AI không thay được", Phóng viên ảnh An Thành Đạt bày tỏ.
Nhiếp ảnh hôm nay không còn gói gọn trong nghề báo hay studio, mà là một phần của hệ sinh thái sáng tạo toàn cầu: từ thời trang, truyền thông, điện ảnh, game, metaverse, đến các nền tảng số. Những người có nền tảng vững, tư duy tốt và kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh luôn có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, sáng tạo độc lập, khởi nghiệp hoặc làm việc tại các agency toàn cầu.
Một bức ảnh chạm đến người xem không đến từ may mắn. Nó là kết quả của hàng năm học hành tử tế, rèn luyện kỹ năng, tư duy hình ảnh và cảm xúc chân thật. Làm nghề nghiêm túc không thể đi bằng lối tắt. Và để sống với ảnh, sống bằng ảnh, bạn cần bắt đầu đúng từ nơi đào tạo bài bản.