Thí điểm đấu giá biển số xe ô tô: “Chốt” mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng
(CLO) Theo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô vừa được Quốc hội thông qua, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40.000.000 đồng. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá. Bước giá là 5.000.000 đồng.
Chiều 15/11, với 473/489 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Trước khi biểu quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Không có căn cứ, cơ sở để xác định biển số đẹp hay xấu, biển số độc, lạ
Theo ông Lê Tấn Tới cho biết, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc.
Về biển số đưa ra đấu giá (khoản 1), một số ý kiến đề nghị làm rõ biển số đẹp; cần có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá và đưa ra đấu giá trực tiếp; không phát hành các biển số xấu theo dân gian có số cuối 49, 53…; bổ sung đánh giá hiện trạng kho số, quy hoạch kho số; quy định tỉ lệ tối đa biển số đưa ra đấu giá trong tổng số biển chưa đấu giá.
Báo cáo nội dung này, ông Lê Tấn Tới cho biết, đến nay không có căn cứ, cơ sở để xác định biển số đẹp hay xấu, biển số độc, lạ… mà do cách nhìn nhận, quan niệm, nhu cầu, sở thích của mỗi người khác khau. Việc đưa ra các tiêu chí để xác định danh mục biển số đẹp, số độc, số lạ là không khả thi, khó khăn cho công tác quản lý.
"Do đó, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng các biển số được tổ chức, cá nhân đăng ký lựa chọn sẽ đưa ra đấu giá là phù hợp", ông Lê Tấn Tới nêu rõ.
Ông Lê Tấn Tới cũng nêu rõ: Đối với biển số không được lựa chọn để đưa ra đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ được chuyển ngay vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để bấm chọn ngẫu nhiên. Kho số phục vụ đăng ký, quản lý xe ô tô được Bộ Công an bảo đảm để phục vụ việc đăng ký được liên tục, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Số lượng biển số xe ô tô đưa ra đấu giá phụ thuộc vào nhu cầu lựa chọn, đăng ký để đưa ra đấu giá của người dân nên không thể quy định tỉ lệ tối đa biển số đưa ra đấu giá trong tổng số biển chưa đấu giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.
Quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng
Về giá khởi điểm, tiền đặt trước, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá (Điều 5). Trong đó, về giá khởi điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô là rất khó, vì biển số xe là tài sản công, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau, nên không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, mà giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định...
"Tiếp thu ý kiến nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Sau khi kết thúc thí điểm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc tổng kết, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp", ông Lê Tấn Tới nêu rõ.
Về tiền đặt trước và bước giá, ông Lê Tấn Tới cho biết, quy định đặt trước và bước giá khác với quy định của Luật Đấu giá tài sản nên cần phải đưa vào Nghị quyết này để thực hiện thí điểm.
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định “tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá” nhằm bảo đảm cho việc thu tiền trúng đấu giá; còn người đấu giá không trúng thì được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định của pháp luật; đồng thời quy định thống nhất bước giá là 5 triệu đồng.
Về hình thức đấu giá, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chỉ thí điểm hình thức đấu giá trực tuyến với phương thức đấu giá là trả giá lên.

Đại biểu tham dự phiên họp.
Không được chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi, thừa kế biển số trúng đấu giá
Về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá tại Điều 3, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe tại Điều 4. Cụ thể, về quyền của người trúng đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, so với quy định của pháp luật về giao thông đường bộ thì dự thảo Nghị quyết này đã mở rộng một số quyền đối người được cấp biển số xe ô tô trúng đấu giá.
Tuy nhiên, so với quy định về quyền tài sản theo Bộ luật Dân sự thì việc dự thảo Nghị quyết này đã hạn chế một số quyền của người trúng đấu giá là cần thiết vì lý do quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và sau khi kết thúc thí điểm sẽ được tổng kết, đánh giá và đề xuất cho phù hợp.
"UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ là “không được chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi, thừa kế biển số trúng đấu giá”, trừ trường hợp biển số gắn với xe ô tô thì thực hiện theo quy định hiện hành nên đề nghị Quốc hội không bổ sung các nội dung liên quan đến quyền thừa kế và thuế chuyển nhượng biển số xe trúng dấu giá", ông Lê Tấn Tới nêu rõ.
Cũng theo ông Lê Tấn Tới, quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình là cần thiết, tuy nhiên sẽ không có căn cứ để quy định số lần giữ lại.
Người trúng đấu giá có thể gắn biển số trúng đấu giá vào xe ô tô cũ thuộc sở hữu của mình khi thuộc một trong các trường hợp cấp đổi biển số xe theo quy định của pháp luật, nhưng không được trả lại để đấu giá biển số khác.
Trường hợp chuyển nhượng xe ô tô có gắn biển số trúng đấu giá thì thực hiện thủ tục công chứng mua bán xe theo quy định, cơ quan công an có thẩm quyền sẽ tiến hành thủ tục đăng ký để tách hay giữ biển số trúng đấu giá theo xe.