Thí sinh cần chọn trường trước khi chọn ngành

Thứ năm, 29/07/2021 09:50 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc thí sinh không bị giới hạn bởi số nguyện vọng đăng ký đó là thuận lợi. Tuy nhiên, để chọn đúng ngành nghề, sau này tăng cơ hội việc làm thì các thí sinh nên bình tĩnh, xem xét thấu đáo trước khi điều chỉnh nguyện vọng.

“Thông thường các em luôn luôn chọn những ngành mình yêu thích trước. Nhưng tôi cho rằng, khi có điểm rồi các em nên chọn trường. Khi chọn trường, các em nên chọn những cơ sở đào tạo có uy tín, ở top trên, bằng cấp sau này của các em sẽ có giá trị. Sau này, toàn cầu hóa, các em đi làm ở các công ty nước ngoài họ sẽ rất chú trọng việc tốt nghiệp ở trường nào. Do đó, các em cần lựa chọn trường, sau đó mới lựa chọn ngành”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm trước vấn đề lựa chọn ngành học, trường học vốn đang “nóng” sau khi thí sinh biết điểm thi.

Điểm chuẩn khối A1, D1 sẽ tăng, các khối khác ổn định

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, điều thí sinh và phụ huynh quan tâm nhất đó là việc lựa chọn nguyện vọng đại học của các em. Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được công bố thì công tác tuyển sinh đại học sẽ có nhiều thuận lợi.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng, Cục quản lý Chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: “Phân tích phổ điểm của một số tổ hợp xét tuyển truyền thống cho thấy phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển đại học năm nay khá gần với phân bố chuẩn. Điểm trung bình của các tổ hợp tăng nhẹ so với năm 2020, kết quả thi có độ phân hóa tốt. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các trường top cao làm cơ sở để tuyển sinh”.

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh đại học, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với phổ điểm năm nay những ngành hot sẽ có điểm chuẩn nhỉnh hơn năm 2020. Trong đó, các khối D1 (Toán, Văn, Tiếng Anh) hay A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh) điểm chuẩn có thể cao hơn so với năm 2020 từ 1 đến 1,5 điểm. “Những ngành hot sẽ tăng, còn nhìn chung sẽ ổn định như năm 2020. Riêng đối với ngành sức khỏe B00 (Toán, Hóa, Sinh), năm nay điểm môn Hóa học không được cao, nên điểm có thể vẫn giữ như năm 2020” – Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Nguyễn Phong Điền - Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, với kết quả này và sự phân bố điểm sẽ rất thuận lợi cho các trường đại học top dưới, top giữa và cả top trên như Bách Khoa Hà Nội để xét tuyển. Trong đó, trường top giữa sẽ thuận lợi nhất trong lựa chọn nguồn thí sinh. Xét riêng về trường đại học Bách Khoa Hà Nội, trường dành sự quan tâm nhiều đến số thí sinh đạt từ 26 điểm. Nhìn vào phổ điểm thấy được mức độ phân loại thí sinh nên yên tâm có thể tuyển lựa.

Cũng liên quan đến điểm chuẩn, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhận định điểm chuẩn năm nay của trường không tăng hơn năm trước. Nếu giảm, chỉ giảm khoảng 0,25 điểm. Tổng chỉ tiêu năm nay của 3 trường y dược lớn của cả nước chỉ khoảng 900. Trong khi thí sinh đạt từ 28,1 điểm trở lên ở tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) là 686, chưa kể số thí sinh được cộng điểm đối tượng, điểm khu vực, điểm khuyến khích chứng chỉ ngoại ngữ.

Thí sinh nên đăng ký từ 3 đến 5 nguyện vọng để tăng cơ hội vào các trường, ngành học mình yêu thích.

Thí sinh nên đăng ký từ 3 đến 5 nguyện vọng để tăng cơ hội vào các trường, ngành học mình yêu thích.

Trong khi đó, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên, trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) nhận định, dự kiến điểm chuẩn xét từ điểm thi tốt nghiệp khối D1 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh) năm nay sẽ tăng khoảng 0,5 đến 1 điểm. Trong khi, điểm chuẩn xét khối A00 (Toán - Vật lý - Hóa) ở các trường top trên không thay đổi so với năm 2020, nếu tăng chủ yếu ở các trường top dưới và top giữa. Điểm chuẩn khối C (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý) sẽ không có nhiều thay đổi.

Cũng liên quan đến điểm chuẩn, đa số chuyên gia nhận định với môn Tiếng Anh tăng số điểm 10 gần 20 lần so với năm 2020. Tỷ lệ số thí sinh đạt điểm 10 và các điểm gần 10 cao ở môn Tiếng Anh sẽ có thể ảnh hưởng đến điểm chuẩn xét tuyển ở các ngành khối D và A1.

Một thí sinh nên đăng ký từ 3 đến 5 nguyện vọng

Liên quan đến vấn đề lựa chọn ngành học, trường học sau khi đã biết điểm thi, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, hiện nay đã có điểm, đây là cơ hội tốt nhất để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Khuyên thí sinh, thầy Nguyễn Đình Đức cho rằng: “Thông thường các em luôn luôn chọn những ngành mình yêu thích trước. Nhưng tôi cho rằng, khi có điểm rồi các em nên chọn trường. Khi chọn trường, các em nên chọn những cơ sở đào tạo có uy tín, ở tốp trên, bằng cấp sau này của các em sẽ có giá trị. Sau này, toàn cầu hóa, các em đi làm ở các công ty nước ngoài họ sẽ rất chú trọng việc tốt nghiệp ở trường nào. Do đó, các em cần lựa chọn trường, sau đó mới lựa chọn ngành.

Các em cũng nên mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích theo mức điểm của mình. Một thí sinh nên chọn từ 3 đến 5 nguyện vọng dự phòng cho an toàn. Điểm chuẩn năm nay cơ bản ổn định, một số ngành sẽ nhích lên 1 – đến 1,5 điểm đối với những ngành hot”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, thí sinh khi đăng ký nguyện vọng nên theo thứ tự trường yêu thích, ngành yêu thích. Tránh trường hợp đỗ nguyện vọng 1 nhưng lại muốn học ở trường đăng ký nguyện vọng 2. Thí sinh cần đăng ký một số nguyện vọng có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển nếu ngành đó xét tuyển nhiều tổ hợp.

Theo nhận định của các chuyên gia, các ngành hot chắc chắn sẽ thu hút nhiều thí sinh đăng ký, điều này khiến cuộc đua vào các ngành như Y khoa, Báo chí, Ngoại thương, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính… vẫn sẽ rất khốc liệt.

Thí sinh có nên lựa chọn học ngành khoa học cơ bản?

Chia sẻ về xu hướng chọn ngành nghề, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, các ngành khoa học cơ bản cũng là một lựa chọn khôn ngoan đối với các thí sinh. Hiện nay, các ngành khoa học cơ bản, nhất là khối ngành khoa học tự nhiên đang có tình trạng khó tuyển thí sinh chất lượng cao. Việc các em được lựa chọn nhiều ngành nên đa phần ít em chọn theo các ngành khoa học cơ bản.

Trước kia như ngành Toán mặc dù điểm chuẩn 17 điểm nhưng có em 29 điểm đăng ký vào học. Nhưng bây giờ những em điểm cao sẽ chọn ngành hot, không chọn các ngành khoa học truyền thống. Có những ngành còn rất khó tuyển sinh, lác đác chỉ tuyển được vài em” – thầy Nguyễn Đình Đức cho biết.

Chuyên gia này chia sẻ, hiện nay có sự xóa nhòa ranh giới các ngành học. Các ngành giờ trở nên liên ngành hơn. Các ngành khoa học cơ bản sẽ là nền tảng để học các ngành khác. Đối với các ngành khoa học nhân văn hiện tuyển sinh có khởi sắc hơn nhưng khoa học tự nhiên vẫn rất khó tuyển.

Trước lựa chọn của xã hội, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng các trường đại học cần phải thay đổi. Như có chính sách hỗ trợ học bổng để thu hút người học, phải đổi mới trong việc cấp bằng.

“Đại học Tokyo, Nhật Bản người ta vẫn có bộ môn Toán, Triết… nhưng những ngành đó học ra sẽ được cấp bằng Cử nhân khoa học. Trong khi ở nước ta vẫn lại bằng cử nhân Toán, cử nhân Triết. Việc cấp bằng cử nhân khoa học đã tạo cho sinh viên ra trường cơ hội làm việc rất rộng. Điều này cho thấy, các trường đại học phải thay đổi để thích nghi. Thời đại thay đổi rồi phải có điều chỉnh phù hợp chứ không như 30 hay 40 năm trước” - thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Qua trao đổi với các chuyên gia, có thể thấy công tác xét tuyển đại học sẽ không có nhiều biến động. Việc thí sinh không bị giới hạn bởi số nguyện vọng đăng ký đó là thuận lợi. Tuy nhiên, để chọn đúng ngành nghề, sau này tăng cơ hội việc làm thì các thí sinh nên bình tĩnh, xem xét thấu đáo trước khi điều chỉnh nguyện vọng.

 Trinh Phúc

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục