Thị trường bất động sản “vào mùa”: Dự án mới dồn dập ra mắt, M&A sôi động trở lại
(CLO) Báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2025 vừa được công bố bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản (DXS-FERI) cho thấy bức tranh tích cực trên nhiều phương diện.
Doanh nghiệp môi giới tái cấu trúc, tập trung chất lượng
Theo DXS-FERI, hàng loạt điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ, dòng tiền được khơi thông, cùng với mặt bằng lãi suất thấp và chính sách hỗ trợ thị trường giúp các doanh nghiệp bất động sản bước vào giai đoạn “vào mùa”. Các chủ đầu tư đồng loạt tái khởi động dự án, đẩy mạnh M&A quỹ đất, tuyển dụng nhân sự và mở rộng hợp tác với các đơn vị phân phối.
Phần lớn doanh nghiệp đã hoàn tất giai đoạn cơ cấu lại hoạt động, bước vào chu kỳ kinh doanh mới với tâm thế chủ động. Không chỉ các ông lớn quen mặt tăng tốc, thị trường cũng ghi nhận sự gia nhập của các chủ đầu tư mới có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng đầu tư dài hạn và phát triển bền vững.

Các dự án “nằm chờ” trong 2023–2024 bắt đầu được đưa ra thị trường từ đầu năm, trong khi một loạt dự án mới đang chuẩn bị được công bố vào nửa cuối năm. Cùng lúc, hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) tiếp tục diễn ra sôi động, nhất là tại các đô thị có tốc độ phát triển nhanh và quỹ đất sạch hạn chế.
Không chỉ các chủ đầu tư, các doanh nghiệp môi giới cũng chủ động bước vào giai đoạn sàng lọc và tối ưu mô hình kinh doanh. Họ lựa chọn kỹ lưỡng chủ đầu tư, sản phẩm và địa bàn để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải trong bối cảnh thị trường đang bước vào chu kỳ phục hồi.
Theo các chuyên gia, xu hướng Nam tiến vẫn tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt với những đơn vị triển khai bán hàng cho các dự án quy mô lớn. Các doanh nghiệp môi giới cũng có xu hướng chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng chuyên sâu, tập trung vào liên minh – liên kết với chủ đầu tư chiến lược.

Một khảo sát của DXS-FERI với 1.875 mẫu cho thấy tiêu chí quan trọng nhất khi môi giới lựa chọn sản phẩm phân phối là “pháp lý rõ ràng” (36%), tiếp theo là “uy tín chủ đầu tư” (23%), “sản phẩm phù hợp nhu cầu” (20%) và “tiến độ chi trả phí nhanh” (18%). Điều này cho thấy môi giới ngày càng thận trọng hơn trong lựa chọn sản phẩm, phù hợp với tâm lý cẩn trọng sau giai đoạn trầm lắng kéo dài.
Nền tảng vĩ mô thuận lợi tạo đà tăng trưởng
Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong nửa đầu năm 2025. GDP tăng 7,52% – mức cao nhất trong 14 năm, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%. Chỉ số PMI duy trì trên 50 điểm – ngưỡng cho thấy sự phục hồi rõ rệt của ngành sản xuất. Chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước giúp lãi suất giữ ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà tiếp cận vốn.
Đồng thời, các nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, cải cách hành chính và thu hút FDI đang giúp thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục mạnh mẽ hơn. Một số cải cách như rút ngắn 30% thời gian phê duyệt hồ sơ, tăng 20% tốc độ xử lý hồ sơ tại các địa phương, đã góp phần tăng tính minh bạch và rút ngắn thủ tục cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, niềm tin thị trường đã cải thiện rõ rệt so với các giai đoạn trước. Dòng tiền quay lại thị trường không chỉ từ nhà đầu tư cá nhân mà còn từ các tổ chức, đặc biệt ở những phân khúc được đánh giá có tiềm năng sinh lời ổn định.

Nguồn cung căn hộ trong 6 tháng đầu năm ghi nhận sự cải thiện rõ rệt, tập trung chủ yếu ở phân khúc trung – cao cấp. Trong đó, các thị trường phía Bắc và phía Nam tiếp tục dẫn dắt xu hướng. Giá bán sơ cấp tại Hà Nội tăng 15–20%, TP HCM tăng 5–10%, còn các địa phương vệ tinh tăng nhẹ từ 2–3%, phản ánh lực cầu đang quay lại rõ nét.
Tỷ lệ hấp thụ cũng được cải thiện đáng kể, với nhiều dự án ghi nhận tỷ lệ giao dịch đạt 60–70% ngay sau khi mở bán, đặc biệt ở những khu vực có hạ tầng tốt và chủ đầu tư uy tín. Một số dự án ở khu Đông Hà Nội và khu Nam TP HCM đã tiệm cận mức giá 100 triệu đồng/m² – mức cao nhất từ trước đến nay.
Sức cầu được kích thích bởi mặt bằng lãi suất ổn định, chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư và nhu cầu ở thực lẫn đầu tư đang tăng trở lại. Nhóm người mua lần đầu, nhà đầu tư dài hạn và kiều hối đổ về đang tạo lực đẩy mới cho thị trường căn hộ.
DXS-FERI đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn tiền phục hồi – chuyển tiếp sang tăng trưởng. Nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, cộng với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, niềm tin nhà đầu tư và người mua nhà sẽ sớm trở lại vững chắc hơn trong năm 2026.
Các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới một cách bền vững – không còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu cơ hay dòng vốn ngắn hạn, mà dựa vào nhu cầu thật, chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp.