Kinh doanh - Tài chính

Thép VICASA bị phạt 335 triệu vì vi phạm môi trường, buộc phải di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 trong bối cảnh kinh doanh sa sút, cổ phiếu lao dốc

Ánh Dương 25/05/2025 08:07

(CLO) CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA) bị xử phạt 335 triệu đồng vì vi phạm môi trường và buộc phải di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 trước tháng 12/2025. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng, cổ phiếu VCA lao dốc sau chuỗi tăng nóng.

Các hành vi vi phạm và lộ trình buộc di dời

Theo Quyết định xử phạt ban hành ngày 9/5/2025, UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ các hành vi vi phạm chính của VICASA. Thứ nhất, doanh nghiệp không có giấy phép môi trường dù cơ sở sản xuất tại đường số 9, KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa thuộc diện bắt buộc phải có. Thứ hai, báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2023 và 2024 không đầy đủ, không đề cập hoạt động cho thuê kho, nhà xưởng làm bãi đậu xe, kho chứa hàng, gia công khung kèo thép.

Tổng mức phạt hành chính với VICASA là 335 triệu đồng. UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đình chỉ các nguồn phát sinh chất thải không phép trong vòng 3,75 tháng kể từ ngày nhận quyết định. Đồng thời, VICASA phải di dời toàn bộ cơ sở sản xuất đến địa điểm phù hợp với quy hoạch trước ngày 1/12/2025.

Toàn bộ chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do VICASA tự chi trả. Công ty có 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định để nộp phạt vào Kho bạc Nhà nước khu vực XV.

vicasa.jpeg
VICASA bị xử phạt và buộc di dời, cổ phiếu VCA lao dốc sau chuỗi tăng nóng

Trước đó, UBND TP Biên Hòa đã ra Thông báo số 438 ngày 11/4/2025 về việc thu hồi đất KCN Biên Hòa 1. VICASA nằm trong danh sách các tổ chức bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất bị thu hồi là 130.957,6 m², thuộc các thửa đất số 151, 164 và 147 tại phường An Bình. Tiến độ thực hiện kéo dài từ khảo sát trong tháng 5 đến chi trả bồi thường vào cuối năm.

Doanh nghiệp này nằm trong khu vực phải thu hồi đất phục vụ Đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ, theo Quyết định 586 ngày 3/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động kinh doanh giảm sút, cổ phiếu biến động mạnh

VICASA tiền thân là Công ty Thép Biên Hòa, hoạt động tại nhiều tỉnh phía Nam, chuyên sản xuất thép cán và phôi thép. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh đang cho thấy xu hướng đi xuống.

Trong quý I/2025, doanh thu thuần đạt gần 311 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh còn 2,2%, khiến lãi ròng chỉ đạt 36 triệu đồng, giảm đến 97%. Công ty cho biết đã nỗ lực tiết giảm chi phí để ứng phó với biến động nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ yếu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCA hiện giao dịch quanh mức 10.150 đồng/cp, giảm 14% trong quý gần nhất, nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, mã này từng gây chú ý khi tăng vọt từ 8.500 đồng lên 17.600 đồng/cp chỉ trong hai tuần cuối tháng 11/2024, với 10 phiên tăng trần liên tiếp.

VICASA sau đó giải trình rằng biến động giá cổ phiếu là do cung – cầu thị trường, không có hành vi can thiệp giá. Đợt tăng giá này trùng với thời điểm công ty mẹ VNSTEEL công bố kế hoạch thoái vốn 65% cổ phần tại VCA, với giá khởi điểm đấu giá là 24.158 đồng/cp, tương đương mức định giá 238,5 tỷ đồng.

Biến động nhân sự cấp cao giữa quá trình tái cấu trúc

Đáng chú ý, VICASA đang trải qua giai đoạn thay đổi nhân sự cấp cao cùng lúc với kế hoạch tái cấu trúc cổ đông lớn. Ngày 14/3/2025, ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐQT, và ông Nguyễn Phước Hải - Trưởng Ban Kiểm soát đã nộp đơn từ nhiệm với lý do nghỉ hưu và sức khỏe. Đến ngày 9/4, tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Nguyễn Văn Thoan - thành viên HĐQT - cũng xin rút vì lý do công tác.

Đại hội đã thông qua các đơn từ nhiệm và bầu bổ sung ông Nguyễn Phú Dương và ông Dương Văn Hà vào HĐQT nhiệm kỳ 2023–2028, đồng thời bầu bà Ngô Thị Minh Nguyệt vào Ban Kiểm soát. Sau đó, ông Dương được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của công ty.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thép VICASA bị phạt 335 triệu vì vi phạm môi trường, buộc phải di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 trong bối cảnh kinh doanh sa sút, cổ phiếu lao dốc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO