Công tác thi đua, khen thưởng các cấp Hội Nhà báo Việt Nam:

Thi đua khen thưởng - động lực cho sức sáng tạo và sự cống hiến

Chủ nhật, 28/06/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong những năm qua, các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố đã tham gia tích cực và hiệu quả vào các phong trào thi đua khen thưởng do Trung ương Hội phát động.

Nhiều HNB địa phương đã làm tốt công tác ban hành các quy chế, hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên cũng có nhiều góp ý, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

images1536671_dtu1

Nhà báo Nguyễn Văn Phước Cường - Ủy viên BCH HNBVN, Chủ tịch HNB tỉnh Tiền Giang:

“Quan tâm cán bộ làm công tác chuyên trách Hội và cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hoạt động Hội”

Tại cụm Thi đua Bắc Sông Hậu có 6 thành viên gồm HNB các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Đồng Tháp. Trong những năm qua, các Hội trong Cụm Thi đua tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chăm lo đào tạo nghiệp vụ cho hội viên, phóng viên. Các giải báo chí cấp tỉnh tiếp tục được tổ chức tốt, với nhiều giải thưởng có giá trị, tạo ra sự hứng khởi thu hút được đông đảo hội viên, phóng viên, cộng tác viên tham gia. Cụm cũng tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tác trong lực lượng làm báo, thiết thực nâng cao chất lượng thông tin của báo chí ở địa phương. Đã có nhiều Hội trong khu vực có hội viên đạt được Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa Liềm vàng và các giải thưởng cấp toàn quốc, Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long...

Tuy nhiên, công tác thi đua và khen thưởng của các Hội ngoài các mặt thuận lợi cũng còn gặp không ít khó khăn, nhất là do chưa có cơ chế chính sách cụ thể và thống nhất từ Trung ương đến địa phương về việc tạo điều kiện hoạt động cho HNB các cấp. Đầu tiên về chế độ chính sách dành cho cán bộ chuyên trách công tác Hội. Đã có nơi cán bộ về hưu thì không được thêm người thay thế mà chỉ cho phép sử dụng lao động giúp việc với thù lao rất khiêm tốn. Có nơi kế hoạch hoạt động và từng đầu việc HNB tỉnh phải được UBND tỉnh thông qua. Sau đó mới được cấp kinh phí, nhưng số kinh phí này rất hạn chế (không phải là lương), thậm chí có HNB tỉnh không có chi phí đi dự các Hội nghị của Trung ương, Hội nghị Thi đua của Cụm Thi đua cũng không có...

Chính vì kinh phí dành cho hoạt động Hội còn hạn hẹp, lực lượng làm công tác Hội chuyên trách còn quá “mỏng”, công tác thi đua – khen thưởng vì thế qua thực tế hoạt động còn nhiều bất cập, chưa có sự đồng thuận cao trong việc khuyến khích phong trào. Những vấn đề này, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Hội, rất khó thu hút được người giỏi về công tác chuyên trách ở các Hội... Điều này đã được các Hội địa phương phản ánh đầy đủ khi tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37.

Riêng về khen thưởng, tôi kiến nghị chỉ những Hội nào có hội viên vi phạm kỷ luật hoặc không hoàn thành một chỉ tiêu thi đua nào đó của Trung ương thì bị cắt Bằng khen của Trung ương Hội. Còn lại thì các Hội địa phương nên xứng đáng được Trung ương Hội khen Bằng khen, hoặc ít nhất mỗi cụm được xét khen 2 Bằng khen. Ngoài ra, mỗi Cụm Thi đua nên được thưởng 1 Cờ Thi đua xuất sắc thì mới có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua. Có thể là cả nước nên có 10 Cờ Thi đua cho 10 Cụm Thi đua các Hội địa phương thay vì 5 như hiện nay.

Đối với Bằng khen cá nhân, đề nghị chú ý thêm cán bộ làm công tác chuyên trách Hội và các cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hoạt động Hội. Hoặc tách ra, một là khen thưởng dành cho hội viên có đóng góp, hai là khen thưởng dành cho những nhà báo có tác phẩm xuất sắc, đạt giải. Ngoài ra, với hơn 25.000 nhà báo trong cả nước mà chỉ có 15 bằng khen cá nhân hằng năm thì khó khuyến khích được phong trào thi đua đạt được hiệu quả cao.

Báo Công luận

Nhà báo Hà Minh Đích - Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Chủ tịch HNB Quảng Ngãi:

“Chú ý sơ kết, tổng kết, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong các cấp Hội”

Các Cụm thi đua địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm từng vùng miền. Tuy nhiên, việc điều hành công tác TĐKT cần đi vào thực chất, tránh qua loa, hình thức. Cụm cần chỉ đạo việc đăng ký giao ước thi đua từ đầu năm, với những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, định lượng tránh định tính để dễ kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở đăng ký giao ước thi đua, các Hội địa phương cần duy trì nền nếp việc phát động thi đua trong các cấp Hội và hội viên, chú ý cả 2 hình thức thi đua thường xuyên và thi đua theo đợt. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng cần kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu thi đua. Chú ý sơ kết, tổng kết, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong các cấp Hội. Lâu nay nhiều cấp Hội địa phương thiếu chú ý công việc này, dẫn đến những cái hay, cái tốt chưa được phổ biến, nhân rộng.

Việc đánh giá kết quả phong trào thi đua phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm do Trung ương Hội phát động, nhất là tham gia Hội báo toàn quốc, hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, Giải Báo chí Quốc gia… Có trường hợp ở Cụm suy tôn đơn vị điển hình đề nghị Trung ương Hội tặng Cờ hoặc Bằng khen, nhưng khi Hội đồng TĐKT kiểm tra lại việc thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị đó thì không đạt yêu cầu và không chấp nhận tặng các danh hiệu thi đua. Trong trường hợp này, do nhận xét, đánh giá không chính xác nên Cụm thi đua đã tự đánh mất chỉ tiêu Cờ hoặc Bằng khen của Cụm mình.

Tôi nghĩ, chúng ta phải dựa vào Quy chế TĐKT để xét đề nghị các danh hiệu thi đua. Quy chế quy định đơn vị đề nghị tặng Cờ thi đua phải đạt tiêu chí 2 năm liên tiếp được tặng Bằng khen. Nhưng có trường hợp chỉ mới 1 năm được tặng Bằng khen, Cụm vẫn đề nghị tặng Cờ và dĩ nhiên đề nghị này không được chấp nhận. Vẫn còn nhiều Cụm thi đua đề nghị tặng Cờ và Bằng khen vượt số lượng quy định, cá biệt có nơi đề nghị khen thưởng trực tiếp lên Trung ương Hội không qua xét chọn tại các Cụm thi đua địa phương. Quy chế quy định đơn vị được đề nghị Trung ương Hội tặng Cờ hoặc Bằng khen phải có xác nhận của Hội đồng TĐKT tỉnh, thành phố, nhưng một số nơi không thực hiện yêu cầu này, có nơi (như HNB TP. Hồ Chí Minh) gửi hồ sơ thi đua qua Ban Tuyên giáo Thành ủy xác nhận (trong khi Ban Tuyên giáo Thành ủy không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác TĐKT). Tôi rất mong Thường trực Hội đồng TĐKT (Ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam) khi hướng dẫn công tác TĐKT nên bám vào các quy định của Quy chế để thực hiện. Chẳng hạn như,  khi đề nghị tặng Bằng khen cho cá nhân thì báo cáo thành tích cá nhân có xác nhận của HNB, tỉnh, thành phố là đủ chứ không cần phải thêm yêu cầu xác nhận của Hội đồng TĐKT tỉnh thành nào. Bởi phần lớn không có Hội đồng TĐKT tỉnh, thành nào nắm hết danh sách các Hội viên nhà báo để xác nhận cả.

Báo Công luận

Nhà báo Lê Trọng Lập - Chủ tịch HNB tỉnh Hà Giang:

“Thi đua khen thưởng phải tạo ra động lực thực sự cho ngườiphóng viên cống hiến”

Công tác TĐKT của HNB tỉnh Hà Giang được thực hiện thường xuyên, đồng thời mang tính chất động viên, khuyến khích phóng viên trong công việc hằng ngày. Bên cạnh đó, cũng có TĐKT động viên cán bộ phóng viên theo từng chuyên đề, nội dung và tính chất công việc. HNB tỉnh đã lồng ghép công tác thi đua, khen thưởng với các đợt sinh hoạt, hội nghị với các cơ quan báo chí. Trong các lần sinh hoạt, Hội luôn động viên anh em phóng viên lựa chọn những đề tài có tính phát hiện, đặc sắc để triển khai. Để tạo ra động lực thực sự cho người phóng viên cống hiến, trước tiên cơ quan báo đó phải tạo ra sự yên tâm cho anh em phóng viên bằng cơ chế chính sách cụ thể để họ phấn khởi làm tốt nhiệm vụ. Bản thân Hội cũng có những cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp phóng viên kịp thời, hiệu quả.

Trong quá trình thi đua đó, Hội cũng chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chấn chỉnh, phát hiện sai phạm, hạn chế. Hội cùng với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đều thực hiện cơ chế, chính sách để khuyến khích động viên anh em thông qua công tác giao việc, chế độ nhuận bút hay nếu có thành tích đột xuất thì bàn bạc có khen thưởng ngay.

Vừa qua, nhiều phóng viên của Báo Hà Giang tác nghiệp nửa tháng ở vùng dịch huyện Đồng Văn, báo cũng có chính sách hỗ trợ về nhuận bút ngay lúc đó để phóng viên yên tâm phấn khởi cống hiến. Sau khi phóng viên tác nghiệp từ vùng dịch về, do phải tự cách ly 14 ngày nên HNB tỉnh cũng hướng dẫn Báo Hà Giang có hỗ trợ động viên ngay để anh em phóng viên yên tâm cách ly và công tác sau này. Ngoài ra, phóng viên mà thực sự có đề tài hay, có nội dung hấp dẫn và có bài viết nổi trội, đề tài đặc sắc và qua một thời gian nhất định xác định được phóng viên đó có năng lực, năng khiếu thật sự thì Hội sẽ chỉ đạo cơ quan báo chí đó có hỗ trợ khuyến khích để người phóng viên đó tiếp tục đi sâu khai thác những chủ đề khó, hay và đòi hỏi đầu tư thời gian công sức.

Về công tác khen thưởng, hiện HNBVN đang áp tỷ lệ khen thưởng hằng năm xuống các cấp tỉnh thành với phần trăm còn quá thấp, phần trăm đây là bằng khen, cờ cho HNB cấp tỉnh, bằng khen cho các cá nhân. Tôi mong muốn tiêu chí khen thưởng của HNBVN cần hết sức cụ thể, chi tiết, bên cạnh đó tỷ lệ phần trăm khen thưởng cho các tổ chức Hội nên nới rộng hơn chút nữa… tất cả để tạo động lực cho anh em ở cơ sở.

Báo Công luận

Nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HNB TP. Hà Nội, Phó TGĐ - Phó Tổng Biên tập Đài PT-TH Hà Nội:

“Nên đưa ra bộ tiêu chí cho hằng năm thì hay và thiết thực hơn”

Thực hiện phong trào thi đua do HNBVN phát động, Hội Nhà báo Hà Nội đã hưởng ứng tích cực và có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình đặc điểm của mỗi đơn vị. Nội dung các phong trào thi đua đã được triển khai sâu rộng đến cơ sở, thực hiện với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, khuyến khích, động viên tính chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân. Công tác khen thưởng đã thể hiện được sự tôn vinh, ghi nhận công lao đóng góp của các tập thể, cá nhân là động lực thúc đẩy cán bộ, viên chức, hội viên, nhà báo trên địa bàn thành phố hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên để phát huy hiệu quả công tác này và giải quyết những hạn chế, HNBVN nên xây dựng một bộ khung tiêu chí để cho HNB ở các địa phương, các tỉnh thành họ dựa vào đó để tự sắp xếp, xây dựng kế hoạch. Hoặc HNBVN đưa ra bộ tiêu chí cho hằng năm thì hay và thiết thực hơn. Từ đó, Hội cơ sở sẽ có căn cứ thực hiện. Tôi ví dụ, Hội của tỉnh này được 10 điểm là vì đã làm được điều này, 8 điểm vì thế kia. Vì hiện nay nhiều HNB ở địa phương vẫn đang không biết mình đang ở mức độ nào. Hay như trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, phóng viên, nhà báo, quay phim họ rất vất vả thực hiện công tác tuyên truyền, thì HNBVN cũng cần hướng dẫn, xây dựng cơ chế khen thưởng vào những đợt tuyên truyền tập trung, những nhiệm vụ đột xuất đặc biệt kiểu này.

Ở đơn vị tôi, để thực hiện có hiệu quả công tác TĐKT, Đài PT-TH Hà Nội áp dụng phương pháp cứ hết một tuần là đánh giá xem những tin bài nào hay, tin bài phóng sự nào có nội dung chất lượng, có tính lan tỏa trong cộng đồng, có hình ảnh đẹp tính chất tuyên truyền cao. Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo anh em cán bộ rút ra kinh nghiệm những kịch bản dở, những hình ảnh không tốt.

Hiện khen thưởng ở Đài sẽ tổ chức trong một đợt sơ kết, hay sơ kết một chương trình dài kỳ nào đó, thì Đài cũng chọn ra một vài tập thể, một vài cá nhân để khen thưởng, động viên khích lệ. Chẳng hạn, vừa qua ê-kíp do BTV Nguyễn Thị Thu Hà ban Thời sự Đài PT&TH Hà Nội luôn tác nghiệp đưa tin nhiều tháng về dịch Covid-19, trong đó có cả quay phim và lái xe vào khu vực cách ly để quay, những cán bộ này sau khi tác nghiệp sẽ được cơ quan cho cách ly 14 ngày tại nhà. Cán bộ, phóng viên này chỉ làm dựng hình ảnh, hậu kỳ ở nhà, không đi quay ở những sự kiện khác để tránh nguy cơ lây lan. Những cán bộ luôn xông xáo ở các điểm là tuyến đầu chống dịch thì Đài PT&TH Hà Nội cũng sẽ có chính sách khen thưởng động viên riêng.

Báo Công luận

Nhà báo Đỗ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Quảng Ninh:

“Cần xây dựng và thực hiện tiêu chí thi đua với thang bảng điểm cụ thể”

HNB tỉnh Quảng Ninh đến nay đã trải qua 60 năm xây dựng và phát triển với 8 kỳ đại hội. Phong trào thi đua trong các cấp HNB và đội ngũ những người làm báo ở vùng mỏ luôn được chú trọng phát động và tổ chức thực hiện vừa theo cả bề rộng và chiều sâu. Những năm qua, HNB tỉnh đã tổ chức phát động, triển khai khá bài bản và hiệu quả các phong trào thi đua do HNBVN, tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Hằng năm, vào dịp tổ chức Hội báo xuân ở tỉnh, HNB tỉnh đều phát động thi đua trong các cấp Hội và toàn thể hội viên, phóng viên trên địa bàn. Nội dung thi đua tập trung vào việc sáng tạo tác phẩm báo chí, nhất là tác phẩm chất lượng cao để thực hiện tốt tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí trên địa bàn là: phương tiện thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, là diễn đàn của nhân dân.

Thông qua sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, các hội viên thi đua đạt giải thưởng các cuộc thi và giải báo chí ở Trung ương và ở tỉnh. Nội dung thi đua còn tập trung vào việc xây dựng cơ quan văn hóa, công tác xã hội từ thiện, hoạt động văn nghệ - thể thao và thực hiện tốt Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Trên cơ sở nội dung phát động của HNB tỉnh, các chi hội, liên chi hội và từng hội viên nhà báo đã tích cực hưởng ứng. Nhiệm kỳ 2014 - 2019, hội viên nhà báo ở Vùng mỏ đạt nhiều giải báo chí cả ở Trung ương và ở tỉnh, nổi bật là đạt 2 giải A Giải Báo chí Quốc gia, nhiều giải cao trong Giải Búa liềm vàng và các cuộc thi, giải báo chí, liên hoan phát thanh truyền hình… Đối với các hoạt động khác cũng đạt nhiều kết quả: Tiêu biểu như trong hoạt động xã hội từ thiện, liên lục 25 năm qua, HNB tỉnh nhận phụng dưỡng 2 gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bằng nguồn tự nguyện đóng góp của hội viên (100.000 đồng/hội viên/năm).

Trong các Hội báo Xuân hằng năm, Hội và các cơ quan báo chí đã ủng hộ hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; xây dựng nhà và tặng bò giống, công cụ lao động cho đồng bào nghèo ở vùng miền núi… Hoạt động văn nghệ thể thao cũng diễn ra sôi nổi. 20 năm qua, Hội đứng ra tổ chức bầu chọn và khen thưởng các vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu của Vùng mỏ.

Kinh nghiệm trong công tác thi đua của chúng tôi là: Nội dung thi đua phải thiết thực và phù hợp, phát động phải sâu rộng, phải có kế hoạch cụ thể để triển khai và kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể cá nhân tiêu biểu. Chẳng hạn như khi các hội viên đạt giải cao, Hội khen thưởng và đứng ra đề nghị tỉnh khen thưởng kịp thời.

Nhân đây, HNB Quảng Ninh đề nghị HNBVN nghiên cứu điều chỉnh quy chế TĐKT sao cho động viên kịp thời và rộng rãi hơn các cấp Hội và hội viên. Chẳng hạn như hồ sơ khen thưởng chỉ cần báo cáo thành tích và xác nhận của Cụm thi đua HNB là đủ, không cần xác nhận của Hội đồng TĐKT tỉnh. Mỗi Cụm thi đua, HNBVN xem xét trao một cờ cho đơn vị dẫn đầu cụm và tặng bằng khen cho từ 1 đến 2 đơn vị. Rồi tỷ lệ hội viên được khen thưởng cũng cần điều chỉnh lại như trước đây, nghĩa là khen thưởng khoảng 1% hội viên.

Ban Công tác hội thuộc HNBVN cũng cần hướng dẫn các cụm thi đua việc xây dựng và thực hiện tiêu chí thi đua với thang bảng điểm cụ thể để việc bình chọn thi đua khoa học hơn, tránh tình trạng suy tôn cảm tính và nhường nhịn nhau.

Lê Tâm (Ghi)

Tin khác

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

(CLO) Ngày 27/3, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp, tư duy dựng sản phẩm Longform bằng Canva và Sway cho các học viên là biên tập, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Công tác hội
Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ; 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, ngày 23/3, Báo Sơn La tổ chức giải thể thao Phan Xi Păng Báo Đảng các tỉnh khu vực Trung du - Miền núi phía Tây Bắc lần thứ XVI, năm 2024.

Công tác hội
Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, mổ xẻ và đưa ra giải pháp về các vấn đề bức thiết nhất của báo chí Việt Nam.

Công tác hội
Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

(NB&CL) Hội Báo Toàn quốc 2024 - một trong những sự kiện quy mô của giới báo chí trong năm 2024 - đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người làm báo và công chúng báo chí cả nước, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Công tác hội
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

(CLO) Theo nhà báo Dương Danh Hữu: “Chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm”.

Công tác hội